Thế giới

Giải mật vũ khí thời tiết Mỹ dùng ở Việt Nam

Ngoài vũ khí thông thường, Đế quốc Mỹ còn dùng vũ khí thời tiết nhằm ngăn chặn tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên đường Trường Sơn.

Ngoài vũ khí thông thường, Đế quốc Mỹ còn dùng vũ khí thời tiết nhằm ngăn chặn tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên đường Trường Sơn.
Khi mọi người nghĩ về phương pháp quân sự trong cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, chất độc da cam là điều được nói đến ngay lập tức. Nhưng nó không phải là vũ khí duy nhất của Mỹ trong cuộc chiến này. Nhằm ngăn chặn tuyến chi viện từ miền Bắc vào miền Nam trên đường Trường Sơn, Mỹ đã nghiên cứu vũ khí thời tiết gây mưa.
 
Theo website We are the mighty, CIA đã phát triển một chiến lược được gọi là đám mây giông vào năm 1963 nhằm phát tán hóa chất vào không khí để gây mưa nhân tạo trong những khu vực được nhắm mục tiêu.
 
Kết quả nghiên cứu này, sau đó được đưa vào sử dụng trong thực tế từ năm 1967 đến 1972. Mục đích của Mỹ trong việc gây mưa nhân tạo là để phá hỏng hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh hoặc ít nhất là cố gắng gây thiệt hại cho hệ thống này.
 
Một chiến dịch được gọi là Popeye đã được bí mật thực hiện từ ngày 20/3/1967 đến 5/7/1972. Các máy bay của Mỹ mang theo loại pháo được thiết kế đặc biệt mà khi nổ sẽ phát tán chất I-ốt bạc vào trong mây. I-ốt bạc sau đó sẽ phản ứng với các thành phần trong mây để tạo ra mưa.
 
Các nhà khoa học Mỹ dự đoán rằng những chất hóa học có thể gây ra sự đột biến về lượng mưa và thậm chí kéo dài thời gian mùa mưa ở rừng Trường Sơn để nhằm làm khó các hoạt động của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
 
Theo trang Opsecnews, ban đầu chiến dịch này hoạt động trên không phận Lào và miền Bắc Việt Nam. Sau đó nó mở rộng hoạt động về cả miền Nam Việt Nam và Campuchia. Lầu Năm Góc thừa nhận các máy bay C-130 của họ đã bay 2.602 phi vụ từ sân bay Udon của Thái Lan và gieo 47.409 đám mây tạo mưa.
 
Bản ghi nhớ viết: “Hoạt động ở Lào tiếp tục như hiện nay cộng với Eye Pop để giảm lưu lượng vận chuyển dọc tuyến đường xâm nhập và ủy quyền cho yêu cầu để thực hiện hoạt động thời tiết đã được thử nghiệm thành công trước đó ở một số khu vực”.
 
Về phía ta, sách Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, tập 6 cũng ghi nhận: Bộ Quốc phòng và Cục tình báo Trung ương Mỹ còn mở các chiến dịch “chiến tranh khí tượng học” gây mưa nhân tạo trên vùng rừng núi Trường Sơn, làm cho nước sông, suối dâng cao, chảy xiết, đồi núi sụt lở, đường trơn lầy lội quanh năm, ngăn cản ta vận chuyển vật chất, vũ khí vào chiến trường, hạn chế quân ta di chuyển...
 

Mỹ cũng đã dùng các chất hóa học đặc biệt rắc vào mây, tạo ra những trận mưa a- xít làm hư hỏng vũ khí và phương tiện chiến đấu của ta. Tuy nhiên, cũng như các thủ đoạn tinh vi khác, cuối cùng, cuộc chiến tranh khí tượng mà Mỹ thực hiện vẫn không thể ngăn cản sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam trên đường Trường Sơn.

 
Theo Nam Khánh (Kienthuc.net.vn)