Thế giới

Đẩy mạnh tự hành hóa lựu pháo xe kéo, Việt Nam liệu còn cần đến "Hoàng đế CAESAR"?

Nối tiếp thành công của chương trình đưa lựu pháo M101 105 mm lên xe tải Ural 375D, sắp tới Việt Nam còn tiếp tục đầu tư nghiên cứu thiết kế, tích hợp pháo 122 mm lên xe tải KrAZ.

Nối tiếp thành công của chương trình đưa lựu pháo M101 105 mm lên xe tải Ural 375D, sắp tới Việt Nam còn tiếp tục đầu tư nghiên cứu thiết kế, tích hợp pháo 122 mm lên xe tải KrAZ.

Điều này cho thấy dự án trên nhiều khả năng đã vượt qua thời kỳ đánh giá và bắt đầu bước vào giai đoạn triển khai rộng hơn.

Đẩy mạnh tự hành hóa lựu pháo xe kéo, Việt Nam liệu còn cần đến Hoàng đế CAESAR? - Ảnh 1.
Khẩu đội pháo tự hành M101 105 mm do Việt Nam tự tiến hành nâng cấp

Không chỉ có vậy, bài viết "Làm chủ công nghệ bảo đảm kỹ thuật xe ô tô quân sự" đăng trên báo Quân đội Nhân dân còn cung cấp thêm thông tin, Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã huy động các nhà khoa học và đầu tư nghiên cứu thiết kế, tích hợp pháo D-30 cỡ122 mm lên xe tải KrAZ 255B.

Ngoài hai cỡ nòng 105 mm và 122 mm, viễn cảnh tiến tới tự hành hóa cả lựu pháo M46 130 mm lẫn D-20 152 mm là điều khả thi. Nếu thành công, trong tương lai gần Binh chủng Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ thực sự được "lột xác" khi có sức cơ động lớn hơn hẳn hiện tại. 

Tuy nhiên điều này cũng đặt ra câu hỏi, nếu sở hữu một số lượng lớn pháo tự hành bánh lốp như vậy thì Việt Nam có cần nhập khẩu thêm các hệ thống khác từ nước ngoài, ví dụ như CAESAR 155 mm của Pháp?

Đẩy mạnh tự hành hóa lựu pháo xe kéo, Việt Nam liệu còn cần đến Hoàng đế CAESAR? - Ảnh 2.
CAESAR 8x8 - Phiên bản hạng nặng của lựu pháo tự hành bánh lốp CAESAR

Trước tiên, chúng ta cần xác định rõ rằng chương trình tự hành hóa lựu pháo xe kéo của Việt Nam có mục đích chính là giúp những vũ khí ra đời từ cách đây hàng chục năm đã lạc hậu tiệm cận được với yêu cầu của tác chiến hiện đại.

Tuy rằng nâng cao độ cơ động nhưng uy lực của các hệ thống mới vẫn giữ nguyên, chúng không được tích hợp các trang thiết bị hiện đại như máy tính đạn đạo, phần mềm điều khiển bắn tự động... hay đạn dẫn đường tiên tiến. Trong khi đó, đây lại chính là thế mạnh của một tổ hợp mới hoàn toàn như CAESAR.

CAESAR với hệ thống máy tính chỉ huy, dẫn bắn hiện đại Fast-Hit do Nexter và EADS cùng phát triển, cho phép tự động hóa hoàn toàn quá trình thiết lập trận địa, định vị mục tiêu và thực hành chiến đấu.

Ngoài ra, mỗi khẩu đội còn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính Sagem Sigma-30 và định vị vệ tinh GPS, giúp chúng hoạt độc lập mà không cần đến phân đội trinh sát trận địa, định vị mục tiêu đi kèm.

Pháo sử dụng nòng dài gấp 52 lần đường kính cho sơ tốc cao, tầm bắn xa tới 42 km (đạn tăng tầm), hoặc 50 km (đạn phản lực), bắn được cả đạn Ogre lẫn các loại đạn dẫn đường tiên tiến, đây là tính năng mà những khẩu pháo tự hành hoán cải của Việt Nam không làm được.

Đẩy mạnh tự hành hóa lựu pháo xe kéo, Việt Nam liệu còn cần đến Hoàng đế CAESAR? - Ảnh 3.
Pháo tự hành EVO-105 của Hàn Quốc do Tập đoàn Samsung Techwin chế tạo

Tiếp theo, việc nâng cấp các vũ khí cũ để phối hợp tác chiến cùng loại hiện đại là việc làm bình thường, được cả những quốc gia có tiềm lực quân sự hùng mạnh triển khai trên quy mô lớn (ngay lúc này Việt Nam vẫn tiếp tục nâng cấp xe tăng T-55 cho dù có thông tin đã quan tâm và sẽ tiến tới đặt mua số lượng lớn T-90MS).

Nhìn sang Quân đội Hàn Quốc, cho dù sở hữu tới hơn 1.000 tổ hợp pháo tự hành K9 và K55 cỡ nòng 155 mm  cực kỳ hiện đại nhưng họ vẫn triển khai một dự án tương tự Việt Nam, đó là chế tạo pháo tự hành EVO-105 cũng bằng cách tích hợp pháo M101 lên xe tải việt dã.

Do vậy, khó có thể nhận định rằng Việt Nam không cần một hệ thống tiên tiến như CAESAR của Pháp nữa khi đã thành công trong các dự án nâng cấp nói trên. Cho dù tương lai chúng ta sẽ có rất nhiều "pháo tự hành nội địa" trong biên chế, cơ hội dành cho "Hoàng đế pháo binh Pháp" vẫn có thể còn rộng mở.

Theo Sao Đỏ (Thời đại)