Thế giới

Đức đã tự 'bóp chết' lực lượng xe tăng thế nào?

Giữa những năm 1990, Đức còn 3.000 xe tăng các loại, thế nhưng tới năm 2017 họ còn chưa tới 300 chiếc. Điều gì đã xảy ra?

Nhắc tới các lực lượng xe tăng hùng mạnh, ngoài nước Nga (Liên Xô cũ), hầu như ai cũng phải nhớ tới nước Đức – nơi tạo ra những “con rùa thép” đáng sợ bậc nhất hành tinh trong chiến tranh thế giới thứ 2 thảm khốc.

Trong cuộc chiến này, những cỗ xe tăng Đức đã càn quét gần hết châu Âu, khiến nhiều quốc gia thảm bại chỉ trong vài ngày.

Thậm chí, sau năm 1945, nước Đức trong tình trạng bị chia cắt thì cả 2 quốc gia Tây Đức và Đông Đức vẫn sở hữu dàn tăng hùng mạnh.

Đức đã tự 'bóp chết' lực lượng xe tăng thế nào?
Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Nguồn ảnh: Wikipedia

5.000 còn 300, chuyện gì thế này?

Theo hãng tin Nga RT, trong gần 40 năm, kể từ năm 1979, ngành công nghiệp quốc phòng Đức đã sản xuất được hơn 3.200 xe tăng Leopard 2, trong đó có khoảng 1/3 được xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới, số còn lại được chuyên cho lực lượng vũ trang Bundeswehr (phiên âm tiếng Đức chỉ lực lượng vũ trang Cộng hòa Liên bang Đức).

Sau khi "Bức tường Berlin sụp đổ", nước Đức thống nhất, toàn bộ lực lượng vũ trang Tây Đức khi đó hầu như "không thèm" dàn tăng Liên Xô tối tân ở Đông Đức mà họ vẫn có chừng 5.000 chiếc.

Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, Đức ngừng sản xuất xe tăng và cắt giảm mức chi tiêu quân sự. Điều này dẫn tới lục quân Đức chỉ còn gần 3.000 xe tăng, giảm gần 1/2.

Đến năm 2005, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Đức còn 2.398 xe tăng. 12 năm sau, số lượng này tiếp tục giảm tới mức cực tiểu, theo IISS, đến năm 2017, Quân đội Đức có 286 chiếc Leopard 2A6 và 20 chiếc Leopard 2A7 (tuy nhiên một số nguồn cho rằng con số tổng chỉ là 225 chiếc).

Thông tin này đã khiến giới quân sự thế giới “sốc”, bởi từ một đạo quân xe tăng hùng mạnh hàng đầu châu Âu, có đủ khả năng đối phó với xe tăng Liên Xô/Nga, tới nay xe tăng Đức chỉ còn là lực lượng “què quặt”.

Nguyên nhân khiến lực lượng xe tăng Đức bị “bóp chết” một phần vì mối đe dọa giảm dần từ khối Đông Âu, Liên Xô sau năm 1991, có lẽ đã khiến nước Đức “ngủ quên” và tự cắt bỏ phần lớn năng lực quân sự của mình. Thật vậy, không chỉ Đức, nhiều quốc gia ở Tây Âu như Pháp, Anh cũng không còn duy trì đông đảo xe tăng.

Thế nhưng, tình hình không ngừng biến chuyển, mối quan hệ với nước Nga bắt đầu căng thẳng gay gắt trở lại sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Đáng lưu ý, trong khi xe tăng Đức “nổ máy đứng yên” thì xe tăng Nga chuyển động không ngừng với sự ra mắt của T-14 Armata. Thực sự, sự xuất hiện của T-14 đã động vào “lòng tự ái” của người Đức.

Tăng lượng, nâng chất “nhỏ giọt”, liệu có còn kịp?

Trước bối cảnh đó, Quân đội Đức gần đây công bố tham vọng tăng số lượng xe tăng lên khoảng 40%, tức là từ 225 lên 320 chiếc từ nay tới năm 2023.

Tuy nhiên, số xe tăng được dự kiến tăng cường thêm sẽ không phải là sản xuất mới, mà nâng cấp từ loại Leopard 2 cũ được mua lại từ Hà Lan, Thụy Điển (gồm 68 chiếc Leopard 2A4, 16 Leopard 2A6 và 20 Leopard 2A7, tổng cộng 104 chiếc) lên phiên bản Leopard 2A7V.

Đức đã tự 'bóp chết' lực lượng xe tăng thế nào? - 1
Xe tăng Leopard 2A7V lần đầu ra mắt. Nguồn ảnh: Wikipedia

Đây được coi là phiên bản mới và hiện đại nhất của dòng tăng Leopard 2, được tiết lộ lần đầu tại triển lãm Eurosatory trong tháng 6/2017. Xe tăng mới được thiết kế tối ưu cho cuộc chiến tranh trong đô thị.

Cụ thể 2A7V được bổ sung trạm điều khiển vũ khí tự động FLW-2000 lắp đại liên 7,62mm và 12,7mm. Loại vũ khí này cho phép xạ thủ ngồi an toàn trong xe tăng thao tác bắn mà không cần leo ra ngoài.

Đặc biệt, khẩu pháo mới L55A1 120mm của 2A7V sẽ được trang bị đạn nổ phá mảnh chống bộ binh kiểu mới DM11. Cụ thể, chế độ nổ trên không cho phép đầu đạn được kích nổ sau thời gian được lập trình, điều này cho phép vô hiệu hóa các mục tiêu ở cự ly lên tới 5.000m. Thử nghiệm bắn thực tế cho thấy chỉ với 2 quả đạn DM11 có thể tiêu diệt từ 27 - 30 binh lính hoặc tạo lỗ thủng kích thước 20cm khi bắn vào tường bê tông 2 lớp kiên cố và có khả năng phá hủy các lô cốt bằng gỗ và đất.

Cuối cùng, 2A7V sẽ được trang bị thêm các camera hồng ngoại, kính ngắm mới để kiểm soát  chiến trường, có thể lắp thêm các lưỡi ủi đẩy chướng ngại vật và gỡ mìn. Ngoài ra, bên ngoài xe còn bố trí cả điện thoại để bộ binh tùng thiết liên lạc với kíp lái phối hợp tác chiến hiệu quả.

Tuy vậy, những thay đổi về hai khía cạnh “chất lượng” xem ra là chưa đủ để người Đức thay đổi tình thế thua kém. Hãy nhớ lại cuộc CTTG 2, khi đó phát xít Đức sở hữu xe tăng Tiger và Panther hiện đại, mạnh hơn T-34 hay IS. Thế nhưng, Tiger hay Panther có thể giành chiến thắng trong trận Solo (một đấu một), nhưng chúng không thể giúp nước Đức khi đấu số lượng. 2.000 chiếc Tiger I/II, 6.000 chiếc Panther là không đủ để giành thắng lợi trước gần 60.000 chiếc T-34 và 3.800 chiếc IS xuất hiện cuối cuộc chiến.

Ngoài ra, chất lượng của Leopard 2A7V cũng còn phải bàn cãi nhiều, xe tăng Nga hiện đại như T-90 hay T-14 Armata có công nghệ hỏa lực, giáp bảo vệ vượt trội hơn 2A7V.

Đức đã tự 'bóp chết' lực lượng xe tăng thế nào? - 2
Những chiếc Leopard 2A7V có thể không thay đổi được nhiều thế trận ở châu Âu. Nguồn ảnh: Wikipedia

Nhận xét trên RT, chuyên gia quân sự Nga Sergei Suvorov cho rằng: “Không có gì mới về mặt kỹ thuật trong Leopard 2 A7V. Hơn nữa, việc lắp đặt thêm thiết bị có thể làm tăng trọng lượng của xe tăng và điều này sẽ ảnh hưởng tới khả năng di chuyển”.

Rõ ràng, người Đức để khôi phục lại sức mạnh xe tăng trên chiến trường phải xem xét lại kế hoạch của mình. Từ đây tới lúc đó, họ chắc hẳn phải ôm đầu tự trách tại sao lại tự “cưa sừng, bẻ răng” chính mình.

Theo Hoàng Lê (Báo Đất Việt)