Thế giới

Đối thủ nặng ký của Mỹ về tên lửa siêu vượt âm

Để tạo được ưu thế trước đối thủ, Mỹ đang hoàn thiện khả năng tấn công siêu vượt âm của mình. Tuy nhiên, không chỉ có Mỹ phát triển vũ khí này.

Để tạo được ưu thế trước đối thủ, Mỹ đang hoàn thiện khả năng tấn công siêu vượt âm của mình. Tuy nhiên, không chỉ có Mỹ phát triển vũ khí này.
Bước tiến của Mỹ
 
Theo nguồn tin từ Không quân Mỹ ngày 19/5 cho biết, lực lượng này đã đạt được bước tiến quan trọng trong việc phát triển vũ khí siêu vượt âm cho chiến đấu cơ trong tương lai.
 
Trước khi đưa ra tuyên bố này, hồi năm 2013, Không quân Mỹ đã tiến hành vụ thử thứ 4 đối với mẫu vũ khí siêu thanh có tên X-51A, do tập đoàn Boeing phát triển.
 
Sau khi tên lửa X-51A của Mỹ được phóng đi từ máy bay B-52H ở độ cao 15.240 m gần căn cứ không quân Edwards ở California. Ban đầu tên lửa có tốc độ 4,8M (5.098 km/h), sau đó đạt tới tốc độ 5,1 Mach.
 
Trong hành trình bay kéo dài 6 phút, tên lửa X-51A Waverider đã đạt đến tốc độ 5,1 Mach, tương đương 5.417 km/h. Sau khi vượt qua khoảng cách 426 km, tên lửa đã tự hủy.
 
Đây là hành trình bay dài nhất mà tên lửa X-51A từng thực hiện trong số các lần thử nghiệm và Không quân Mỹ đánh giá cuộc thử nghiệm đã hoàn toàn thành công.
 

Mỹ thử nghiệm tên lửa X-51A trên máy bay B-52H hồi năm 2013.

 
Ông Darryl Davis, một quan chức của hãng Boeing nói: “Cuộc thử nghiệm đối với loại động cơ phản lực tính siêu âm này là thành tựu mang tính lịch sử mà phải mất rất nhiều năm mới thành công.
 
Cuộc thử nghiệm này cũng chứng tỏ công nghệ đang được hoàn thiện đã mở ra cánh cửa để ứng dụng thực tiễn cũng như tăng cường hệ thống phòng thủ và tiếp cận không gian vũ trụ một cách ít tốn kém hơn”.
 
Với người Mỹ, thành tích này mang tính lịch sử nhưng nó ra đời khá muộn so với những gì người Nga đã đạt được trong lĩnh vực này.
 
Đối thủ nặng ký
 
Dù hiện nay, Mỹ được coi quốc gia đi đầu trong việc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm, tuy nhiên trên thực tế Nga mới chính là nước đã ứng dụng thành công động cơ Ramjet - còn gọi là động cơ phản lực thẳng hay động cơ phản lực tĩnh siêu âm vào chế tạo tên lửa tác chiến, còn Mỹ hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm các nguyên mẫu bay với tốc độ siêu thanh.
 
Động cơ Ramjet và biến thể của nó là Scramjet có cấu tạo khác với các loại động cơ phản lực thông thường: Thay vì sử dụng máy nén, động cơ phản lực thẳng dùng chính áp suất do luồng không khí ở tốc độ cao tạo ra để nén khí vào buồng đốt, điều này khiến động cơ Ramjet hoạt động hiệu quả ở các vận tốc rất lớn.
 
Ngay đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, các cơ cấu khoa học của Liên Xô đã nỗ lực phát triển rất nhiều loại tên lửa siêu thanh. Ví dụ như: Liên hiệp các nhà sản xuất khoa học công nghệ chế tạo máy NPO Mashinostroyenia chế tạo tên lửa X-80 Meteorit (Kh-80/AS-X-19 - NATO gọi là SS-N-24 Scorpion), sau đó lại tiếp tục chế tạo loại tên lửa siêu thanh mang mật danh 4002.
 

Tên lửa siêu thanh X-90 GELA (Kh-90 - AS-19 Koala)

 
Còn Cục thiết kế chế tạo máy Raduga phát triển thành công tên lửa siêu thanh X-90 GELA (Kh-90/AS-19 Koala). Ngoài ra, ngay từ đầu thập niên 70, Nga còn dựa trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-200 để chế tạo thành công tên lửa Kholod. Năm 1991, tên lửa này đã thử nghiệm thành công đạt vận tốc 6000km/h, tuy nhiên dự án này đã bị hủy bỏ sau khi Liên Xô sụp đổ.
 
Trong khoảng thời gian từ 2005-2009, báo chí phương Tây đồn thổi rằng Moscow đã từng thử nghiệm tên lửa siêu thanh, trong năm 2012 và 2013 cũng đã có thông tin về việc họ đã thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, người Nga bảo mật rất kín các thông tin nên không mấy người biết chính xác kết quả thử nghiệm của Nga ra sao.
 
Tháng 1/2013, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận sẽ phóng thử nghiệm thiết bị bay siêu thanh đạt vận tốc gần 6000km/h ngay trong năm 2013. Loại tên lửa siêu thanh này được Nga triển khai nghiên cứu cực kỳ bí mật, đến nay cả phiên hiệu, nhiệm vụ lẫn tính năng chiến, kỹ thuật của nó vẫn là một bí mật chưa có lời giải.
 
Hiện nay, Công ty vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga (KTRV) đang nghiên cứu một loại tên lửa siêu thanh có vận tốc khủng khiếp, tương đương Mach12 - Mach13. Công ty này chính là đơn vị chịu trách nhiệm chế tạo tên lửa cho máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK FA Sukhoi T-50 của Nga.
 
Giới quan sát phương Tây đặc biệt quan tâm đến các kế hoạch nghiên cứu phát triển thiết bị bay siêu thanh của Nga. Họ cho rằng, Moscow là đối thủ có tiềm năng và có thực lực nhất để đuổi kịp Washington trong lĩnh vực này vì được kế thừa một nền tảng công nghệ tên lửa siêu việt của Liên Xô cũ.
 
Theo Tuấn Vũ (Đất Việt)