Thế giới

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa 5.000 km

Vụ thử diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể sau cuộc đối đầu hơn 70 ngày ở khu vực Himalaya hồi giữa năm ngoái.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố nước này vừa thử thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) tầm xa vào sáng 18/1. Tên lửa được phóng đi từ đảo Abdul Kalam ở ngoài khơi bang Odisha thuộc miền Đông Ấn Độ, theo Times of India.

Vụ thử diễn ra với tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Agni-V, được xem là ICBM tối tân nhất của quân đội Ấn Độ. Loại tên lửa này có thể vươn tới hầu hết địa phương phía bắc Trung Quốc với tầm bắn lên đến trên 5.000 km.

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa 5.000 km
Tên lửa Agni-V trong lễ diễu binh ngày Cộng hòa tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ năm 2013. Ảnh: Getty.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói vụ thử là "cú huých to lớn" đối với năng lực quốc phòng của nước này. Ấn Độ được cho là đang sở hữu khoảng 120 đến 130 đầu đạn hạt nhân, theo số liệu của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ.

Theo CNN, tên lửa Agni-V đã trải qua 5 cuộc thử nghiệm kể từ năm 2012 với lần gần nhất diễn ra vào tháng 12/2016. Vụ thử đó đã "chọc giận" hai đối thủ địa chính trị quan trọng nhất của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa 5.000 km - 1
Tầm bắn của một số tên lửa Agni. Đồ họa: CNN.

Quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh đã xấu đi đáng kể sau cuộc đối đầu tại khu vực ngã ba biên giới với Bhutan hồi giữa năm ngoái. Trung Quốc được cho là mở một tuyến đường có thể ảnh hưởng đến năng lực phòng thủ tại vùng "cổ gà", dải đất hẹp kết nối 8 bang Đông Bắc với trung tâm Ấn Độ.

Bộ Chỉ huy Lực lượng Chiến lược (SFC), đơn vị được Ấn Độ lập ra năm 2003 để quản lý kho vũ khí hạt nhân của nước này, nói sẽ tiến hành thêm một vài vụ thử nữa trước khi tên lửa Agni-V được đưa vào sản xuất với số lượng thích hợp.

Vụ thử lần này cũng diễn ra trong lúc Ấn Độ tổ chức sự kiện Đối thoại Raisina - hội thảo đa phương về các vấn đề địa chính trị và địa kinh tế. Tên lửa được phóng đi khi phiên thảo luận mang tên "Sự khó đoán của vũ khí hạt nhân: Quản lý khuôn khổ hạt nhân toàn cầu" đang diễn ra.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)