Thế giới

Cơ hội nào cho tiêm kích Rafale tại Việt Nam?

Theo Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ba chiếc Rafale cùng các máy bay khác của Pháp sẽ đến Việt Nam vào cuối tháng 8/2018 trong chiến dịch PEGASE.

Cụ thể, ngày 26 - 29/8 Pháp sẽ triển khai đội hình bay gồm ba chiếc tiêm kích Rafale, một máy bay vận tải A400M, một máy bay tiếp vận C-135 và một máy bay A310 thăm Việt Nam. Phía Pháp dự kiến cùng các cơ quan chức năng giới thiệu đội hình bay, bay trình diễn và đón tiếp công chúng.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch PEGASE (Triển khai Đội hình không quân Tầm cỡ tại Đông Nam Á) ở châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra sau đợt diễn tập Pitch-Black ngày 27/7 – 17/8 của Pháp tại Australia.

Cơ hội nào cho tiêm kích Rafale tại Việt Nam?
Đoàn Việt Nam tham quan tiêm kích Rafale tại Triển lãm LIMA 2017.

Không chỉ diễn ra tại Việt Nam, không quân Pháp còn ghé thăm Indonesia, Malaysia, Singapore và Ấn Độ. Pháp huy động đến 100 thành viên đội bay cho chiến dịch, được dẫn đầu bởi tướng Patrick Charaix.

Dù đây chỉ là hoạt động nằm trong chiến dịch PEGASE nhưng như vậy cũng tạo thêm cơ hội cho chiến đấu cơ này hiện diện tại Việt Nam..

Trước khi xuất hiện thông tin này, hãng Reuters cho biết, hồi năm 2016, Việt Nam đã thực hiện các cuộc đàm phán sơ bộ với tập đoàn Dassault của Pháp về việc mua tiêm kích Rafale.

Được biết, đây là lần mới nhất hãng Reuters đưa tin về việc Việt Nam đàm phán mua máy bay phương Tây. Hồi tháng 1/2016, hãng tin này cũng cho rằng Việt Nam đang đàm phán để mua máy bay Rafale của Pháp và cả Gripen để thay thế cho phi đội MiG-21 đã nghỉ hưu.

Tuy nhiên Tạp chí National Interest cho rằng, trong trường hợp lựa chọn Rafale của Pháp, Việt Nam có thể gặp khó trong quá trình mua sắm và sử dụng.

Theo tạp chí Mỹ, Rafale là máy bay chiến đấu đa nhiệm 2 động cơ với cánh hình tam giác thuộc thế hệ 4,5 do hãng Dassault Aviation của Pháp chế tạo, đây cũng chính là tiêm kích hiện đại nhất đang được Không quân Pháp sử dụng.

Máy bay được trang bị các hệ thống điện tử hàng không hiện đại nhất thế giới hiện nay đặc biệt là radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) RBE2 có khả năng phát hiện máy bay tàng hình cùng hệ thống chiến tranh điện tử Spectra được quảng cáo sẽ giúp Rafale hoạt động an toàn dưới hỏa lực phòng không đối phương.

Với thiết kế khí động học khá ưu việt lại được sự hỗ trợ của cánh mũi, Rafale có thể thực hiện những pha quay ngoặt đột ngột trong không gian chật hẹp. Khi thao diễn ở tốc độ siêu âm, không khí đi qua cánh máy bay sẽ bị dồn nén lại và tạo nên hiệu ứng như bức màn che phủ. Rafale còn có thể thực hiện động tác "rắn hổ mang" ở trạng thái động cơ gần như không hoạt động.

Mặc dù có kích thước khá khiêm tốn: dài 15,27m; sải cánh 10,8m; cao 5,34m; trọng lượng rỗng 9.060 kg nhưng Rafale lại có khả năng mang theo tới 9,5 tấn vũ khí gồm: Tên lửa không đối không, không đối đất, chống radar, không đối hạm, bom hàng không có điều khiển; tầm hoạt động đạt tới 1.800 km.

Rafale mặc dù có tính năng chiến đấu tốt, có thể nói là số 1 trong các máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 hiện nay nhưng lại có nhược điểm là giá thành quá cao, lên tới trên 100 triệu USD/chiếc, gấp đôi Su-30MK2.

Theo Đan Nguyên (Báo Đất Việt)