Thế giới

'Cuộc đối đầu' giữa S-400 Triumph và THAAD tại Saudi Arabia

Trong tương lai gần, các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga sẽ trở nên phổ biến trên thế giới với nhiều hợp đồng đặt mua tại Trung Đông, Trung Quốc và Ấn Độ.

S-400 đang trở thành “đối thủ cạnh tranh” mạnh mẽ với các sản phẩm quân sự Mỹ cùng loại không chỉ trên thị trường vũ khí quốc tế, mà còn cả ở các quốc gia truyền thống mua sắm vũ khí Mỹ như Saudi Arabia và tương lai là Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên quan tới vấn đề này, giới chuyên gia quân sự quốc tế đã đưa S-400 “lên bàn cân” với tổ hợp phòng thủ tên lửa Tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. S-400 và THAAD được thiết kế hướng tới những mục tiêu riêng, nhưng xét trên nhiệm vụ phổ dụng, tổ hợp vũ khí phòng không Nga tỏ ra có nhiều lợi thế.

Đánh giá về S-400 và THAAD, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế nhận định, chúng cơ bản được thiết kế với dải nhiệm vụ khác biệt. Trong khi tổ hợp tên lửa S-400 được thiết kế với mục tiêu ngăn chặn các mục tiêu trên không, tên lửa hành trình và thiết bị bay không người lái, thì THAAD lại được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn mục tiêu bay đạn đạo của đối phương trên tầng cao nhất của khí quyển Trái Đất. Cụ thể, THAAD có khả năng đánh chặn các mục tiêu ở độ cao 150-200km, trong khi đó, S-400 chỉ có trần đánh chặn khoảng 30km.

'Cuộc đối đầu' giữa S-400 Triumph và THAAD tại Saudi Arabia
Tổ hợp tên lửa S-400 Triumph. Ảnh: Defense News.
'Cuộc đối đầu' giữa S-400 Triumph và THAAD tại Saudi Arabia - 1
Tổ hợp THAAD. Ảnh Defensetalk.

Tuy nhiên, xét về mặt tổng quan, sự khác biệt này không đóng vai trò quan trọng. “Nhiệm vụ chính của tên lửa phòng không là phải tiêu diệt mục tiêu tính theo quỹ đạo tiếp cận, chứ không phải trên độ cao thường hay vũ trụ”, tướng Aytech Bizhev, cựu lãnh đạo lực lượng phòng không hợp nhất Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) đánh giá.

Về khía cạnh này, S-400 có lợi thế hơn nhờ được trang bị đạn tên lửa đánh chặn tầm siêu xa 40N6E  tới 400km, thay vì chỉ 200km trên THAAD. Ngoài ra, góc bắn của S-400 đạt 360 độ so với 90 độ phương ngang và 60 độ phương thẳng đứng của THAAD. Để bù lại, lợi thế của THAAD là hệ thống ra-đa cảnh giới và giám sát có công suất lớn và tầm hoạt động tới 1.000km (trên S-400 chỉ khoảng 600km).

Một trong những khác biệt lớn nữa giữa S-400 và THAAD được giới chuyên gia quân sự chỉ ra là phương thức tiêu diệt mục tiêu. Trong khi S-400 của Nga vẫn sử dụng phương thức tiêu diệt mục tiêu truyền thống bằng nổ phá mảnh định hướng. Đạn tên lửa của S-400 tiếp cận mục tiêu và kích nổ có định hướng đầu đạn mang theo. Mục tiêu sẽ bị tiêu diệt bởi mảnh văng và sức ép do vụ nổ gây ra.

THAAD lại dùng phương thức hoàn toàn khác. Đạn tên lửa của THAAD tiêu diệt mục tiêu bằng cách xuyên phá động năng. Đầu đạn lao thẳng vào mục tiêu và phá hủy nó bằng động năng (kinetic). Phương thức đánh chặn này phù hợp với việc đánh chặn ở độ cao lớn, khi đầu dò quang-ảnh nhiệt chủ động của đạn tên lửa bám bắt được mục tiêu ở cự ly gần.

Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, đánh giá ở khía cạnh giá thành, giới chuyên gia quân sự quốc tế có chung nhận xét, S-400 có ưu thế hoàn toàn so với THAAD. Mỗi tổ hợp THAAD với 6 xe phóng (8 đạn/xe) có giá tới 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, để hệ thống hoạt động hiệu quả cần có thêm hệ thống ra-đa AN/TPY-2 trị giá 574 triệu USD. Trong khi đó, một tổ hợp S-400 đầy đủ chỉ có giá 500 triệu USD.

Một tính năng quan trọng khác mà bất kỳ quốc gia nào quan tâm tới S-400, trong đó có Saudi Arabia, phải tính đến là vũ khí Mỹ xuất khẩu ra nước ngoài đều được “đánh dấu”.

“Chúng ta có thể lấy ví dụ máy bay chiến đấu F-16 của Jordan không thể bắn máy bay F-16 của Israel. Điều đó có nghĩa là nếu không có “sự đồng ý” của Washington, trang bị quân sự của Saudi Arabia sẽ không thể phát huy tác dụng nếu đối đầu với lực lượng quân sự nước ngoài sử dụng vũ khí Mỹ. Điều này hoàn toàn không xảy ra với S-400”, chuyên gia quân sự Nga Mikhail Khodarenok nhấn mạnh.

'Cuộc đối đầu' giữa S-400 Triumph và THAAD tại Saudi Arabia - 2
Kịch bản các hệ thống phòng không hỗn hợp Nga-Mỹ sẽ không chỉ xảy ra tại Saudi Arabia, mà còn tại nhiều quốc gia trên thế giới trong tương lai.

Với các quốc gia có sở hữu đồng thời cả các loại vũ khí phòng không Mỹ và S-400, cụ thể là Saudi Arabia, chúng có thể phối hợp với nhau thông qua trung tâm chỉ huy hợp nhất. Tuy nhiên, nếu để S-400 và THAAD hoạt động độc lập, thì mang lại kết quả tốt hơn.

“S-400 và THAAD có thể hoạt động trong hệ thống điều khiển hợp nhất với chế độ điều khiển tự động, dù chúng có nguyên tắc hoạt động và phương thức đánh chặn mục tiêu khác nhau. Nhưng tốt hơn hết là hãy cho chúng độc lập tác chiến. Chúng có thể được triển khai để bảo vệ cùng một mục tiêu hoặc tại nhiều địa điểm khác nhau, nhưng tốt hơn cả là phân cấp mục tiêu thông qua độ cao và khu vực ngăn chặn. Việc này sẽ giúp THAAD và S-400 hỗ trợ lẫn nhau để đạt được hiệu quả bảo vệ tốt nhất”, chuyên gia Mikhail Khodarenok đánh giá.

Theo Tuấn Sơn (Đất Việt)