Thế giới

Báo Mỹ: H-6K Trung Quốc chỉ được dùng để dọa người

Dù được Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nặng nhưng theo đánh giá của Mỹ, máy bay H-6K chỉ được dùng vào mục đích dọa người chứ không thực sự mạnh.

Nhận định này được Tạp chí Business Insider đưa ra khi phi đội H-6K Trung Quốc đã gia tăng hoạt động bất thường trên Thái Bình Dương, đặc biệt là những lần áp sát đảo Guam khiến Mỹ nghi ngờ có thể đây là những cuộc diễn tập chuẩn bị cho cuộc tấn công vào hòn đảo của Mỹ từ phía Trung Quốc.

Theo tạp chí Mỹ, Trung Quốc thường dùng máy bay này để đe dọa hàng xóm, trong khi đó H-6K lại không được trọng dụng trong nước và đang tìm cách thay thế. Sự thiếu tin tưởng vào máy bay H-6K đã khiến quân đội Trung Quốc có kế hoạch sản xuất máy bay mới với tên gọi H-20.

Báo Mỹ: H-6K Trung Quốc chỉ được dùng để dọa người
Phi đội H-6K của Trung Quốc.

Business Insider cho biết, Trung Quốc đang có kế hoạch phát triển một loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa mới có thể tấn công các mục tiêu xa hơn trên Thái Bình Dương. Cụ thể, máy bay ném bom mới phải có khả năng tấn công được các mục tiêu xa tới "chuỗi đảo thứ hai".

"Chuỗi đảo thứ hai" bắt đầu từ quần đảo Kuril ở phía Bắc (Nhật Bản gọi là 4 hòn đảo phương bắc), đi qua lãnh thổ Nhật Bản, quần đảo Ogasawara, quần đảo Mariana, quần đảo Caroline cho đến Indonesia ở phía Nam.

Theo Quân đội Trung Quốc, máy bay ném bom chiến lược tầm xa là máy bay ném bom phải có hành trình tối thiểu trong tình hình không được tiếp tế nhiên liệu là 8.000 km, đồng thời có thể mang theo tải trọng trên 10 tấn đạn dược không đối đất.

Có một số nhà phân tích cho rằng, định nghĩa này phù hợp với một số chi tiết hiện có thể biết được của máy bay ném bom tàng hình cận âm H-20 tương lai của Trung Quốc, H-20 sẽ bắt đầu biên chế từ năm 2025.

Tuy nhiên, Business Insider cho biết thêm, những tiêu chí với máy bay tương lai của Trung Quốc hoàn toàn có trên chiếc H-6K (từng nhiều lần được Trung Quốc công bố). Điều đó chứng tỏ, những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh về oanh tạc cơ H-6K chỉ mang tính "hù dọa" người khác, tạp chí Mỹ nhấn mạnh.

Trung Quốc tuyên bố, sức mạnh tác chiến của H-6K là nó được trang bị tên lửa hành trình tầm xa Trường Kiếm-10 (CJ-10), đây là phiên bản phóng từ trên không của loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất CJ-10 và phiên bản phóng từ khu trục hạm là Đông Hải-10 (DH-10) được Trung Quốc ra mắt năm 2012.

Các giá treo vũ khí hai bên cánh H-6K có thể mang theo tới 6 quả, khoang đạn trong thân của nó cũng có thể mang thêm được 1 quả tên lửa hành trình CJ-10. Loại tên lửa này có tầm phóng khoảng 2000km với phương thức dẫn đường bằng vệ tinh, kết hợp với quán tính, có độ sai số mục tiêu khoảng 10m.

Nếu không mang theo tên lửa hành trình, H-6K có thể mang theo 20 quả bom điều khiển bằng vệ tinh hoặc laser loại 500kg, có khả năng tấn công chính xác. Với khả năng này, H-6K đã vượt qua một số loại máy bay tiêm kích bom chiến thuật của châu Âu, có khả năng chuyên chở 10 tấn vũ khí nhưng không mang được tên lửa hành trình tầm xa.

Cùng với tầm bay được mở rộng, loại tên lửa này sẽ giúp không quân Trung Quốc có khả năng tác chiến bao trùm cả Biển Đông và biển Hoa Đông. Với việc có thể mang theo tên lửa hành trình CJ-10, cự ly tấn công các mục tiêu chiến lược của H-6K đã đạt đến 5.000km.

Tạp chí Business Insider thận trọng khi cho rằng: "Tuy chưa thể tấn công tới khu vực bờ biển nước Mỹ nhưng nó đã thể hiện một bước tiến rõ rệt về phạm vi hoạt động, biến H-6K thành một đối thủ mà Mỹ không thể xem nhẹ".

Theo Đan Nguyên (Đất Việt)