Thế giới

Chiến hạm Mỹ chống tên lửa diệt hạm bắn từ Yemen như thế nào?

Ngày 9.10, quân nổi dậy ở Yemen đã bắn 2 quả tên lửa diệt hạm về phía tàu khu trục Mỹ USS Mason trên Hồng Hải, chiến hạm Mỹ đã bắn ra 3 tên lửa đánh chặn khiến cả 2 tên lửa Yemen rơi xuống nước.

Ngày 9.10, quân nổi dậy ở Yemen đã bắn 2 quả tên lửa diệt hạm về phía tàu khu trục Mỹ USS Mason trên Hồng Hải, chiến hạm Mỹ đã bắn ra 3 tên lửa đánh chặn khiến cả 2 tên lửa Yemen rơi xuống nước.

Tàu chiến USS Mason phóng tên lửa SM-2 trong cuộc diễn tập ở vùng Vịnh tháng 3.2016 - Hải quân Mỹ

Theo trang tin USNI ngày 11.10, hai quan chức quốc phòng Mỹ cho trang tin này biết tàu chiến Mason khi đang ở trên eo biển Bab-el-Mandeb đã bắn 3 tên lửa để bảo vệ tàu và chiếc USS Ponce gần đó khỏi nguy cơ bị trúng tên lửa diệt hạm từ bờ biển Yemen lao tới ngày 9.10, được cho là do quân nổi dậy Houthi do Iran hậu thẫun bắn đi.

Tàu Mason bắn đi 2 tên lửa Standard Missile-2 (SM-2) và 1 tên lửa Enhanced Sea Sparrow (ESSM) lúc 19 giờ tối 9.10 (giờ địa phương). Tàu này còn bắn ra các mục tiêu lừa tên lửa (hệ thống Nulka).

Tàu Mason đã phản ứng ngay khi quả tên lửa diệt hạm đầu tiên được phát hiện đang lao tới, dù cũng chưa rõ có phải vì tên lửa của tàu Mỹ khiến tên lửa diệt hạm từ Yemen bị rơi xuống nước hay tên lửa diệt hạm tự rơi xuống nước, theo quan chức quốc phòng Mỹ. USNI News cũng cho biết đến ngày 11.10, thuỷ thủ tàu Mason cũng chưa chắc chắn có phải tên lửa từ tàu của họ đã khiến tên lửa diệt hạm bị rơi xuống nước hay không, và Lầu Năm Góc đang cho điều tra.

Còn quả tên lửa diệt hạm thứ hai bắn ra tàu Mỹ sau đó thì tự rơi xuống nước trước khi tàu Mỹ có biện pháp đánh trả.

Chiến hạm Mỹ chống tên lửa diệt hạm bắn từ Yemen như thế nào? - ảnh 2
Tàu vận tải kiêm đổ bộ USS Ponce trên biển Ả Rập ngày 11.8.2016 - Hải quân Mỹ

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis thì không khẳng định việc tàu khu trục Mason phóng tên lửa đánh chặn tên lửa diệt hạm, mà chỉ cho hay tên lửa diệt hạm phóng từ bờ biển Yemen là nhằm vào chiếc tàu vận tải đổ bộ USS Ponce, và phía Mỹ đã có những hành động cần thiết.

Chuyên gia hải quân Bryan Clark thuộc Trung tâm đánh giá ngân sách và chiến lược thì khen rằng việc phóng 2 loại tên lửa từ tàu Mason là rất ấn tượng. "Có lẽ đây là lần đầu tiên tên lửa SM-2 được sử dụng để đối phó mối đe doạ thực sự, và phát huy đúng khả năng của nó. Và cũng là lần đầu tiên tên lửa Sea Sparrow được sử dụng”.

Loại tên lửa này đã hiện diện hơn 2 thập niên qua trên các tàu chiến Mỹ, được thiết kế để đối phó các nguy cơ từ tên lửa hành trình nhắm vào tàu chiến thời Chiến tranh lạnh.

Sea Sparrow do hãng Raytheon sản xuất, dùng để đánh chặn các tên lửa diệt hạm bay với tốc độ siêu âm. Còn loại SM-2 (cũng của Raytheon) là tên lửa phòng không dùng chống máy bay và tên lửa, và đó cũng là vũ khí bảo vệ tàu chiến lữu hiệu.

Ngoài ra tàu Mason còn trang bị các hệ thống tác chiến điện tử để làm lệch đường đi hoặc vô hiệu hoá tín hiệu dẫn đường và radar điều khiển tên lửa của đối phương.

Chiến hạm Mỹ chống tên lửa diệt hạm bắn từ Yemen như thế nào? - ảnh 3
Tàu Swift bị thiệt hại sau khi bị tên lửa diệt hạm bắn trúng tối 1.10.2016 - Twitter

Trước đó ngày 1.10, quân Houthi đã dùng tên lửa hành trình diệt hạm bắn trúng tàu vận tải cao tốc 3 thân HSV Swift của Mỹ cho UAE thuê, gây thiệt hại nặng cho tàu nhưng chiếc Swift không bị chìm. Swift là tàu không vũ trang, thân bằng nhôm, dùng để vận chuyển hàng tiếp liệu và thương binh, quan chức UAE cho biết. UAE đang cùng Ả Rập Xê Út tham gia liên quân chống lực lượng Houthi ở Yemen.

Hải quân Mỹ cho rằng quân Houthi đã dùng loại tên lửa hành trình diệt hạm C-802 do Trung Quốc sản xuất (hoặc loại của Iran sản xuất theo mẫu C-802). Loại C-802 lại là bản copy công nghệ tên lửa diệt hạm của Pháp thời Chiến tranh lạnh (những năm 1990). Loại này có đầu đạn khi xuyên qua vỏ tàu mới nổ bên trong, bắn ra vô số mảnh đạn.

Theo Anh Sơn (Thanh Niên Online)