Thế giới

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không phải thứ hạng cao, đây mới là những điều quý nhất VN thu được tại Tank Biathlon 2018

Giải đấu Tank Biathlon 2018 trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế 2018 tổ chức tại Nga đã xác định được ngôi vương cùng những kỷ lục mới. Đội Việt Nam cũng đã có nhiều cố gắng.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không phải thứ hạng cao, đây mới là những điều quý nhất VN thu được tại Tank Biathlon 2018

Còn bây giờ- hậu cuộc đua, chính là lúc các đoàn tuyển thủ và lãnh đạo chỉ huy lực lượng Tăng Thiết giáp các nước nhìn lại mình, rút ra những bài học cần thiết cho công tác huấn luyện và chuẩn bị cho những cuộc đua tiếp theo.

Toàn cảnh giải đấu và vị thế của đoàn Việt Nam

Giải đấu Tank Biathlon 2018 có 22 đội tham gia, trong đó Việt Nam, Myanmar, Syria và Nam Phi là 4 nước lần đầu tiên góp mặt tranh tài.

Điểm mặt 18 đội còn lại dày dạn kinh nghiệm thì có thể thấy chủ yếu là các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Belarus, Kazakhstan, Armenia... Ngoài ra còn một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Venezuela.

Điểm chung của các nước này là trong biên chế quân đội đã có xe T-72, loại xe dùng trong thi đấu (trừ CHDCND Lào). Riêng Trung Quốc mang xe tăng Type-96B mà họ tự chế tạo sang thi đấu. Xe này có nhiều điểm hiện đại hơn so với xe tăng T-72B3 mà chủ nhà Nga cung cấp cho các đội tham dự Tank Biathlon 2018.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không phải thứ hạng cao, đây mới là những điều quý nhất VN thu được tại Tank Biathlon 2018 - 1
Kíp xe tăng số 3 của Việt Nam thi đấu tại vòng loại Tank Biathlon 2018.

Còn đối với 4 nước lần đầu tham gia thì cũng có 2 nước đã có xe tăng T-72 trong biên chế từ lâu. Đó là Myanmar và Syria.

Tại các quốc gia có xe tăng T-72 nhưng cũng ở nhiều mức độ hiện đại hóa khác nhau, song nhìn chung sẽ có nhiều thuận lợi khi sử dụng T-72B3 là loại xe dùng cho thi đấu.

Tóm lại, trong 22 nước tham gia thi đấu, chỉ có Việt Nam và Lào là chưa có xe tăng T-72 trong biên chế quân đội. Tuy nhiên, Lào có chút thế mạnh là đã tham gia thi đấu lần đầu năm 2017 và năm nay là năm thứ hai.

Ngoài ra, do điều kiện khí hậu thời tiết và mục tiêu huấn luyện nên việc thiết kế thao trường thi đấu có rất nhiều điểm khác biệt với các thao trường huấn luyện TTG ở Việt Nam, gây rất nhiều bỡ ngỡ cho các tuyển thủ.

Xác định đây sẽ là khó khăn lớn đối với đoàn tuyển thủ, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề nghị với bạn Nga cho đoàn tuyển thủ sang trước khoảng 1 tháng để làm quen trang bị, thao trường cũng như các mặt khác.

Tuy nhiên, do đang tập trung tổ chức World Cup - Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 nên bạn đã không thu xếp được. Trước ngày thi đấu đúng 1 tuần, đoàn Việt Nam mới bay sang nước bạn và chỉ có chừng 3 ngày làm quen trang bị trong trạng thái "tập nguội".

Lần đầu tiên tham gia, lần đầu tiên được ngồi trên chiếc xe tăng T-72B3 đầy lạ lẫm, lái và bắn trên một thao trường lần đầu mới thấy, cùng nhiều thứ mới lạ nữa, đội Việt Nam đã hết sức cố gắng thi đấu. Kết quả, tại vòng loại đội đã xếp thứ 17 trên 22 đội dự thi, đứng trên các đội Lào, Angola, Zimbabue, Nam Phi và Uganda.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không phải thứ hạng cao, đây mới là những điều quý nhất VN thu được tại Tank Biathlon 2018 - 2
Các sĩ quan chỉ huy của Đội Việt Nam tại Tank Biahtlon 2018.

Biết mình đang ở đâu, có biện pháp phấn đấu - Lần sau sẽ ghi dấu

Xếp thứ 17/22 trong lần đầu tiên tham gia Giải đua xe tăng Tank Biathlon 2018 mà mục tiêu là cọ xát, học hỏi là một kết quả chấp nhận được đối với đoàn Việt Nam.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả đối với đoàn tuyển thủ và binh chủng Tăng Thiết giáp Việt Nam là biết mình đang ở đâu trên mặt bằng trình độ sử dụng TTG trên thế giới, đồng thời cũng có thêm những kinh nghiệm quý để nâng cao chất lượng huấn luyện cũng như kết quả thi lần sau.

Ngoài những hạn chế, nhược điểm đã từng được nhắc tới như: Chưa quen trang bị, chưa quen thao trường, những thua kém về thể hình, thể lực v.v... thì có một vấn đề chúng ta có thể làm tốt hơn nữa: Đó là nâng cao chất lượng huấn luyện- sẵn sàng chiến đấu.

Hiện do tiềm lực kinh tế đất nước còn khó khăn, định mức số km lái cho lái xe cũng như số đạn bắn cho pháo thủ trong huấn luyện nâng cao trình độ thường xuyên hàng năm còn khiêm tốn.

Cũng do bảo đảm nhiên liệu, đạn dược chỉ đủ cho huấn luyện thường xuyên ở mức tối thiểu nên tại các đơn vị thường không tổ chức hội thao hàng năm dẫn đến việc chọn lựa nhân tài đôi lúc khó khăn.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt: Không phải thứ hạng cao, đây mới là những điều quý nhất VN thu được tại Tank Biathlon 2018 - 3
Kíp xe tăng số 3 của Việt Nam thi đấu tại vòng loại Tank Biathlon 2018.

Bên cạnh đó, những thao trường đủ điều kiện cho xe tăng vừa chạy với tốc độ cao, vừa vượt các chướng ngại vật, vừa bắn được pháo và các loại súng máy như Alabino ở Việt Nam hầu như chưa có nên việc luyện tập liên hoàn, tổng hợp gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, Tank Biathlon là một giải thi đấu ở mức độ đỉnh cao, đòi hỏi những người lính phải được huấn luyện và rèn luyện thời gian dài trên đúng loại trang bị đó, trong những điều kiện tương tự đến mức nhuần nhuyễn, trở thành thói quen và khi hành động thì không cần phải suy nghĩ gì nữa.

Để nâng cao chất lượng huấn luyện đồng thời nâng cao thành tích tại các giải đấu quốc tế, cần phải: Tăng cường đầu tư hơn nữa cho công tác huấn luyện - sẵn sàng chiến đấu, nâng cao hơn nữa định mức km lái và số đạn bắn hàng năm đối với lái xe và pháo thủ, đặc biệt tăng cường các hội thi, hội thao ở cấp cơ sở để phát hiện nhân tài...

Khi đã lựa chọn được đội tuyển, cần có kế hoạch huấn luyện một cách chi tiết và khoa học, cố gắng tạo ra những điều kiện huấn luyện tương tự khi thi đấu và nếu có điều kiện thì đề nghị bạn cho sang tập huấn sớm hơn nữa với một số nội dung cần thiết.

Với sự quan tâm đầu tư thích đáng của các cấp có thẩm quyền, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của QĐND Việt Nam tin chắc rằng Đội tuyển Việt Nam sẽ cải thiện được thành tích và thứ hạng trong các giải đấu năm sau.

Theo Đại Tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Soha/Thời Đại)