Thế giới

Chiến hạm Gepard tiếp theo đã về đến Cam Ranh

Theo trang marinetraffic.com, chiến hạm Gepard 3.9 chiếc thứ 3 của Hải quân Việt Nam đã được tàu Rolldock Star đưa về đến Cam Ranh chiều 27/10.

Nguồn tin này xác nhận, tàu Rolldock Star đã tiến vào quân cảng Cam Ranh theo như đúng theo kế hoạch được công bố trước đó và chuẩn bị chuyển giao tàu hộ vệ tên lửa Gepard thứ 3 cho Hải quân Việt Nam.

Như vậy, chuyến hành trình kéo dài 44 ngày bắt đầu từ ngày 13/09 tại Novorossiysk của tàu Rolldock Star với nhiệm vụ mang theo tàu hộ vệ Gepard thứ 3 của Hải quân Việt Nam gần như đã hoàn thành.

Trước khi lên đường về nước, phía Nga đã không quên cảm ơn Việt Nam hỗ trợ thủy thủ Nga trong các cuộc thử nghiệm cặp tàu này. Cặp đầu tiên của Gepard 3.9 phiên bản tấn công đã được chế tạo và chuyển giao cho Việt Nam trong năm 2010 — 2011.

Cặp thứ hai đã được đặt hàng là phiên bản chống tàu ngầm. Cặp tàu đã được đặt ky vào năm 2013. Việc đóng tàu bị trì hoãn do vấn đề cung cấp động cơ từ Ukraine, tuy nhiên mọi việc đã được giải quyết sau đó.

Chiến hạm Gepard tiếp theo đã về đến Cam Ranh
Chiến hạm Gepard 3.9. (Ảnh: Sputnik)

Theo những thông tin và hình ảnh được phía Nga công bố cho thấy, cặp tàu Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam được trang bị vũ khí chống ngầm là dàn phóng ngư lôi 533 mm (2 dàn, 2 ống/dàn) được gắn 2 bên mạn tàu. Dù phía Nga không tiết lộ cụ thể về chủng loại ngư lôi được trang bị nhưng theo nhận định của truyền thông Nga, với kích cỡ 533 mm, cặp tàu Gepard 3.9 có thể được trang bị 1 trong 2 loại ngư là TEST 71 hoặc Type 53-65.

Căn cứ vào những thông tin được công khai cho thấy, TEST 71 là loại ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn và nặng hơn khá nhiều so với loại TEST 68 — ngư lôi dẫn đường bằng dây dẫn đầu tiên của Liên Xô. TEST 71 sở hữu khá nhiều ưu điểm như tầm bắn xa hơn, đầu nổ nặng hơn và có thể tấn công mục tiêu ở độ sâu lớn hơn.

Chiến hạm Gepard tiếp theo đã về đến Cam Ranh - 1
Tàu Rolldock Star (Hà Lan) chở theo chiến hạm Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam (trước đó mang số hiệu tạm 486). (Ảnh: DM Parody)

Ngoài nguyên mẫu ban đầu, TEST 71 còn được phát triển thêm 4 biến thể khác nhau. Trong đó, chỉ có biến thể TEST 71ME-NK là có khả năng tấn công đa năng (cả tàu nổi và tàu ngầm). Loại ngư lôi này có đường kính 533mm với đầu nổ nặng 205kg và có ưu điểm tuyệt vời là được trang bị 2 ngòi nổ khác nhau: Nổ cận đích (thủy âm và từ trường) và chạm nổ.

Ngư lôi hoạt động nhờ được điều khiển từ xa qua dây, đầu dò bán chủ động và đầu dò sóng âm. TEST 71ME-NK được trang bị hệ thống đẩy với 2 chân vịt kép, tốc độ hành trình 48km/h và tăng lên 74 km/h ở giai đoạn cuối, tầm xa tấn công 20km ở độ sâu lên đến 400m.

Loại ngư lôi thứ 2 tàu Gepard 3.9 có thể được trang bị là Type 53-65. Đây là loại ngư lôi dẫn đường bằng sóng âm, được thiết kế dựa trên loại ngư lôi thế hệ trước Type 53-61.

Phiên bản xuất khẩu được gọi là 53-65KE chuyên dùng để chống tàu nổi. Ngư lôi có đường kính 533mm; chiều dài 7,2m; nặng 2.070kg và trang bị đầu nổ nặng tới 300kg.

Type 53-65 đạt tầm xa tấn công 12km khi di chuyển ở tốc độ 125km/h và 18km khi di chuyển tốc độ 83km/h (biến thể 53-65K đạt tới 19km và 53-65M lên đến 22km). Theo dự đoán, biến thể mà Việt Nam mua có thể sẽ là Type 53-65K.

Tuy nhiên, căn cứ vào bước tiến lớn của công nghiệp quốc phòng Việt Nam, truyền thông Nga cho rằng, có thể cặp chiến hạm Gepard thứ 2 của Việt Nam sẽ được trang bị cả ngư lôi và tên lửa chống hạm được sản xuất trong nước.

Mặc dù chưa có thông thông tin cụ thể về vũ khí chống ngầm của cặp Gepard mới này nhưng phía Nga khẳng định, với ngư lôi 533mm, tàu hộ vệ Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam sẽ có khả năng chống ngầm cực mạnh, có thể hạ gục "sát thủ dưới lòng đại dương" và kể cả tàu chiến mặt nước chỉ bằng một phát bắn duy nhất.

Theo Vtc.vn