Thế giới

Hai tàu Gepard 3.9 VN sắp nhận sẽ được đặt tên những vị vua nào?

Lần đầu tiên bên cạnh số hiệu như thường thấy, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thế hệ mới và tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam đã được đặt tên riêng.

Lần đầu tiên bên cạnh số hiệu như thường thấy, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 thế hệ mới và tàu ngầm Kilo 636 của Hải quân Việt Nam đã được đặt tên riêng.
Việt Nam lần đầu đặt tên cho tàu hải quân
 
Hầu hết các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nga…, ngoài số hiệu, họ đều đặt tên cho mỗi tàu hải quân của mình.
 
Mỗi nước có cách chọn tên riêng, nhưng tựu chung những cái tên đều thể hiện niềm tự hào, dù đó là tên danh nhân, danh tướng hay thành phố biểu tượng của họ.
 
Với Hải quân nhân dân Việt Nam, trước nay chưa có truyền thống và tiền lệ đặt tên cho từng tàu mà chỉ có số hiệu HQ cùng 2 hoặc 3 chữ số.
 
Tuy nhiên, khi tiếp nhận 2 tàu hộ vệ tên lửa hiện đại lớp Gepard 3.9 đặt đóng tại Nga vào năm 2011, lần đầu tiên các tàu thế hệ mới đã mang tên của những vị vua nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
 
Theo đó, 2 tàu này lần lượt được đặt tên là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ, đây là 2 trong số những vị vua nổi tiếng và có công dựng nước, giữ nước lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
 
Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh), là vị hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh - nước Đại Cồ Việt. Ông đã dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn để trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1.000 năm Bắc thuộc.
 
Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.
 
Lý Thái Tổ (Thái Tổ Thần Vũ hoàng đế) là vị Hoàng đế sáng lập nhà Lý, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.
 
Ông có công lớn trong việc đánh dẹp phản loạn và đặc biệt là quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La (1010), sau này được đổi tên thành Thăng Long - Hà Nội, mở đầu cho sự phát triển của nhà Lý với hơn 200 năm tồn tại.
 
Nếu như các tàu Gepard 3.9 được đặt theo tên những vị vua, thì tàu ngầm Kilo 636 lại được đặt tên bằng 6 tỉnh, thành phố tiêu biểu nhất của Việt Nam.
 
Gần đây có thêm một điểm mới trong việc đặt tên, đó là các tàu hải quân đó là bỏ chữ HQ và dấu gạch ngang (-) ở đầu, thay vào đó chỉ giữ lại phần số. Cách làm này hoàn toàn hợp lý, ngắn gọn, dễ gọi (kể cả trong chỉ huy tác chiến) và theo thông lệ quốc tế.
 
Như vậy, có thể thấy việc chọn tên cho các tàu hải quân thế hệ mới đã được Quân chủng Hải quân và Bộ Quốc phòng cân nhắc rất kỹ, có tham khảo cách chọn của một số nước phát triển.
 

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 số hiệu 014 - Trần Quốc Tuấn của học viên sĩ quan Học viện Hải quân. Ảnh: Quân đội nhân dân.

 
Hai tàu Gepard 3.9 mới sẽ mang tên vị vua hay danh tướng nào?
 
Theo tiến độ vừa được Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk thông báo, 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 tiếp theo đang được lắp đặt vũ khí trang bị và sẽ bàn giao cho Hải quân Việt Nam trong năm 2017 - 2018, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu.
 
Tuy nhiên, ngoài tiến độ thi công, thử nghiệm và huấn luyện kíp thủy thủ, điều mà nhiều người quan tâm lúc này chính là tên những vị vua hay danh tướng nào sẽ được đặt cho 2 tàu Gepard mới này?
 
Tại Hội thi Mô hình tàu hải quân do Học viện Hải quân tổ chức mới đây, có thể thấy rõ tên và số hiệu của 2 tàu Gepard lần lượt là 013 - Ngô Quyền và 014 - Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo).
 
Dù còn sớm để khẳng định đó sẽ là số hiệu và tên riêng của các tàu này, những rõ ràng đây là hai vị vua và danh tướng lẫy lừng, xứng đáng với những tàu chiến hiện đại bậc nhất của Hải quân Việt Nam.
 

Mô hình tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 số hiệu 013 - Ngô Quyền của học viên sĩ quan Học viện Hải quân. Ảnh: Quân đội nhân dân.

 
Ngô Quyền (898 - 944), còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam.
 
Năm 938, ông là người lãnh đạo nhân dân đánh bại quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng nổi tiếng, chính thức kết thúc hơn nghìn năm Bắc thuộc, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài của Đại Việt. Ngô Quyền nằm trong danh sách 14 anh hùng dân tộc tiêu biểu của Việt Nam.
 
Các nhà sử học Việt Nam thời trung đại như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đánh giá rất cao công trạng của Ngô Quyền. Lê Văn Hưu nhận định về ông rằng:
 
“Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa.
 
Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy. Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi đế, đổi niên hiệu, nhưng chính thống của nước Việt ta, ngõ hầu đã nối lại được”.
 
Trần Quốc Tuấn - Trần Hưng Đạo (1232 - 1300), là một nhà chính trị- quân sự kiệt xuất và nhà văn nổi tiếng thời Trần. Chiến công 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông đã đưa ông vào hàng đại danh nhân của lịch sử Việt Nam. Ông nổi tiếng với những câu nói mãi mãi ghi vào sử sách:
 
“Bệ hạ chém đầu tôi trước rồi hãy hàng” khi trả lời Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông trong cuộc kháng chiến lần 2.
 
“Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xẻ thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng cam lòng” trong Hịch Tướng sĩ.
 
Có thể thấy, mỗi kíp tàu, từ hộ vệ tên lửa cho tới tàu ngầm đều hết sức vinh dự, tự hào.
 
Nhưng cán bộ, chiến sĩ cũng xác định đây là nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Quân đội và nhân dân giao phó để nhanh chóng làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
>> Hai tàu Gepard 3.9 tới của Việt Nam trang bị hệ thống tên lửa gì ?
>> Báo Nga: Việt Nam muốn mua thêm tàu tên lửa Gepard-3.9 nâng cấp
 
Theo Bình Nguyên (Dailo.vn)