Thế giới

5 khinh tốc đỉnh nhanh nhất của Hải quân Việt Nam

Được thiết kế đặc trưng cho chiến thuật "Hit and run", do đó dễ hiểu vì sao 5 lớp tàu tấn công nhanh dưới đây của Hải quân Việt Nam lại có tốc độ vượt trội.

Được thiết kế đặc trưng cho chiến thuật "Hit and run", do đó dễ hiểu vì sao 5 lớp tàu tấn công nhanh dưới đây của Hải quân Việt Nam lại có tốc độ vượt trội.
1. Tàu phóng lôi Shershen
 

Tàu phóng lôi lớp Shershen của Hải quân Việt Nam

 
Shershen là định danh của NATO dành cho loại tàu phóng lôi hạng nhẹ lớp T-3 do Liên Xô nghiên cứu và sản xuất vào thập niên 1960. Tên thiết kế của tàu là Dự án 206 Shtorm (Project 206 Shtorm).
 
Tàu có lượng giãn nước đầy tải 172 tấn; chiều dài 34,08 m; chiều rộng 6,72 m; mớn nước 1,46 m; được trang bị 3 động cơ diesel M-503A 3 trục công suất 12.500 mã lực, cho tốc độ tối đa 45 hải lý/h.
 
Vũ khí trang bị của Shershen gồm 2 pháo AK-230 cỡ 30 mm có tốc độ bắn 2.000 phát/phút, dùng để chống lại các mục tiêu trên không và tàu xuồng cỡ nhỏ. Tuy nhiên trên tàu Việt Nam, pháo AK-230 đã bị thay thế bằng pháo 25 mm 110-PM nòng đôi điều khiển thủ công.
 
Sức mạnh của Shershen nằm ở 4 ngư lôi chống tàu mặt nước hạng nặng 53-56 cỡ 533 mm, có thể đánh chìm chiến hạm cỡ lớn chỉ với duy nhất một phát bắn. Bên cạnh đó là 4 tên lửa phòng không vác vai SA-N-5 (phiên bản hải quân của SA-7) có tầm bắn 4,2 km.
 
Việt Nam đã được Liên Xô chuyển giao tổng cộng 16 tàu phóng lôi lớp Shershen trong gian đoạn 1973 - 1980.
Hiện tại chỉ còn 4 chiếc đang hoạt động trong biên chế Hải quân Việt Nam, 4 chiếc được hoán cải để chuyển giao cho Cảnh sát biển mang số hiệu từ 5011 đến 5014 và 8 chiếc đã ngừng hoạt động trong khoảng thời gian 2000 - 2006.
 
2. Tàu tên lửa tấn công nhanh Osa
 

Tàu tên lửa tấn công nhanh Osa II của Hải quân Việt Nam

 
Osa là lớp tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa của Hải quân Liên Xô, được bắt đầu nghiên cứu phát triển từ đầu những năm 1960 để thay thế cho loại tàu tên lửa kiểu cũ lớp Komar.
 
Hải quân Liên Xô định danh chính thức cho lớp tàu này là Dự án 205 “Sóng thần”. Osa - “Ong vò vẽ” trong tiếng Nga là biệt danh mà NATO dùng để miêu tả sự nhỏ bé nhưng cực kỳ nguy hiểm của loại tàu cao tốc mang tên lửa này.
 
Osa có lượng giãn nước đầy tải 235 tấn; chiều dài 38,6 m; chiều rộng 7,64 m; mớn nước 1,73 m; được trang bị 3 động cơ diesel M-504B 3 trục công suất 15.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 42 hải lý/h.
 
Vũ khí chính của Osa II là 4 tên lửa đối hạm P-15 Termit, tốc độ cận âm, tầm bắn 85 km, mang đầu đạn xuyên thép nặng 454 kg. Khả năng phòng thủ nằm ở 2 ụ pháo AK-230 đặt trước và sau tàu, tiếp đó là bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp 9K32 Strela (SA-N-5).
 
Theo SIPRI, Việt Nam nhận được từ Liên Xô 8 tàu Osa II (Dự án 205U) đã qua sử dụng vào giai đoạn 1979 - 1981. Hiện nay cả 8 tàu vẫn đang hoạt động.
 
3. Tàu phóng lôi Turya
 

Tàu phóng lôi lớp Turya của Hải quân Việt Nam

 
Turya Dự án 206M chính là bản nâng cấp của tàu phóng lôi Dự án 206 lớp Shershen, tương tự như người tiền nhiệm, chúng chủ yếu làm nhiệm vụ hộ tống và tác chiến ven bờ.
 
So với Shershen thì Turya có kích thước lớn hơn với lượng giãn nước đầy tải 250 tấn; chiều dài 39,6 m; chiều rộng 7,6 m; mớn nước 4 m; được trang bị 3 động cơ diesel M-503B2 công suất 15.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 40 hải lý/h.
 
Vũ khí trang bị của Turya tương tự Shershen với 4 ống phóng ngư lôi 53-56 cỡ 533 mm, 1 pháo 25 mm nòng đôi 110-PM bố trí phía trước và điểm khác biệt lớn nhất là được bổ sung pháo tự động AK-257 cỡ 57 mm phía sau.
 
Việt Nam được Liên Xô viện trợ 5 tàu phóng lôi Turya trong giai đoạn 1984 - 1986 và hiện nay tất cả vẫn còn hoạt động.
 
4. Tàu tên lửa tấn công nhanh Tarantul 1241.RE/ Molniya 1241.8
 

Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya Dự án 1241.8 của Hải quân Việt Nam

 
Hải quân Việt Nam bắt đầu đặt mua tàu hộ vệ tên lửa hiện đại lớp Tarantul 1241.RE từ năm 1996, 4 tàu đã được chuyển giao vào đầu những năm 2000. Sau đó đến năm 2007, Việt Nam nhận 2 chiếc Molniya 1241.8 đầu tiên.
 
Hiện nay chúng ta đang đóng trong nước 6 tàu Molniya 1241.8 theo giấy phép của Nga, dự kiến đến sang năm 2016, Việt Nam sẽ có tổng cộng 12 tàu hộ vệ tên lửa Taraltul/Molniya hiện đại.
 
Tarantul/Molniya có lượng giãn nước đầy tải 540 - 560 tấn; chiều dài 56,0 m; chiều rộng 10,5 m; mớn nước 2,5 m; vận tốc tối đa 38 hải lý/h nhờ 2 động cơ CODAG (kết hợp turbine khí và diesel) có tổng công suất 22.000 mã lực.
 
Vũ khí chủ lực của tàu là 4 tên lửa hành trình đối hạm P-15M Termit (Tarantul 1241.RE) có tầm bắn 85 km hoặc 3M24 Uran-E tầm bắn 130 km (Molniya 1241.8).
 
Bên cạnh đó là 1 pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm tốc độ bắn 120 phát/phút, 2 pháo phòng không cao tốc AK-630M cỡ 30 mm tốc độ bắn 5.000 phát/phút và 4 tên lửa phòng không tầm thấp SA-N-10 sẵn sàng phóng.
 
5. Tàu pháo tuần tra TT-400TP
 

Tàu pháo TT-400TP số hiệu HQ-272 trong lễ bàn giao

 
TT-400TP là lớp tàu pháo tuần tra hiện đại do Công ty đóng tàu Hồng Hà tự sản xuất dựa trên thiết kế sơ bộ mua của nước ngoài. Chiếc đầu tiên mang số hiệu HQ-272 khởi đóng ngày 22/4/2009 và bàn giao cho Quân chủng Hải quân ngày 16/12012.
 
Tàu có 4 nhiệm vụ: tiêu diệt tất cả tàu chiến đổ bộ và tàu hộ tống của địch; bảo vệ căn cứ các đội tàu đổ bộ và đội tàu hộ tống ở vùng hoạt động của các lực lượng và tàu phục vụ các lực lượng rà quét mìn; bảo vệ tàu dân sự trên biển và trinh sát chiến thuật cảnh giới mặt nước.
 
TT-400TP có lượng giãn nước đầy tải 480 tấn; chiều dài 54,16 m; chiều rộng 9,16 m; mớn nước 2,7 m; tốc độ tối đa 32 hải lý/h; tầm hoạt động 2.500 hải lý; thời gian hoạt động liên tục trên biển tới 30 ngày.
 
Vũ khí của tàu gồm 1 pháo hạm AK-176M cỡ 76,2 mm, 1 pháo phòng không cao tốc AK-630M cỡ 30 mm, 2 súng máy hạng nặng KPV cỡ 14,5 mm và 4 tên lửa phòng không vác vai SA-N-10.
 
Hiện tại, Hải quân Việt Nam đã có trong biên chế 5 chiếc TT-400TP, đây là lớp tàu pháo tuần tra có tiềm năng xuất khẩu rất cao.
 
>> 5 tiêm kích nhanh nhất của Không quân Việt Nam
>> 5 "người khổng lồ" của Không quân Việt Nam
 
Theo Bạch Dương (Dailo.vn)