Thế giới

Cả tá tên lửa nhấn chìm tàu cũ trong Tập trận RIMPAC-2018

Để đánh chìm chiếc tàu cũ trong Tập trận RIMPAC-2018, hàng loạt vũ khí đã được khai hỏa, trong đó có cả tên lửa chống hạm Type-12 của Nhật Bản.

Thông tin và hình ảnh màn khai hỏa diệt mục tiêu trong Tập trận RIMPAC-2018 được Defense News đăng tải cho thấy Mỹ, Nhật Bản và Australia đã cũng hợp sức để đánh chìm mục tiêu giả định trên biển là một chiếc tàu cũ.

Theo kịch bản của khoa mục bắn đạn thật, chiếc máy bay chống ngầm Orion P-3 của Nhật Bản phát hiện mục tiêu cách nơi tập kết của liên quân khoảng 100 km về phía Bắc. Tuy nhiên máy bay Nhật không thể hoàn thành việc truyền tin với trung tâm do gặp sự cố.

Cả tá tên lửa nhấn chìm tàu cũ trong Tập trận RIMPAC-2018
Tên lửa bờ Nhật Bản khai hỏa.

Lập tức, một phi đội máy bay không người lái Grey Eagle cùng một trực thăng tấn công hạng nặng AH-64 được điều động hỗ trợ phi cơ Nhật xác định chính xác tọa độ tàu đối phương.

Ngay khi nhận được thông tin, hệ thống tên lửa đất đội hải Type-12 của Nhật, hệ thống pháo phản lực phóng loạt (HIMARS) của Mỹ và trinh sát cơ P-8A Poseidon của Australia đồng loạt khai hỏa nhắm vào mục tiêu.

Cùng với đó, tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân của Hải quân Mỹ là USS Olympia cũng bắn một tên lửa Harpoon và một ngư lôi Mk-48 vào mục tiêu, khiến con tàu gãy đôi và chìm xuống biển.

Căn cứ vào thông tin và hình ảnh cho thấy, tổng số tên lửa được khai hỏa nhằm đánh chìm chiếc tàu cũ đã bị loại biên phải lên tới con số trên 10 đơn vị, trong đó riêng Type-12 của Nhật Bản đã bắn ít nhất 3 quả.

Chỉ với thông tin này đủ cho thấy, hầu hết những vũ khí được sử dụng đều không mạnh như tuyên bố. Bởi trong khi Mỹ khẳng định chỉ cần 1 quả MK-48, chiếc tàu vài ngàn tấn có thể bị gãy đôi và nằm im dưới đáy biển.

Và Nhật cũng từng nhiều lần có tuyên bố tương tự với trường hợp của Type-12. Theo giới thiệu của Nhật Bản, Type 12 có trọng lượng 660 kg, độ cao bay 5 - 6m so với mặt biển, tốc độ đạt được 1.150 km/h với hệ thống dẫn đường quán tính và radar chủ động.

Với tầm phóng khoảng 200km, đầu đạn nặng hơn 270kg - đầu đạn đủ sức đánh chìm tàu đổi phương vài ngàn tấn chỉ với 1 phát bắn duy nhất. Cùng với sức mạnh và độ chính xác và khả năng dẫn đường cao hơn so với Type 88.

Type 12 sẽ cung cấp cho lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật khả năng chống hạm rất mạnh, có khả năng phong tỏa toàn bộ các eo biển, chặn đường tàu chiến đối phương ra vào Thái Bình Dương.

Tên lửa chống hạm thế hệ mới Type 12 còn có khả năng thu nhận và truyền các dữ liệu của tàu chiến địch về trung tâm chỉ huy và tự động điều chỉnh đường bay phù hợp. Hơn nữa, khoảng thời gian chuẩn bị giữa 2 lần phóng ngắn hơn rất nhiều so với Type 88.

Hiện nay, Nhật Bản có tổng cộng 5 chi đội tên lửa bờ đối hạm với 80 hệ thống tên lửa Type 88. Trong "Kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ trung hạn" được Bộ quốc phòng Nhật Bản xây dựng năm 2017 cho thấy, hiện nước này đã chế tạo được khoảng 50 hệ thống tên lửa Type 12.

Dù không mạnh bằng Type 12 nhưng sức mạnh của SSM-1 vẫn rất đáng sợ. SSM-1 có trọng lượng 650 kg, dài 5 m, đường kính 35 cm, mang đầu đạn nặng 225 kg. Tên lửa trang bị động cơ đẩy nhiên liệu rắn, cho phép nó bay với tốc độ 1.150 km/h và tầm bắn lên tới 150 km.

Clip cả tá tên lửa nhấn chìm chiếc tàu cũ trong Tập trận RIMPAC-2018

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)