Thế giới

Hạm đội tàu sân bay không mang nổi tiêm kích của Nhật

Nhật Bản sở hữu hạm đội tàu sân bay đầy uy lực nhưng không thể vận hành tiêm kích mà chỉ hỗ trợ trực thăng.

Nhật Bản sở hữu hạm đội tàu sân bay đầy uy lực nhưng không thể vận hành tiêm kích mà chỉ hỗ trợ trực thăng.

Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đang vận hành lực lượng "khu trục hạm trực thăng" có kích thước đồ sộ và đường băng dài, nhưng lại không thể vận hành chiến đấu cơ, theo National Interest.

Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết sau Thế chiến II, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được thành lập với cơ cấu đầy đủ quân binh chủng, nhưng chỉ nhằm mục đích phòng thủ quốc gia. JMSDF là lực lượng hải quân có quy mô và uy lực lớn, nhưng không được phép sở hữu vũ khí có khả năng tiến công.

Trong nhiều thập kỷ qua, nhiệm vụ bảo vệ các tuyến hàng hải của Nhật Bản thôi thúc JMSDF chế tạo tàu sân bay cũng như khôi phục lực lượng không quân hải quân. 

Cuối thập niên 1960, JMSDF bắt đầu đóng hai khu trục hạm mang trực thăng lớp Haruna, với khu vực nhà chứa và sàn đáp chiếm đến nửa chiều dài tàu. Chúng đóng vai trò căn cứ nổi di động để trực thăng tiến hành tác chiến chống ngầm. Nhiệm vụ này tiếp tục được áp dụng cho hai tàu khu trục lớp Shirane.

Lớp Haruna và Shirane không phải tàu sân bay, nhưng chúng cho thấy quá trình thử nghiệm triển khai không quân hải quân của JMSDF. Hai lớp tàu này trở thành nền tảng để Nhật chế tạo tàu đổ bộ lớp Osumi với lượng giãn nước đầy tải 14.000 tấn, cho phép JMSDF chuyên chở bộ binh đến các đảo xa bờ. Lớp Osumi cũng có sàn đáp kéo dài toàn bộ thân tàu tương tự tàu sân bay thông thường, dù không có nhà chứa máy bay.

JS Shirane là bản thử nghiệm cho giải pháp tàu sân bay trực thăng.

Năm 2009, Nhật Bản đạt bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng không quân hải quân với việc hạ thủy khu trục hạm trực thăng JS Hyuga và JS Ise. Mỗi tàu dài 206 m, có giãn nước toàn tải 19.500 tấn, mang được 4 trực thăng chống ngầm và có khả năng hỗ trợ tới 11 chiếc. Lớp Hyuga có kích thước lớn hơn cả tàu sân bay HMS Invincible của Anh.

4 năm sau, Nhật Bản hạ thủy JS Izumo, chiếm hạm lớn nhất của nước này từ sau Thế chiến II. Lớp Izumo được Tokyo xếp vào nhóm tàu khu trục chở trực thăng, có chiều dài 248 m, giãn nước đầy tải 27.000 tấn, thường mang theo 9 trực thăng và có thể tăng lên 14 chiếc. JS Izumo và tàu JS Kaga cùng lớp đều đóng vai trò nòng cốt trong biên đội tàu khu trục hộ tống, có nhiệm vụ tiêu diệt tàu ngầm đối phương.

Hạm đội 4 khu trục hạm trực thăng của Nhật đều có sàn đáp kéo dài hết thân tàu, được trang bị thang nâng máy bay, thượng tầng dạng tháp và nhà chứa máy bay cỡ lớn trong thân. Vẻ ngoài của chúng không khác gì các tàu sân bay thực thụ.

Tuy nhiên, lớp Hyuga và Izumo lại không thể vận hành chiến đấu cơ. Trên lý thuyết, chúng có thể tiếp nhận siêu tiêm kích F-35B nhờ khả năng cất hạ cánh thẳng đứng hoặc trên đường băng ngắn (V/STOL). Nhưng các tàu của Nhật không có cầu nhảy để hỗ trợ máy bay cất cánh, việc tích hợp tính năng này đòi hỏi phải đưa tàu vào nhà máy trong hơn một năm. Bên cạnh đó, chỉ có một trong hai thang nâng đủ lớn để vận chuyển những phi cơ như F-35B và trực thăng lai MV-22 Osprey.

Kho chứa đạn và nhiên liệu hàng không trên lớp Hyuga và Izumo cũng cần mở rộng đáng kể để có thể hỗ trợ một lượng nhỏ tiêm kích F-35B. Nhưng điều này sẽ khiến không gian nhà chứa bị thu hẹp đáng kể, giảm khả năng mang theo máy bay trên tàu. Việc hoán cải chúng thành tàu sân bay cũng sẽ rất khó khăn, tốn thời gian và đắt đỏ.

Tàu khu trục chở trực thăng JS Hyuga (DDH-181).

Tuy nhiên, chuyên gia Mizokami cho rằng kích thước của lớp Izumo quá lớn so với một tàu khu trục trực thăng chuyên biệt. Nhiều khả năng Nhật Bản đang tiếp thu kinh nghiệm để chuẩn bị đóng tàu sân bay mang theo chiến đấu cơ thực sự, nhằm bổ sung cho lưới phòng không bao trùm quần đảo Ryukyu và Senkaku, nhiệm vụ đang do căn cứ không quân trên đảo Okinawa đảm nhận.

Tokyo hiện chưa có khả năng sở hữu các tàu sân bay thực sự. Tổng nợ công của Nhật Bản cao gấp đôi quy mô toàn bộ nền kinh tế. Ngân sách quốc phòng tăng chậm và chỉ đạt mức 1% GDP, cho thấy Tokyo chưa tập trung vào xây dựng lực lượng quân đội quá hùng mạnh.

Nhật Bản có đủ trình độ kỹ thuật để đóng tàu sân bay, cũng như khả năng mua tiêm kích hạm tốt nhất thế giới từ Mỹ, nhưng họ lại không có động cơ chiến lược để xây dựng hạm đội tàu sân bay, trừ khi quan hệ với Trung Quốc xấu đi nhanh chóng tới mức có nguy cơ nổ ra chiến tranh. Tuy nhiên, khả năng này rất khó xảy ra trong thời điểm hiện tại và tương lai gần, chuyên gia Mizokami nhận định.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)