Thế giới

GRU – ‘Những bóng ma’ của Quân đội Nga

Như một chiếc bóng vô hình trên chiến trường, thâm nhập sâu vào phía sau phòng tuyến đối phương, các chiến sĩ đặc nhiệm quân đội – GRU có thể coi là tai mắt của Quân đội Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay.

GRU – ‘Những bóng ma’ của Quân đội Nga
Binh sĩ GRU thực hiện nhiệm vụ.

Thực tế chiến trường đã chứng minh, GRU không chỉ đáp ứng thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật, mà trong nhiều tình huống nhiệm vụ của họ đã xoay chuyển tình hình chiến trường, quyết định số phận của quốc gia. Dưới đây là một số nhiệm vụ nổi bật GRU đã thực hiện và tạo tiếng vang lớn không chỉ ở Liên Xô, Nga, mà còn trên toàn thế giới.

Tạo đầu cầu đổ bộ ở Prague

Trong lịch sử tồn tại, GRU không ít lần khẳng định lực lượng này có thể xoay chuyển tình thế chiến trường, thậm chí là số phận của một quốc gia.

Tháng 8/1968, lực lượng GRU thuộc Quân đội Liên Xô đã thực hiện một cuộc đột kích kiểm soát hoàn toàn sân bay quốc tế Ruzyne ở Prague (Tiệp Khắc). Việc chiếm giữ đầu cầu hàng không quan trọng này tạo điều kiện cho lực lượng của khối Warsaw lập cầu không vận các đơn vị cấp sư đoàn tới Tiệp Khắc.

Chỉ sau một đêm, người dân Prague sửng sốt khi thấy những đơn vị quân đội khối Warsaw bất ngờ xuất hiện trên đường phố để chấm dứt cái gọi là “mùa xuân Prague” do phe đối lập tiến hành tại Tiệp Khắc.

Để thực hiện nhiệm vụ này, các binh sĩ GRU đã cải trang và sử dụng một máy bay hành khách. Khi tới Prague, chiếc máy bay yêu cầu được hạ cánh khẩn cấp do trục trặc động cơ. Ngay khi tiếp đất, các đơn vị GRU theo nhiệm vụ được phân công nhanh chóng kiểm soát tháp không lưu và đường băng sân bay Ruzyne.

Hành động của các binh sĩ GRU nhanh đến mức lượng lượng bảo vệ sân bay Ruzyne dường như tê liệt hoàn toàn. Toàn bộ chiến dịch kiểm soát sân bay Ruzyne chỉ diễn ra trong vòng 9 phút. Sau đó vài giờ, cầu hàng không chở các đơn vị thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 7 đã hạ cánh xuống Ruzyne.

Cùng với GRU, trước đó vài ngày, các đơn vị Spetnaz Liên Xô đã triển khai lực lượng bí mật tại Prague. Toàn bộ các đài phát thanh, truyền hình, viễn thông của Prague được kiểm soát ngay trong đêm.

Cuộc đột kích của GRU và các đơn vị đặc nhiệm Liên Xô thực sự đã bẻ gãy âm mưu lật đổ chính quyền của phe phái đối lập tại Tiệp Khắc.

Thu giữ tên lửa Stringer tại Afghanistan

Sự xuất hiện của tổ hợp tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger trong tay các phần tử thánh chiến tại Afghanistan giai đoạn 1986 là mối hiểm họa lớn đối với phi công Liên Xô. Sau vài tháng được trang bị, phiến quân đã sử dụng tên lửa Stinger bắn hạ ít nhất 3 máy bay trực thăng tấn công Mi-24 của Quân đội Liên Xô.

Chính vì sự xuất hiện của Stinger, Quân đội Liên Xô đã phải thay đổi chiến thuật tác chiến không quân và yêu cầu phi công điều khiển máy bay trực thăng Mi-24 hoạt động ở độ cao cực thấp để né tên lửa. Tuy nhiên, hành động như vậy lại biến các máy bay trực thăng quân sự Liên Xô “làm mồi” cho các loại pháo phòng không tầm thấp.

Thời điểm đó, giới chức quân sự Liên Xô rất quan tâm tới tổ hợp MANPADS Stinger vì đây là một dòng vũ khí phòng thủ hiệu quả cao của Mỹ. Ngoài ra, việc thu giữ tổ hợp Stinger tại Afghanistan sẽ chứng minh Mỹ và phương Tây đứng sau hậu thuẫn các phần tử thánh chiến ở quốc gia Nam Á này.

Nhiệm vụ săn tìm tổ hợp Stinger tại Afghanistan được giao cho GRU. Tuy nhiên, công việc này rất khó khăn do địa hình hiểm trở của Afghanistan, cũng như việc phiến quân chỉ sử dụng tên lửa Stinger trong những tình huống “ngon ăn”. Các đơn vị GRU cài cắm đã mất hơn 6 tháng săn tìm mà không tìm thấy bất kỳ tổ hợp Stinger nào.

Vào tháng 1/1987, GRU đã thu được tổ hợp Stinger trong một tình huống đụng độ bất ngờ. Ngày 5/1/1987, đơn vị trinh sát số 187 dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Evgeniya Sergeev trên 2 trực thăng Mi-8 nhận nhiệm vụ ngăn chặn một chuyến hàng tiếp tế của các phần tử thánh chiến. Các dấu vết của đoàn vận chuyển được xác định ở Kalata, gần thành phố Kandahar.

Cuộc tập kích diễn ra bất ngờ, toàn bộ 16 phần tử cực đoan bị tiêu diệt và hàng hóa tiếp tế bị thu giữ. Trong khi khám xét hàng hóa, Trung úy Vladimir Kovtun đã phát hiện ra các tổ hợp tên lửa Stinger được bọc kín và buộc trên xe máy địa hình.

Các tổ hợp Stinger cùng tài liệu hướng dẫn sử dụng do Mỹ biên soạn cho phần tử thánh chiến được nhanh chóng chuyển về trung tâm chỉ huy. Những thông tin được công bố đã chứng minh sự liên hệ của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với lực lượng thánh chiến tại Afghanistan.

Ngoài nhiệm vụ tác chiến, các sĩ quan GRU cũng đảm nhiệm vai trò huấn luyện và cố vấn chiến thuật cho các quốc gia đồng minh.

Một trường hợp cụ thể là việc Lữ đoàn trinh sát đặc nhiệm số 15 thuộc GRU đã có mặt tại cuộc nội chiến ở Tajikistan vào tháng 9/1992. Cuộc nội chiến đã biến Tajikistan thành thiên đường cho các tay súng thánh chiến và tội phạm xuyên quốc gia. Mối nguy cơ này ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia của Nga. Điều này đã buộc Moscow cử lực lượng GRU tại Uzbekistan giải quyết vấn đề này.

Nhận nhiệm vụ, các binh sĩ thuộc Lữ đoàn GRU số 15 đã thực hiện nhiệm vụ huấn luyện lực lượng vũ trang Tajikistan, hộ tống các chuyến hàng viện trợ và giải cứu người tị nạn khỏi các khu vực chiến sự. Thậm chí, trong nhiều tình huống, binh sĩ GRU trực tiếp tham chiến. Đầu năm 1993, binh sĩ GRU đã trực tiếp hỗ trợ lực lượng chính phủ Tajikistan quét sạch thung lũng Karategin, nơi được coi là hang ổ của lực lượng cực đoan.

Tiêu diệt các phần tử khủng bố

Đối với Nga, thủ lĩnh lực lượng Hồi giáo cực đoan Zelimkhan Yandarbiyev được coi là đối tượng cực kỳ nguy hiểm tại Chesnya và được lực lượng tình báo truy lùng gắt gao. Việc tiêu diệt tên Z. Yandarbiyev đã được GRU Nga thực hiện thành công tại Doha, Qatar.

Zelimkhan Yandarbiyev từng chỉ huy lực lượng cực đoan phòng thủ thành phố Grozny năm 1995. Sau khi thủ lĩnh Dzhokhar Dudayev bị tiêu diệt, Z. Yandarbiyev nắm giữ quyền chỉ huy tối cao các lực lượng thánh chiến tại Chesnya và chuyển giao chức vụ này cho Aslan Maskhadov năm 1997. Z. Yandarbiyev được cho là kẻ chỉ huy vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà hát Dubrovka tại Moscow năm 2002.

Từ năm 2003, Z. Yandarbiyev ẩn náu tại Doha và bị cộng đồng quốc tế coi là phần tử khủng bố nguy hiểm. Ngày 13/2/2004, số phận kẻ khủng bố này đã kết thúc khi chiếc xe chở Z. Yandarbiyev bị xé nát trong một vụ đánh bom. GRU được cho là đứng sau vụ việc.

Theo Tuấn Sơn (Quân Đội Nhân Dân Online)