Thế giới

Cố vấn Tổng thống Nga: Đã có quốc gia Đông Nam Á "nóng lòng" muốn mua tên lửa S-400

Hãng thông tấn TASS vừa có bài bình luận về triển vọng xuất khẩu tên lửa S-400 của Nga với đánh giá "đắt như tôm tươi".

Hãng thông tấn TASS vừa có bài bình luận về triển vọng xuất khẩu tên lửa S-400 của Nga với đánh giá "đắt như tôm tươi".

Hôm thứ Hai vừa qua, Cơ quan Liên bang về hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga vừa tuyên bố nước này đã đạt được một thỏa thuận với Saudi Arabia cung cấp các hệ thống tên lửa S-400 cho Riyadh.

Hiện nay, các hệ thống tên lửa S-400 mới chỉ duy nhất có trong biên chế của QĐ Nga. Như vậy, với hợp đồng mới này đã có 4 quốc gia chính thức ký hợp đồng đặt mua tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga.

Trung Quốc

Vào tháng 7/2014, Trung Quốc chính thức trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên đặt mua tên lửa S-400 của Nga. Kênh truyền hình Zvezda (Nga) cho biết, Trung Quốc có kế hoạch đặt mua ít nhất 6 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tối tân trị giá hơn 3 tỷ USD.

Tiếp đó, vào ngày 26/11/2014, nhật báo Vedomosti dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng Moscow đã ký hợp đồng cung cấp tên lửa S-400 cho Trung Quốc.

Còn Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport, ông Anatoly Isaykin tuyên bố với báo giới rằng họ sẽ cung cấp tên lửa S-400 theo đúng thời gian ghi trong hợp đồng. Tuy nhiên, ông này không tiết lộ về số lượng cũng như thời gian thực hiện.

Cố vấn Tổng thống Nga: Đã có quốc gia Đông Nam Á nóng lòng muốn mua tên lửa S-400 - Ảnh 1.

Tên lửa S-400 của Nga.

Tháng 3/2016, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ quốc gia Rostec, ông Sergey Chemezov tuyên bố Trung Quốc đã chuyển tiền trả trước theo hợp đồng và sau đó, vào tháng 7, ông này tiết lộ thêm rằng Trung Quốc có thể sẽ nhận được những tổ hợp đầu tiên không sớm hơn trước năm 2018.

Mới đây nhất, Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Nga xác nhận hợp đồng đã bắt đầu có hiệu lực.

Ấn Độ

Vào ngày 15/10/2016, sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong Hội nghị thượng đỉnh các nước BRICS ở Goa, một thỏa thuận cung cấp tên lửa S-400 cho Ấn Độ đã được ký. Tuy nhiên, chi tiết hợp đồng không được tiết lộ. Trước đó, truyền thông Ấn Độ cho biết nước này có kế hoạch mua 5 tổ hợp S-400.

Cố vấn Tổng thống Nga: Đã có quốc gia Đông Nam Á nóng lòng muốn mua tên lửa S-400 - Ảnh 2.

Tên lửa S-400 của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ

Vào tháng 11/2016, các cuộc đàm phán giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về tên lửa S-400 bắt đầu được hé lộ. Tháng 3/2017, Tổng giám đốc Tập đoàn công nghệ quốc gia Rostec, ông Sergey Chemezov tuyên bố với các phóng viên rằng phía Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ mong muốn được nhận một khoản tín dụng của Nga để mua vũ khí, trong đó có tên lửa S-400.

Ngày 25/07/2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố "có một số tài liệu" - một phần của hợp đồng đặt mua tên lửa S-400 của Nga đã được ký.

Phía Nga cũng xác nhận vào ngày 12/09 rằng hợp đồng đã được ký. Sau đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố Ankara đã chuyển khoản tiền trả trước theo hợp đồng cho Moscow.

Với thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thành viên của NATO đầu tiên đặt mua tên lửa S-400 Nga. Cố vấn Tổng thống Putin, ông Kozhin cho biết về chưa bình luận về khả năng Nga sẽ chuyển giao công nghệ chế tạo tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Không có chi tiết về số lượng tên lửa sẽ được chuyển giao.

Theo báo Kommersant, Thổ Nhĩ kỳ sẽ phải chi tổng cộng hơn 2 tỷ USD để mua 4 tổ hợp tên lửa S-400. Còn Thứ trưởng phụ trách Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir sau đó cũng cho biết là việc chuyển giao tên lửa S-400 sẽ bắt đầu trong vòng 2 năm.

Mới nhất, ông Mevlut Cavusoglu - Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm thứ Hai vừa qua cho biết Ankara có thể sẽ ngừng hợp đồng mua S-400 nếu không đạt được thỏa thuận liên doanh sản xuất loại tên lửa này.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 đang được Nga triển khai tại Syria (Nguồn: RT)

Đại diện Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết, tên lửa S-400 có thể được xuất khẩu sang Belarus và Kazakhstan. Tuy nhiên, chưa có cáo cáo chính thức nào về việc này.

Hôm 28/08/2017, Giám đốc Cơ quan Liên bang về Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự, ông Dmitry Shugayev, nói với báo Kommersant rằng có hơn 10 quốc gia đang cân nhắc việc đặt mua tên lửa S-400.

Còn tháng 9 vừa qua, Cố vấn của Tổng thống Nga Putin về hợp tác Kỹ thuật - Quân sự, ông Vladimir Kozhin tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASS rằng có một danh sách dài các quốc gia "nóng lòng" muốn mua tên lửa S-400 của Nga.

Theo các thông tin chính thức thì một số quốc gia Đông Nam Á, Trung Đông và vài quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) đã bày tỏ mối quan tâm tới các tổ hợp tên lửa S-400.

Theo Tuấn Sơn (Soha/Thời Đại)