Thế giới

Bật mí kho đạn trên xe tăng T-62 của Việt Nam

Với thiết kế pháo nòng trơn mang tính cách mạng, xe tăng T-62 có thể sử dụng nhiều loại đạn có uy lực mạnh.

Với thiết kế pháo nòng trơn mang tính cách mạng, xe tăng T-62 có thể sử dụng nhiều loại đạn có uy lực mạnh.


2A20 chính là phát súng lệnh khởi đầu cuộc cách mạng pháo chính xe tăng, với bước chuyển từ pháo nòng xoắn sang nòng trơn.

Xe tăng T-62 diễn tập cùng bộ binh
 
Cùng với pháo chính 2A20, xe tăng T-62 còn được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) Volna, hệ thống ổn định pháo Meteor-M1, thiết bị đo xa laser KTD-2, thiết bị trinh sát ảnh nhiệt L-4, hệ thống kính ngắm ngày TShSM-41U, kính ngắm ngày/đêm 1K13-1, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở cự li xa với độ chính xác cao.

Xe tăng T-62 có cơ số đạn 40 viên, và có thể sử dụng những loại đạn sau:
Đạn nổ phá mảnh OF-11, OF-18 và OF-27

Thông thường, xe tăng T-62 sẽ mang theo 22 viên đạn nổ phá mảnh (Frag-HE) loại OF-11, OF-18 và OF-27. Đây là các đạn cỡ 115mm, mang lượng nổ mạnh, tung mảnh sát thương, dùng để chế áp bộ binh và các công sự địch, hơn là để chống tăng.

Đạn nổ phá mảnh OF-27 của T-62 có tầm bắn hiệu quả lên đến 2.000m vào ban ngày và giảm xuống còn 1.300m vào ban đêm (trùng với giới hạn của kính ngắm ngày/đêm 1K13-1).

 T-62 có thể được coi là loại xe tăng tiên tiến nhất mà Việt Nam sở hữu.


Đạn lõm chống tăng (HEAT) BK-4, BK-4M và BK-15

Trong cơ số đạn của T-62 sẽ có 6 viên đạn lõm chống tăng, sử dụng liều nổ lõm để xuyên giáp diệt tăng và chống công sự kiên cố. Do yêu cầu bắn chính xác diệt tăng, nên tầm bắn của đạn lõm chống tăng BK-4 chỉ dừng ở mức 1.200m, sức xuyên giáp đạt 495mm giáp RHA. Bên cạnh BK-4, T-62 còn sử dụng các đạn lõm chống tăng BK-4M và BK-15.

Đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi BM-3, BM-4, BM-6 và BD/36-2

Thế mạnh của T-62 chính là khả năng bắn các đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi APFSDS. Trong cơ số đạn của xe tăng luôn có 12 viên đạn xuyên có guốc giảm cỡ nòng ổn định cánh đuôi, với nhiều chủng loại khác nhau: BM-3, BM-4, BM-6 và BD/36-2 …

Tập huấn kĩ thuật chuyên ngành xe tăng T-62.

 
 Khác với xe tăng T-54/55, pháo 2A20 của xe tăng T-62 không sử dụng các đạn xuyên dưới cỡ ổn định bằng con quay, mà tập trung vào các đạn chọn giải pháp ổn định bằng cánh đuôi.

Đạn BM-6 có tầm bắn hiệu quả lên đến 1.500m vào ban ngày và 1.300m vào ban đêm, sức xuyên giáp đạt 237mm giáp RHA ở cự li 1.000m. Sức xuyên này là đủ để đánh bại hầu hết các xe tăng cùng thời với T-62, kể cả khi bắn vào giáp trước tháp pháo. Ví dụ: giáp trước của bản thân xe tăng T-62 cũng chỉ là 203mm. Nếu như không được trang bị thêm các giáp rỗng, giáp hộp, giáp composite hay giáp phản ứng nổ ERA, thì chính T-62 cũng không thể chịu được đạn xuyên của chính mình!

Đạn BD/36-2 là phiên bản hiện đại, với tầm bắn ban ngày tăng lên đến 2.000m và sức xuyên giáp đáng nể ở mức 520mm giáp RHA (góc chạm 71 độ, cự li 1.000m), nhằm giúp cho T-62 có thể “ăn miếng trả miếng” ở chừng mực nhất định với các xe tăng thế hệ mới hiện đại hơn.

Đạn chống tăng có điều khiển (ATGM)

Để gia tăng sức mạnh cho các pháo chống tăng và xe tăng thế hệ cũ của quân đội Nga, các tổ hợp tên lửa chống tăng bắn qua nòng pháo 9M117 Bastion đã được chế tạo. Đây là tổ hợp tên lửa chống tăng có điều khiển bám chùm laser, được trang bị cho các pháo chống tăng nòng trơn MT-12, xe tăng T-55, xe tăng T-62 và các xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới BMP-3. T-62 có thể được trang bị các phiên bản:

- 9M117 Bastion: bắn đạn chống tăng có điều khiển 3UBK10-2 cỡ 115mm, xuyên 600mm giáp RHA từ cự li 4.000m

- 9M117M Kan: bắn đạn chống tăng có điều khiển 3UBK10-M2, có đầu đạn liều đúp tandem, có khả năng xuyên 650mm giáp RHA (sau giáp phản ứng nổ ERA) từ cự li 4.000m

- 9M117M1 Arkan: bắn đạn chống tăng có điều khiển 3UBK23-2, có đầu đạn tandem, có thể xuyên 750mm giáp RHA (sau giáp phản ứng nổ ERA) từ cự li 6.000m

- 9M117M2 Boltok: bắn đạn chống tăng có điều khiển 3UBK23M-2, có thể xuyên 850mm giáp RHA từ cự li 6.000m.

Về mặt lý thuyết thì các xe tăng T-62 mà Việt Nam có trong trang bị có thể trang bị đạn chống tăng có điều khiển. Các đạn ATGM bắn qua nòng pháo chính là thế mạnh của xe tăng Nga, nhằm “tiên hạ thủ vi cường”, tấn công đối thủ từ tầm xa trước khi giáp chiến bằng các đạn xuyên giáp.
 
Theo Thanh Hoa (Kienthuc.net.vn)