Thế giới

Bí mật về dự án vệ tinh gián điệp đầu tiên trên thế giới

Chương trình vệ tinh gián điệp Corona của Mỹ ra đời những năm 1960 đã mở đường cho sự bùng nổ công nghệ do thám ngoài không gian.

Chương trình vệ tinh gián điệp Corona của Mỹ ra đời những năm 1960 đã mở đường cho sự bùng nổ công nghệ do thám ngoài không gian.
 

Mô hình vệ tinh Corona do tập đoàn Lockheed chế tạo. Ảnh: Airandspace

 
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới II, Mỹ và Liên Xô bị cuốn vào những căng thẳng chính trị dần hình thành nên Chiến tranh Lạnh. Đôi bên tỏ ra hoảng sợ trước sức mạnh quân sự của nhau. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), ở thời điểm đó, do thám hoạt động quân sự của đối phương trở thành nhiệm vụ mang tính sống còn.

Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Không quân Mỹ được giao nhiệm vụ thăm dò các hoạt động và sức mạnh quân sự của Liên Xô. Họ phải đảm bảo tính bí mật tuyệt đối của nhiệm vụ, nếu không, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Các hoạt động do thám cũ như sử dụng điệp viên tỏ ra kém hiệu quả bởi người Liên Xô tuân thủ nguyên tắc giữ bí mật rất tốt. Bên cạnh đó, lãnh thổ nước này quá rộng lớn khiến nhiệm vụ trở nên cực kỳ khó khăn.

Lúc đó, giới quân sự Mỹ nhận thấy, do thám trên không là lựa chọn tối ưu. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ này đặt ra nhiều thách thức. Nếu sử dụng các máy bay thám thính thông thường chắc chắn không thoát khỏi sự trừng phạt của phi đội tiêm kích và lực lượng phòng không của Moscow. Ngoài ra, do thám công khai có thể kích động một cuộc xung đột quân sự trên quy mô lớn giữa 2 nước.

Đầu những năm 1950, CIA và Không quân Mỹ bí mật tiến hành nhiều hoạt động do thám Liên Xô bằng khí cầu nhưng kết quả hạn chế. Washington vẫn rất mơ hồ về sức mạnh quân sự của Moscow, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và tên lửa chiến lược.

Ở thời điểm đó, giáo sư Edwin H. Land (nhà phát minh máy ảnh Polaroid) đồng thời là cố vấn bí mật cho Nhà Trắng đề xuất sử dụng máy bay thám thính tầm cao U-2. Năm 1956, U-2 bắt đầu thực hiện các hoạt động trinh thám trên lãnh thổ Liên Xô. Không quân Xô viết bất lực trong việc bắn hạ U-2 bởi nó hoạt động ở độ cao quá lớn.

Các bức ảnh do máy bay chụp lại đã hé mở phần nào tiềm lực quân đội Xô viết. Những chuyên gia phân tích hình ảnh nhận định, sức mạnh Liên Xô đã bị thổi phồng, nhưng giới tình báo Mỹ vẫn tin rằng, Moscow giấu các cơ sở quan trọng của họ ở đâu đó trong vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía Bắc.

Vệ tinh gián điệp đầu tiên

Sau 12 lần phóng thử thất bại, người Mỹ đã đưa thành công vệ tinh do thám đầu tiên của thế giới lên quỹ đạo. Ảnh chụp màn hình: Youtube

 
Máy bay do thám tầm cao U-2 là phương tiện trinh thám tối tân, nhưng nó không thể bao quát hết phần lãnh thổ rộng lớn của Liên Xô. Bên cạnh đó, việc sử dụng phi cơ này vấp phải sự phản đối ngoại giao gay gắt từ Moscow. Thậm chí, tháng 5/1960, lực lượng phòng không Liên Xô bắn hạ 1 chiếc U-2 bằng tên lửa S-75 Dvina khiến CIA và Không quân Mỹ hoảng loạn.

Giới tình báo Mỹ nhận thấy, đưa máy ảnh lên không gian là giải pháp tốt nhất, vừa đảm bảo bí mật vừa có thể bao quát hết phần lớn trái đất.

Đến năm 1956, Cơ quan tên lửa đạn đạo Mỹ bắt tay triển khai dự án WS-117L, có nhiệm vụ chế tạo vệ tinh do thám truyền hình. Lockheed (ngày nay là Lockheed Martin), nhà thầu chính, đã tạo ra bản thiết kế tàu vũ trụ mang tên Agena.

Lúc đó, giáo sư Land đã can thiệp vào dự án, ông nhận thấy loại máy ảnh dự định đưa lên không gian quá lạc hậu. Vị giáo sư đề xuất với Tổng thống Dwight D. Eisenhower sử dụng siêu máy ảnh trong chương trình khí cầu do thám WS-461L cho tàu vũ trụ Agena.

Vị tổng thống đã phê duyệt dự án không gian mới mang mật danh Corona. Đây là chương trình vệ tinh do thám đầu tiên trên thế giới. Toàn bộ dự án được bảo mật thông tin tuyệt đối và ẩn danh dưới chương trình nghiên cứu không gian mang tên Discoverer.

Máy ảnh trên vệ tinh sẽ chụp phần lãnh thổ Liên Xô và các khu vực khác mỗi lần nó bay qua. Sau khi chụp xong, tàu vũ trụ sẽ phóng khoang hàng chứa phim về trái đất. Không quân Mỹ chịu trách nhiệm thu hồi để CIA tiến hành phân tích.

Những khó khăn

Các bức ảnh chụp từ vệ tinh gián điệp Corona đã giúp Washington định hình rõ hơn thực lực quân sự của Liên Xô. Ảnh: Wikipedia

 
Việc chế tạo vệ tinh và siêu máy ảnh đã hoàn thành, nhưng đưa nó lên không gian là thách thức vô cùng lớn với các nhà khoa học. Những năm 1950 đến đầu 1960 , các vụ phóng thử tên lửa đẩy của Mỹ liên tục gặp sự cố. Trong khi chương trình Corona chưa mang lại kết quả thì tháng 10/1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của loài người lên không gian.

Sự kiện này đã tạo nên sự hoảng loạn ở nước Mỹ. Giới quân sự Washington nhận thấy, loại tên lửa đưa vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo có thể mang đầu đạn hạt nhân đến bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Tổng thống Eisenhower chỉ đạo gấp rút hoàn thành chương trình Corona.

Áp lực trong việc chạy đua với Liên Xô khiến chương trình gặp nhiều thất bại. Chỉ trong năm 1959, ít nhất 6 vụ phóng thử vệ tinh không thành công. Những người phụ trách dự án gần như rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tuy nhiên, Tổng thống Eisenhower đã động viên mọi người tiếp tục nỗ lực bởi người Mỹ rất cần sự thành công của dự án.

Sau 12 lần thất bại, ngày 10/8/1960, trong lần phóng thứ 13, tên lửa Thor và tàu vũ trụ Agena đã đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo. Các trạm mặt đất kiểm soát được hoạt động của vệ tinh và máy ảnh. Kỷ nguyên do thám từ không gian chính thức bắt đầu. Ngày nay, do thám từ không gian vẫn là lĩnh vực chủ đạo trong việc thu thập thông tin tình báo.
 
Theo Q.Việt (Zing.vn)