Thế giới

Bí ẩn sức mạnh Quân sự Việt Nam thứ 17 thế giới

Các chuyên gia quân sự khẳng định việc đầu tư trang thiết bị vũ khí là cần thiết trong bối cảnh thế giới đa cực, có nhiều biến động.

Các chuyên gia quân sự khẳng định việc đầu tư trang thiết bị vũ khí là cần thiết trong bối cảnh thế giới đa cực, có nhiều biến động.

Global Fire Power vừa đưa ra bảng xếp hạng tiềm lực quân sự của 126 quốc gia trên thế giới dựa vào hơn 50 tiêu chí để xác định Chỉ số sức mạnh quân sự Power Index (PwrIndx).

Theo đó, Việt Nam đứng thứ 17/126, trên Thái Lan, Malyasia, Úc. Năm nay Việt Nam đã được đánh giá tăng 4 bậc, từ vị trí số 21 năm ngoái. Năm 2014, Việt Nam được xếp ở vị trí số 23.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Trung tướng Phùng Khắc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng những thống kê trên chỉ là cảm nhận của một số tổ chức chứ không phải quy chuẩn nhất định của quốc tế đối với tiềm lực quốc phòng của các nước.

“Mỗi quốc gia có một tiêu chí đánh giá khác nhau, không có điểm nào là chung nhất. Số lượng không phản ánh được chất lượng, số lượng chỉ biểu hiện về mặt hình thức thống kê thuần túy mà không nói lên được điều gì.

Tôi cho rằng ở Việt Nam không nên quan tâm đến các thứ hạng làm gì. Cái chúng ta quan tâm nhất là khí tài của mình có đảm bảo được mục đích bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền hay không, dù vũ khí hiện đại hay thô sơ. Nếu đánh giá vũ khí, khí tài hiện đại mà tinh thần của người sử dụng không ra gì thì vũ khí chỉ là cục sắt rỉ, không có nghĩa lý”, Trung tướng Đăng khẳng định.

Bi an suc manh Quan su Viet Nam thu 17 the gioi

Các chuyên gia quân sự khẳng định việc đầu tư trang thiết bị vũ khí là cần thiết trong bối cảnh thế giới đa cực, có nhiều biến động. Ảnh minh họa

Thống nhất với quan điểm trên, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Uỷ viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cho rằng những thống kê trên chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thể là căn cứ để đánh giá tiềm lực quốc phòng của các quốc gia.

“Trước hết tôi cũng không hiểu hết tiêu chí đánh giá của họ là gì? Làm sao nước ngoài họ biết hết được tiềm lực quốc phòng của nước ta để đánh giá thứ bậc?”, Đại tá Hùng đặt câu hỏi.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, trong điều  kiện kinh tế thị trường như hiện nay thì việc mua sắm vũ khí của Việt Nam không còn giấu được bí mật nữa. Tuy nhiên việc căn cứ vào các hợp đồng để đưa ra thống kê như vậy thì phải xem xét lại.

Muốn bảo vệ Tổ Quốc thì cần phải có vũ khí

Trung tướng Phùng Khắc Đăng từng rất tâm đắc với phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi nói về việc Việt Nam mua sắm các trang thiết bị vũ khí: “Chúng ta mua sắm vũ khí trang bị chỉ vừa đủ để bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta từng bước hiện đại hóa quân đội. Khi hiện đại hóa quân đội phát triển ở mức cao thì nó sẽ quay lại giúp phát triển kinh tế đất nước...”.

Theo Trung tướng Đăng, Việt Nam là một đất nước tư tưởng là hòa bình. Vì vậy chúng ta có sắm sửa vũ khí gì thì cũng vì mục đích bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ đất nước. Đặc biệt, việc sắm vũ khí cũng vừa với sức của Việt Nam, phù hợp với các điều kiện.

"Bất cứ một quốc gia, dân tộc nào cũng phải nghĩ đến năng lực phòng thủ của mình, ở năng lực đó có thể thụ động bằng cách đi mua, có thể là chủ động về sản xuất nhưng mục đích chính vẫn xuất phát từ tư tưởng của mình chứ không phải sản xuất vì thích chiến tranh”, Trung tướng Đăng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Trung tướng Đăng lưu ý rằng, vũ khí hiện đại cũng chỉ là một phần trong chiến lược bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc. Ngoài vũ khí cũng cần phải huy động sức mạnh tổng hợp từ nhiều yếu tố khác nhau.

“Bài học lịch sử của cha ông ta đã cho thấy rằng ta luôn luôn ở trong thế yếu để chọi với các nước mạnh, nên quan trọng nhất của sức mạnh là hợp từ nhiều yếu tố chứ vũ khí không quyết định được”, Trung tướng Đăng khẳng định.

Đồng quan điểm này, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng khẳng định tư tưởng xuyên suốt, nhất quán của Đảng, nhà nước, chính phủ và quân đội chúng ta là mua sắm trang thiết bị vũ khí nhằm mục đích tự vệ: “Trong điều kiện kinh tế của Việt Nam còn nhiều khó khăn thì chúng ta cũng không mua sắm được mấy. Chúng ta trang bị vũ khí chủ yếu là để tự vệ, bảo vệ tổ quốc”.

Chủ động sản xuất vũ khí trong nước

Ngoài vấn đề mua sắm các trang thiết bị, một vấn đề khác mà  Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhắc đến đó là cần phải chủ động trọng việc sản xuất vũ khí trong nước.

“Nếu thụ động trong việc mua vũ khí, đến khi các nước không bán vũ khí, các chi tiết sửa chữa nữa thì vũ khí cũng chỉ bỏ xó. Việc chủ động chế tạo vũ khí mặc dù chưa phải hiện đại lắm nhưng sẽ là tốt hơn cho tư tưởng bảo vệ, phòng ngự của mình.

Trên thế giới trong xu hướng hiện nay cũng còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều vấn đề hơn. Nhưng nếu Việt Nam có tư tưởng độc lập tự chủ, tận dụng được các cơ hội trong những vấn đề giải quyết quốc tế và tranh thủ được bạn bè thì có thể vượt qua được những khó khăn đó”, Trung tướng Đăng nêu quan điểm.

Đại tá Nguyễn Hữu Hùng cũng cho rằng, việc nghiên cứu, chế tạo vũ khí cần phải được nghiên cứu từng bước thận trọng để đối phó với các trường hợp có thể xảy ra trong thế giới đa cực hiện nay: “Quá trình này chúng ta vẫn đang làm, nghiên cứu từng bước một thôi. Nó phải có sự kết hợp giữa nghiên cứu chuyển giao công nghệ, mua sắm rồi từng bước sản xuất ra những gì Việt Nam làm được để đáp ứng nhu cầu trong nước”.

Theo Nguyễn Huệ (Đất Việt)