Thế giới

F-16 thêm vũ khí thông minh vẫn khó vào Việt Nam

Việc Mỹ tích hợp thành công rocket laser APKWS lên F-16 khiến tiêm kích này mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ khiến Việt Nam mở hầu bao.

Việc Mỹ tích hợp thành công rocket laser APKWS lên F-16 khiến tiêm kích này mạnh mẽ hơn nhiều. Tuy nhiên, chừng ấy là chưa đủ khiến Việt Nam mở hầu bao.

Theo Jane's, Tập đoàn BAE System cho hay, Không quân Mỹ đã nhận được đạn rocket thông minh dẫn đường bằng laser APKWS trang bị cho chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon sử dụng trong hoạt động chiến đấu. Việc Mỹ chính thức tích hợp đạn rocket thông minh APKWS lên các chiến đấu cơ F-16 là một tin vui tới những quốc gia sở hữu loại máy bay này.

Với các loại tên lửa đối đất, bom thông minh tầm gần sử dụng trên các chiến đấu cơ (gồm cả F-16) có giá rất đắt, ví dụ tên lửa AGM-65 Maverick có giá 110.000 USD/quả. Trong khi đó APKWS được cho là chỉ có giá khoảng 30.000 USD/quả và có thể rẻ hơn khi tận dụng các viên đạn rocket 70mm Hydra cải tiến (vốn có giá 2.700 USD/quả).

Với những quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc sử dụng đạn rocket và cả rocket thông minh là giải pháp tốt, tiết kiệm trong hoạt động huấn luyện và chiến đấu nếu mua được chiến đấu cơ F-16.

F-16 them vu khi thong minh van kho vao Viet Nam 
Dù được nâng cấp nhưng F-16 vẫn khó có thể được Việt Nam lựa chọn.

Đặc biệt, Tập đoàn BAE System đang muốn xâm nhập thị trường quốc phòng tiềm năng của Việt Nam. Vì vậy, nếu mua được F-16 thì việc nhập khẩu rocket thông minh APKWS là hoàn toàn có thể với Việt Nam.

Đạn rocket APKWS có chiều dài 1,87m, sải cánh 24,3cm, nặng 15kg, tầm bắn đạt 1.100-5.000m với trực thăng và tới 11km với máy bay cánh bằng, đầu dẫn laser chủ động khiến bán kính lệch mục tiêu chỉ dưới 0,5m.

Khó có thể được Việt Nam chọn

Dù được nâng cấp hệ thống vũ khí mới khiến F-16 tấn công chính xác mục tiêu hơn trước rất nhiều nhưng chừng ấy là chưa đủ khiến Việt Nam quyết định mua loại chiến đấu cơ này với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Hiện nay, nếu mua F-16 ngay cũng không giải quyết được vấn đề gì bởi việc sở hữu và đưa vào sử dụng một loại máy bay chiến đấu phương Tây không phải là vấn đề Việt Nam ngay lập tức có thể làm được, bởi đó là sự dịch chuyển trong cơ cấu vũ khí của cả một quân chủng.

Trước khi mua bất cứ loại vũ khí gì, trước hết phải cân nhắc xem chúng có phù hợp với chiến lược phát triển trang bị, tính tương tác với các loại vũ khí khác, yêu cầu tác chiến và điều kiện thổ nhưỡng khí hậu của Việt Nam hay không, nếu quyết định mua thì mới tính đến các yếu tố khác.

Sau đó, cần phải có sự chuẩn bị về mặt con người bao gồm công tác huấn luyện đào tạo phi công và nhân lực bảo đảm hàng không, nhân viên kỹ thuật và các cơ sở vật chất kỹ thuật bao gồm cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, linh, phụ kiện máy bay…

Mục tiêu khác của chúng ta hướng tới là tiếp thu trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài để phát triển công nghệ quốc phòng trong nước, để sau này dần dần tự chủ trong sản xuất trang bị-vũ khí, nên việc mua sắm vũ khí cũng phải xem xét đến yếu tố này.

Ngoài ra, F-16 mặc dù được thiết kế với ý tưởng ban đầu là một loại máy bay tiêm kích đánh chặn (mặc dù các phiên bản sau đã trở thành đa năng), cũng kém các máy bay Nga ở khả năng leo cao nhanh và đồng thời trần bay, tầm bay cũng là một vấn đề.

Với nền tảng của một loại máy bay tiêm kích đánh chặn, F-16 có bán kính tác chiến rất ngắn khi mang đủ vũ khí (khoảng 550km). Nếu muốn tăng tầm bay thì phải mang các thùng dầu phụ nhưng sẽ làm giảm sự linh hoạt và tải trọng vũ khí của nó nên khả năng chiến đấu ở biển xa sẽ hạn chế.

Các đảo của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa có những nơi cách xa đất liền hơn 600km, các máy bay chiến đấu cần có bán kính tác chiến tầm 1000km mới đủ dự trữ nhiên liệu cho thêm vài chục phút chiến đấu, còn F-16 không thể bay ra đến nơi chứ đừng nói là tác chiến được ở đó.

F-16 có khả năng tiếp nhiên liệu trên không, với các quốc gia có máy bay tiếp dầu thì bán kính tác chiến của máy bay không phải là vấn đề quá quan trọng nhưng hiện Việt Nam chưa có loại máy bay này và mua sắm nó cũng chưa phải là nhu cầu quá bức thiết.

Do đó, nếu muốn F-16 tham gia vào nhiệm vụ bảo vệ biển đảo, Việt Nam sẽ phải sắm máy bay tiếp dầu để phục vụ cho một nhiệm vụ chiến đấu cách đất liền hơn 600km là quá lãng phí.

Ngoài ra, yếu tố giá thành cũng khiến Việt Nam khó có thể quyết định mua F-16 vào thời điểm hiện nay.

Theo các hợp đồng chính thức đã được công bố, phiên bản F-16 E/F Block 60 có giá không dưới 90 triệu USD theo thời giá năm 2012, phiên bản F-16C/D Block 52 plus có giá 74 triệu USD (thời giá 2006). Ở thời điểm hiện nay, giá thành của F-16 đã tăng lên khá nhiều.
 

Theo Tuấn Hưng (Đất Việt)