Thế giới

Chiến công oai hùng của 'đôi cánh ma thuật' Su-22 Việt Nam ở Trường Sa

Mặc dù suốt chiều dài hoạt động trong Không quân Việt Nam, cường kích Su-22 chưa từng phải bắn một quả tên lửa hay ném bom trong thực chiến nhưng nó vẫn lập nên nhiều chiến công.

Chiến công oai hùng của 'đôi cánh ma thuật' Su-22 Việt Nam ở Trường Sa

Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam cho biết chúng ta bắt đầu được Liên Xô viện trợ những chiếc máy bay tiêm kích - bom (cường kích) cánh cụp cánh xòe Su-22 đầu tiên trong năm 1979, cùng đợt với MiG-21bis.

Đầu tháng 4/1979, Quân chủng Không quân cử các đoàn cán bộ sang Liên Xô học chuyển loại sử dụng máy bay tiêm kích MiG-21bis và tiêm kích - bom Su-22M. Đoàn chuyển loại Su-22 đầu tiên do đồng chí Lê Hải phụ trách, đoàn thứ 2 do đồng chí Hán Văn Quảng làm trưởng đoàn. Thời gian chuyển loại bay Su-22 là 3 tháng.

Toàn bộ số Su-22M được đưa vào biên chế Trung đoàn 923, Sư đoàn 372. Những chiếc Su-22 này đã đóng góp chiến công không nhỏ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc những tháng năm xảy ra căng thẳng trên tuyến biên giới đất liền. 

Chiến công oai hùng của 'đôi cánh ma thuật' Su-22 Việt Nam ở Trường Sa - 1
Máy bay cường kích Su-22M4 của Không quân nhân dân Việt Nam

Giai đoạn giữa những năm 1980, tình hình khu vực Biển Đông và đặc biệt là quần đảo Trường Sa có những diễn biến hết sức phức tạp. Lúc này ở phía Nam ta không có loại máy bay chiến đấu nào đủ khả năng bay từ đất liền ra tuần tiễu Trường Sa.

Trước yêu cầu cấp thiết, ngày 6/11/1987, Tư lệnh Quân chủng Không quân lệnh cho Sư đoàn 372 cơ động một phi đội Su-22 thuộc Trung đoàn 923 từ Thọ Xuân vào Phan Rang hiệp đồng với Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn Phòng không 378 sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 14/11, đội ngũ dẫn đường sở chỉ huy của Ban Dẫn đường Sư đoàn 372 và Tiểu ban Dẫn đường Trung đoàn 923 cùng đội ngũ phi công thực hiện dẫn bay thành công Su-22 cơ động chuyển sân đường dài lần đầu tiên vào phía Nam.

Từ ngày 21/11, Sư đoàn 372 đã tổ chức trực ban chiến đấu và huấn luyện bay biển cho Su-22 tại sân bay Phan Rang.

Nhờ có công tác huấn luyện bay biển thường xuyên đạt chất lượng cao, tiến độ nhanh và an toàn. Sáng ngày 10/2/1988, phi công Vũ Xuân Cương đã thành công chuyến bay nhiệm vụ đầu tiên trên cường kích Su-22 từ Phan Rang ra tuần tiễu Trường Sa. Đây là lần đầu tiên máy bay chiến đấu của Không quân Nhân dân Việt Nam vươn tới Trường Sa.

Chiến công oai hùng của 'đôi cánh ma thuật' Su-22 Việt Nam ở Trường Sa - 2
Cường kích Su-22UM3 của Không quân Việt Nam, căn cứ màu sơn trên máy bay thì chiếc phi cơ này được mua lại từ Ukraine

Chiến công chói lọi nhất của cường kích Su-22 diễn ra không lâu sau đó, khi nó là nhân tố cốt lõi giúp Việt Nam giữ vững được chủ quyền đảo Len Đao thuộc Quần đảo Trường Sa.

Ngay sau trận chiến ở đảo Gạc Ma, ngày 14 - 16/3/1988, máy bay An-26 của Không quân Việt Nam đã bay ra Cô Lin, Len Đao trinh sát trận địa nhưng Trung Quốc cũng điều máy báy ngăn chặn.

Ngày 30/3/1988, Tư lệnh Quân chủng Không quân ra chỉ thị về việc tăng cường bay huấn luyện trên biển xa cho Su-22M nhằm nâng cao khả năng tác chiến trên biển.

Ngày 24/4, quân chủng quyết định điều thêm 3 chiếc Su-22M từ Thọ Xuân vào Phan Rang. Cuối tháng 6, có thêm 10 chiếc Su-22M nữa vào Phan Rang.

Một tháng sau sự kiện ngày 14/3, một biên đội gồm 35 lính công binh và 7 lính hải quân do Tư lệnh Vùng 4 Hải quân chỉ huy được trang bị súng 12ly7, DKZ.. thực hiện cuộc hành quân quyết giành lại Len Đao và Gạc Ma.Từ 2 giờ sáng, Hải quân Việt Nam bí mật cho xuồng nhỏ vào thăm dò, rồi cho người tiếp cận Len Đao và Gạc Ma. Tuy nhiên ta chỉ có thể cắm cờ lên đảo Len Đao.

Khi trời sáng, phát hiện ra ta cắm cờ ở Len Đao, Trung Quốc cho 7 tàu chiến và vô số xuồng nhỏ bao vây, uy hiếp. Những chiến sĩ Hải quân Việt Nam vẫn kiên quyết bám đảo dù lực lượng của ta ít hơn rất nhiều.

Không khí lúc đó hết sức căng thẳng, trận chiến rất dễ xảy ra, nhưng bất ngờ trên bầu trời xuất hiện 7 máy bay chiến đấu Su-22 của Việt Nam bay từ đất liền ra trợ chiến, ngay lập tức biên đội tàu Trung Quốc phải tản ra. Bộ đội ta tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng công sự và bảo vệ vững chắc đảo Len Đao cho đến ngày hôm nay.

Chiến công oai hùng của 'đôi cánh ma thuật' Su-22 Việt Nam ở Trường Sa - 3
Trong những chuyến bay biển xa thì Su-22M (ảnh) sẽ phải mang theo tối thiểu 2 thùng dầu phụ

Giai đoạn những năm cuối 1980 - đầu 1990, Su-22 tiếp tục giữ vai trò chủ lực của Không quân Việt Nam trong thế trận bảo vệ biển đảo tổ quốc cho tới khi tiếp nhận dòng Su-27/30 Flanker tối tân hơn.

Hiện nay ngoài nhiệm vụ cơ bản, Su-22 còn đảm nhận luôn cả vai trò tiêm kích phòng không thay thế cho số MiG-21 đã nghỉ hưu. Rõ ràng những đóng góp của Su-22 trong cả những năm tháng căng thẳng nhất hay vào thời bình đều vô cùng đáng trân trọng.

Theo Nam Đồng (Soha/Trí Thức Trẻ)