Thế giới

Điểm yếu khiến F-22 gặp bất lợi khi đối đầu với Su-35

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ không được trang bị một số khí tài cần thiết, khiến nó gặp nhiều bất lợi khi đối đầu với chiến đấu cơ siêu cơ động như Su-35.

 

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ không được trang bị một số khí tài cần thiết, khiến nó gặp nhiều bất lợi khi đối đầu với chiến đấu cơ siêu cơ động như Su-35.

Dù là một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 của Mỹ vẫn tồn tại nhiều nhược điểm khiến nó trở nên kém hiệu quả trước các đối thủ nước ngoài, trong đó có Su-35 của Nga, National Interest ngày 17/1 dẫn nhận định của các chuyên gia quân sự Mỹ.

Nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế này là do thiếu kinh phí dành cho chương trình phát triển mẫu tiêm kích đắt đỏ này.

Theo đó, F-22 không được trang bị hệ thống radar tìm/bám hồng ngoại (IRST) để tìm kiếm và theo dõi mục tiêu trên không như của Su-35. Trong khi đó, nhờ hệ thống này, khi tác chiến tầm gần, Su-35 có thể dễ dàng phát hiện và giám sát mọi động thái của tiêm kích Mỹ.

Ngoài ra, F-22 cũng không được lắp đặt radar bên sườn, có khả năng cho phép máy bay thay đổi hướng bay theo một góc 90 độ mà vẫn có thể cung cấp dữ liệu cho tên lửa dẫn đường sau khi phóng.

Sự thiếu vắng của hệ thống radar bên sườn này khiến F-22 phải tiếp tục di chuyển theo tên lửa được phóng ra để dẫn đường và tiến lại gần phạm vi hoạt động của tên lửa được phóng ra từ Su-35.

Theo các chuyên gia quân sự, các kỹ sư chế tạo F-22 ban đầu dự tính trang bị tất cả các tính năng này cho mẫu tiêm kích tàng hình, nhưng việc cắt giảm ngân sách và chi phí đã khiến họ phải lược bỏ, tập trung phát triển khả năng tác chiến tầm xa của chiếc chiến đấu cơ.

F-22 Raptor là tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ, được thiết kế để trở thành một máy bay chiến đấu giành ưu thế trên không trước không quân Nga, nhưng cũng được trang bị cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất, chiến tranh điện tử và trinh sát tín hiệu.

Trong khi đó, Su-35 là mẫu tiêm kích hạng nặng tầm xa thế hệ 4++ của không quân Nga, được hãng Sukhoi thiết kế như một máy bay chiếm ưu thế trên không, bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1988.

Su-35 Nga thể hiện khả năng cơ động 
 
Theo Nguyễn Hoàng (VnExpress.net)