Thế giới

Ba Lan thanh lý Mi-24, Việt Nam có nên mua khi được cấp tín dụng?

Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết sẽ sớm khởi động đối thoại kỹ thuật với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu, nhằm tìm ứng viên thay thế cho phi đội trực thăng Mi-24.

Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết sẽ sớm khởi động đối thoại kỹ thuật với các nhà sản xuất máy bay chiến đấu, nhằm tìm ứng viên thay thế cho phi đội trực thăng Mi-24.
Hiện nay có 4 công ty đã tham gia tranh tài để giành lấy hợp đồng trên, bao gồm Airbus Helicopters (với mẫu trực thăng EC-665 Tiger), Bell Helicopter (AH-1Z Cobra), Boeing (AH-64E Apache) và Công ty Công nghiệp Hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ TAI (T-129 ATAK).
 
Các cuộc đối thoại dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 26/10, với mỗi công ty kéo dài một tuần cho đến 26/11. Dựa trên các tài liệu liên quan được trình bày tại đây, Ba Lan sẽ “chọn mặt gửi vàng” và chốt giá cả cũng như số lượng máy bay đặt hàng.
 
Đây là động thái dễ hiểu của Ba Lan, khi họ đang nhanh chóng chuẩn hóa kho vũ khí trang bị từ hệ Liên Xô/Nga sang hệ NATO.
 

Trực thăng tấn công Mi-24 của Ba Lan

 
Lục quân Ba Lan đang sở hữu phi đội trực thăng tấn công Mi-24 gồm khoảng 40 chiếc, trong đó có 24 Mi-24D cùng 16 Mi-24W khá hiện đại.
 
Mặc dù chưa rõ tình trạng cụ thể của số Mi-24 trên ra sao nhưng Ba Lan cũng là quốc gia "giữ tốt dùng bền" vũ khí" có tiếng, bên cạnh đó họ còn tự sản xuất được nhiều phụ tùng thay thế thiết yếu.
 
Có thể tham chiếu sang số cường kích Su-22 của Ba Lan, sau 30 năm sử dụng chúng vẫn trong tình trạng tốt và có thể nâng cấp để sử dụng tiếp đến sau năm 2020.
 

Cường kích Su-22 của Ba Lan sau khi trải qua quá trình nâng cấp

 
Do hoàn cảnh lịch sử, Việt Nam và Ba Lan có mối quan hệ quốc phòng khá khăng khít, những năm gần đây chúng ta đã nhập khá nhiều vũ khí, khí tài quân sự có nguồn gốc từ Ba Lan.
 
Đáng chú ý là báo Thanh Niên dựa theo tài liệu nghiên cứu về nền quốc phòng Việt Nam của giáo sư Carlyle A. Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia ở thủ đô Canberra năm 2009 cho biết:
 
Vào năm 2005 Việt Nam được cho là đã mua 40 máy bay Su‐22M4 đã qua sử dụng từ Ba Lan.
 
Thương vụ đó được đánh giá là một “món hời” lớn đối với Việt Nam, vì số Su-22 của Ba Lan được chuyển giao trong tình trạng khá tốt, đi kèm cả phụ tùng thay thế mà chỉ có giá khoảng 3 triệu USD/chiếc.
 
Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến việc mua hụt 150 xe tăng T-72M1 hay mua số lượng nhỏ máy bay tuần tra M-28 Bryza và trực thăng W-3A Sokol.
 

Máy bay tuần tra M-28 Bryza của Việt Nam được Ba Lan cung cấp

 
Vào năm ngoái, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, ngài Tomasz Siemoniak, phía Ba Lan thông báo sẽ sớm triển khai gói tín dụng ưu đãi của chính phủ nước này cho Việt Nam và tăng cường các đoàn trao đổi quốc phòng trong thời gian tới.
 
Hiện nay Không quân Việt Nam đang không có trực thăng tấn công đúng nghĩa, kể từ khi Mi-24A được cho nghỉ hưu vì hết hạn sử dụng.
 
Những chiếc Mi-8/17 có gốc là trực thăng vận tải, mặc dù cũng có thể mang theo rocket để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh, nhưng do khá nặng nề và xoay trở chậm chạp, chúng tỏ ra không phải là người thay thế xứng đáng.
 
Số trực thăng UH-1 chiến lợi phẩm của Việt Nam hiện vẫn còn khoảng hơn chục chiếc, tuy rằng rất nhanh nhẹn nhưng tuổi đời đã rất xấp xỉ 50 năm lại đang bị tạm đình chỉ bay sau vụ tai nạn năm ngoái.
 
Do vậy, nếu được phía Ba Lan cấp tín dụng, Việt Nam có thể tính đến khả năng xem xét mua lại 12 - 16 chiếc Mi-24 còn tốt của bạn rồi mang qua Ukraine nâng cấp như số Su-22 trước kia, do đây là dòng Mi-24D tiềm năng hiện đại hóa còn rất lớn.
 
Nếu thương vụ thành công, đây sẽ là lực lượng yểm trợ hỏa lực quan trọng cho Bộ đội đổ bộ đường không mới được thành lập của Việt Nam.
 
>> Infographic: Trực thăng tấn công Mi-24 của Việt Nam
>> Nga bán trực thăng tiến công Mi-28 và Ka-52, cho VN cơ hội lớn?
 
Theo Tuấn Trung (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)