Thế giới

Báo Trung Quốc: Mỹ muốn giúp Việt Nam đóng tàu ngầm

Theo trang mạng Sina (Trung Quốc), Mỹ có thể muốn liên kết với Việt Nam để đóng tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường.

Theo trang mạng Sina (Trung Quốc), Mỹ có thể muốn liên kết với Việt Nam để đóng tàu ngầm chạy bằng động cơ thông thường.

Báo Trung Quốc: Mỹ muốn giúp Việt Nam đóng tàu ngầm

"Người Việt Nam rất nhiều phát minh sáng tạo"

Báo cáo tháng 8/2016 của trung tâm nghiên cứu tàu ngầm trực thuộc công ty tư vấn RAND (trụ sở tại California) đánh giá rằng, Mỹ hiện có khả năng phát triển tàu ngầm phi hạt nhân với tính năng cao.

Theo trang mạng tiếng Trung Sina, hiện nay, các nước châu Á có nhu cầu rất lớn đối với loại tàu ngầm trên. Trang này còn cho rằng, Việt Nam đang có ý định chế tạo những chiếc tàu ngầm đầu tiên chạy bằng động cơ thông thường.

Cũng theo Sina, Mỹ có thể là nước muốn liên kết với Việt Nam để đóng loại tàu này.

Trước đó, có thông tin cho rằng Việt Nam muốn mua máy bay chiến đấu F-16 và máy bay tuần thám chống ngầm P-3C của Mỹ.

Theo Sina, đối với Việt Nam, ý định tự sản xuất tàu ngầm không phải 1-2 năm nay mới có, đặc biệt khi tàu ngầm là "bảo bối" để cân bằng sức mạnh quân sự trong khu vực. Trang mạng này thừa nhận rằng, người Việt Nam cũng có rất nhiều phát minh sáng tạo.

Đề cập tới loại tàu ngầm mà Việt Nam cần có, Sina suy đoán rằng, Việt Nam cần loại tàu có lượng giãn nước dưới 2.000 tấn, dài dưới 100m, có thể phóng tên lửa chống hạm và ngư lôi chống hạm hạng nặng.

Tuy nhiên, mẫu tàu này vẫn cần có thời gian hoạt động dưới nước đủ lâu để tránh được sự tìm kiếm của lực lượng trên biển và trên không của đối phương. Vì vậy các mẫu tàu ngầm cỡ vừa và nhỏ, một lớp vỏ tương đối thích hợp với Việt Nam.

Báo Trung Quốc: Mỹ muốn giúp Việt Nam đóng tàu ngầm - Ảnh 1.
Tàu ngầm lớp Lada của Nga

Song Sina lưu ý rằng, những sản phẩm hiện nay trên thế giới không hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam.

Chỉ có tàu ngầm lớp Lada của Nga tương đối thích hợp nhưng quan trọng là, Việt Nam muốn thông qua việc mua dây chuyền sản xuất và dây chuyền sửa chữa tàu ngầm để nâng cao ngành công nghiệp đóng tàu trong nước, điều mà theo suy đoán của Sina thì Nga khó đáp ứng.

Có khả thi?

Tàu ngầm là vũ khí rất lý tưởng để lấy ít thắng nhiều nên được hải quân rất nhiều nước đón nhận và trở thành vũ khí chiến lược trọng yếu để kiềm chế, răn đe quốc gia đối địch.

Sina tiếp tục dẫn đánh giá từ RAND cho biết, công nghệ tàu ngầm của Mỹ là số 1 thế giới. Mỹ gần như có đầy đủ công nghệ hoàn chỉnh để nghiên cứu và đóng tàu ngầm động cơ diesel.

Chẳng hạn, công nghệ cần ăng-ten điện tử, công nghệ dò tìm thủy âm, hệ thống quản lý kiểm soát vũ khí... mà phần lớn tàu ngầm phi hạt nhân sử dụng đều có thể tìm thấy trên tàu ngầm hạt nhân.

Mặc dù tàu ngầm hạt nhân trang bị tương đối phức tạp nhưng Mỹ vẫn có thể nghiên cứu ra phiên bản đơn giản hóa rồi chuyển giao. Dù điều này có thể ảnh hưởng phần nào đến tính năng tàu ngầm nhưng vẫn đủ để tạo ra sức đe dọa.

Báo Trung Quốc: Mỹ muốn giúp Việt Nam đóng tàu ngầm - Ảnh 2.
Động cơ AIP chu trình đóng Stirling của Thụy Điển.

Theo Sina, Mỹ cũng sẽ không gặp nhiều trở ngại đối với một số công nghệ đặc biệt. Ví dụ, nước này chưa từng sản xuất động cơ AIP như trên tàu ngầm thông thường của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng do mối quan hệ với Thụy Điển rất tốt nên Washington sẽ không gặp khó khăn khi mua các động cơ liên quan.

Thậm chí, Mỹ không nhất thiết phải mua loại động cơ phức tạp như AIP mà có thể làm theo cách thức áp dụng trên tàu ngầm lớp Kilo hay lớp Sōryū thế hệ sau của Nhật, đó là sử dụng một loại pin mạnh hơn để thay thế.

Hiện tại, loại pin sử dụng trên các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cũng do nước này tự phát triển. Mặc dù chúng có năng lượng thấp và chưa chắc so sánh được với tính năng sản phẩm của Nga, Nhật nhưng Washington có thể mời các chuyên gia Nhật và Đức thiết kế.

Do đó, Mỹ sẽ không bị hạn chế vì thiếu kinh nghiệm mà thậm chí có thể thúc đẩy lĩnh vực này phát triển trong tương lai.

Những công nghệ trên cho thấy, mẫu tàu ngầm phi hạt nhân mà Mỹ muốn đóng đang hướng tới khách hàng tiềm năng là các đối thủ của Trung Quốc tại châu Á.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích cấp cao Timothy Heath của RAND lại có cách nhìn khác về kế hoạch đóng tàu ngầm động cơ thông thường của Mỹ.

Ông Heath cho rằng, không có nhiều khả năng Mỹ sẵn lòng chia sẻ công nghệ giảm thiểu tiếng ồn, cũng như công nghệ dò tìm thủy âm trên tàu ngầm hạt nhân với quốc gia khác. Bên cạnh đó, Washington cũng chưa đóng tàu ngầm phi hạt nhân nào trong hơn 50 năm qua

"Nếu bây giờ liên kết với nước khác để đóng tàu ngầm thì Mỹ không những sẽ tạo ra những chiếc tàu ngầm với giá thành đắt mà hiệu suất lại không cao", ông này nhận định.

Theo Khang Minh (Thegioitre.vn/Infonet.vn)