Thế giới

"Ác mộng kinh hoàng nhất của Hải quân Mỹ sắp thành hiện thực"

Các công nghệ mới sẽ giáng một đòn nặng nề vào khả năng "biến mất không dấu vết" của các tàu ngầm tàng hình Mỹ.

Các công nghệ mới sẽ giáng một đòn nặng nề vào khả năng "biến mất không dấu vết" của các tàu ngầm tàng hình Mỹ.

Tàu ngầm Mỹ sắp mất đi lợi thế tàng hình

 
Hãng tin Sputnik (Nga) cho hay, Giáo sư James Holmes tại trường Naval War College (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo này và gọi đây là ác mộng kinh hoàng nhất của Hải quân Mỹ.
 
Theo GS Holmes, các tàu ngầm nguyên tử tàng hình của Mỹ đã có một thời gian dài tận hưởng lợi thế "bất bại" giúp chúng không bị phát hiện dưới đại dương.
 
Tuy nhiên, một cuộc cách mạng công nghệ có vẻ sẽ vô hiệu hóa lợi thế này, từ đó làm suy yếu khả năng thực thi chính sách ngoại giao tham vọng của Mỹ ở các vùng biển xa.
 
GS Holmes dẫn lời ông Bryan Clark, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA), đồng thời là một cựu chỉ huy Hải quân Mỹ nhận định:
 
"Nếu các lực lượng Mỹ không thích ứng và đứng đầu cuộc đua tranh mới, thời đại thống trị dưới biển của Mỹ có thể sẽ đột ngột chấm dứt".
 
Gần 60 năm qua, các tàu ngầm tàng hình của Mỹ đã trở thành "kẻ thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực tác chiến dưới mặt nước, sự xuất hiện của hệ thống động cơ đẩy hạt nhân cho phép chúng hoạt động dưới mặt nước trong thời gian dài hơn.
 
Các lực lượng chống ngầm không còn có thể dựa vào radar hay thiết bị sóng vô tuyến để phát hiện những chiếc tàu ngầm thoắt ẩn thoắt hiện của Mỹ.
 
Song, một bước nhảy vọt mới về công nghệ sắp phá vỡ lợi thế này của Washington.
 
Công nghệ Big Data (dữ liệu lớn), dò tìm phi âm thanh và công nghệ điều khiển hỏa lực sẽ cho phép các phương tiện chống ngầm (ASW) của đối phương phát hiện dấu vết của tàu ngầm tàng hình Mỹ, chuyển hóa thông tin này thành dữ liệu theo dõi và định vị mục tiêu.
 
"Đó chắc chắn là một dự đoán đáng lo ngại. Sự thay đổi đột ngột thường gây ra những tổn hại nghiêm trọng trong các tổ chức lớn như các lực lượng hải quân. Khó mà đón đầu được" - GS Holmes thừa nhận.
 

Tàu ngầm lớp Virginia của Hải quân Mỹ

 
Tuy nhiên, cũng theo giáo sư Holmes, hoàn cảnh hiện nay của các tàu ngầm Mỹ vẫn chưa hoàn toàn vô vọng.
Hiện tại, lực lượng tàu ngầm Mỹ cần nghiên cứu cả mô hình phòng thủ chủ động và bị động. Có thể học theo lực lượng không quân hải quân, với các máy bay chiến đấu F-22 và F-35.
 
Những chiến đấu cơ này chủ yếu áp dụng các biện pháp đối phó chủ động như tác chiến điện tử thay vì dựa vào khả năng tàng hình.
 
"Các phi công hải quân lựa chọn cách đánh bại hoặc đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương, thay vì trốn tránh chúng" - GS Holmes nói.
 
Mặt khác, các phương tiện lặn không người lái (UUV) có thể tăng cường năng lực của tàu ngầm để đối phó với các biện pháp chống ngầm.
 
Trong khi đó, hệ thống ngư lôi mới và các tên lửa chống tàu Tomahawk "sẽ giúp khắc phục tình trạng mất cân bằng giữa tàu ngầm và các biện pháp chống tiếp cận".
 
Dù sao thì, các tàu ngầm tàng hình Mỹ sẽ không còn có thể biến mất khỏi tầm quan sát của đối phương mà không hề hấn gì.
 
Cũng theo GS Holmes, nhiều khả năng môi trường tác chiến dưới nước sẽ giống hơn với môi trường tác chiến trên không và trên bộ.
 
Các tàu ngầm sẽ không còn đặc biệt như trước. Chúng cũng sẽ không còn hoạt động một mình như khi được triển khai thực hiện các nhiệm vụ lớn trong những chiến dịch độc lập.
 
Theo Vy Lam (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)