Thế giới

Các tập đoàn Israel kiếm 1 tỷ USD từ việc hỗ trợ chế tạo F-35

Kể từ năm 2010 đến nay, các tập đoàn quốc phòng Israel đã kiếm được 1 tỷ USD từ việc hỗ trợ chế tạo siêu tiêm kích F-35 cho các nhà thầu của Mỹ.

Kể từ năm 2010 đến nay, các tập đoàn quốc phòng Israel đã kiếm được 1 tỷ USD từ việc hỗ trợ chế tạo siêu tiêm kích F-35 cho các nhà thầu của Mỹ.

cac tap doan israel kiem 1 ty usd tu viec ho tro che tao f 35 hinh 1
Siêu tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35. Ảnh: AP

Các hợp đồng liên quan đến việc chế tạo F-35 đã tăng lên 33% trong năm 2016 giúp các công ty của Israel kiếm thêm các hợp đồng có tổng trị giá là 259 triệu USD. Bản thân Israel cũng đã ký hợp đồng đặt mua 19 chiếc siêu tiêm kích này vào năm 2010.

“Quy mô hợp tác giữa Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ [hãng chế tạo chính F-35-ND] và các đối tác Israel chỉ riêng trong năm 2016 đã cho thấy tiềm năng hợp tác và tác động rất lớn đối với nền kinh tế Israel”, Đại tá Avi Dadon, Phó Giám đốc phụ trách mua sắm của Bộ Quốc phòng Israel cho biết.

Phần lớn doanh thu tăng thêm của các tập đoàn Israel đến từ việc chế tạo chiếc mũ thực tại ảo cho các phi công lái chiến đấu cơ F-35. Chỉ riêng 2 tập đoàn Elbit Systems và Rockwell Collins đã kiếm được các hợp đồng trị giá 206 triệu USD từ việc chế tạo chiếc mũ thực tại ảo nói trên.

Tuy nhiên, cũng giống như dự án F-35, số phận của chiếc mũ dành cho phi công trên chiếc tiêm kích này cũng “bảy nổi ba chìm”. Chiếc mũ nặng 2,2kg này được cho là khiến các phi công cảm thấy mỏi cổ.

Hơn nữa, phần mặt nạ của chiếc mũ này thường xuyên phát sáng ngay trước mắt các phi công trong quá trình chiếc F-35 cất cánh khiến họ bị “mù hoàn toàn” trong khoảng thời gian này- điều tối kỵ đối với họ.

Dù vậy, ông Tom Briggs- một sĩ quan Hải quân Mỹ- vẫn lên tiếng bảo vệ chiếc mũ này, theo ông, ánh sáng xanh đó giúp các phi công nhìn rõ mọi thông tin hiển thị trên mặt nạ của chiếc mũ này.

Ngoài ra, giới chức Italy cũng đã lên tiếng than phiền rằng hãng Lockheed Martin và giới chức Mỹ đã “không giữ đúng cam kết trong hợp đồng bảo trì F-35” mà hãng ký với các đối tác Italy.

Ông Guido Crosetto, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và Vũ trụ Italy cáo buộc Washington đã “không tôn trọng các cam kết” giữa hai bên khi Italy tham gia vào nhóm các đồng minh của Mỹ đặt mua tiêm kích F-35 vào năm 2002.

Tại thời điểm đó, phía Mỹ cam kết Italy sẽ nhận được hợp đồng bảo trì F-35 trị giá 65% trong tổng số tiền 1 tỷ USD mà Italy đầu tư để mua 90 chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 này. Trong khi đó, cho đến nay, các tập đoàn của Italy mới chỉ nhận được hợp đồng trị giá chưa đầy 20% con số nói trên.

Trong khi đó, hầu hết các hợp đồng quan trọng lại được Mỹ dành cho các tập đoàn lớn của Mỹ, Hà Lan và Australia “bởi khi đấu thầu hợp đồng, họ chỉ ưu tiên cho các tập đoàn lớn thôi”, ông Crosetto nói thêm./.

Theo Trần Khánh (Vov.vn)