Thế giới

4 mẫu súng bộ binh làm thay đổi chiến trường thế kỷ 20

StG-44 hay AK-47 là những vũ khí rất khác biệt so với mẫu tiền nhiệm, giúp quân đội sở hữu chúng chiếm ưu thế đáng kể trên chiến trường.

4 mẫu súng bộ binh làm thay đổi chiến trường thế kỷ 20
Nhà thiết kế Kalashnikov cầm mẫu AK nguyên bản. Ảnh: AP.

Dù không có uy lực lớn bằng bom hạt nhân, máy bay hay xe thiết giáp, súng trường bộ binh và súng máy đã khiến nhiều người thiệt mạng hơn bất cứ loại vũ khí nào khác trong thế kỷ 20. Một số loại súng đã góp phần cách mạng hóa hình thức tác chiến bộ binh và vẫn chứng tỏ khả năng sát thương trên chiến trường hiện nay, theo Task and Purpose.

Sturmgewehr 44

Trong Thế chiến II, Đức là nước đầu tiên nhận ra giá trị của loại vũ khí nhỏ hơn súng trường cỡ lớn, có thể bắn đạn nhẹ ở chế độ tự động. Trong quá trình đối đầu với Hồng quân Liên Xô ở Mặt trận phía Đông, quân Đức nhận thấy cần có một loại súng trang bị hộp tiếp đạn lớn và có tốc độ bắn nhanh hơn súng trường Mauser K98k, nhưng sử dụng đạn uy lực hơn mẫu 9x19 mm của tiểu liên MP-40.

Kết quả là thiết kế MP-44 ra đời với hộp tiếp đạn 30 viên 7,92x33 mm. Súng này có thể khai hỏa ở chế độ bán tự động hoặc hoàn toàn tự động với tốc độ tối đa 600 phát/phút. MP-44 có vẻ ngoài giống súng trường, sử dụng hộp tiếp đạn lớn và cong, báng rút ngắn so với súng trường truyền thống và có cả tay cầm.

Trong quá trình phát triển, MP-44 được coi là một thiết kế hoàn toàn mới, không giống súng trường nòng ngắn hay tiểu liên. Tới năm 1944, nó được định danh là Sturmgewehr 44 (StG-44), trở thành mẫu súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới. Dù ra đời quá muộn và không thể thay đổi kết cục Thế chiến II, StG-44 đã thực sự làm thay đổi ngành thiết kế súng trường của thế giới.

Súng trường tự động Kalashnikov (AK)

Sự xuất hiện của StG-44 thôi thúc quân đội Liên Xô phát triển một loại súng trường tấn công cho riêng mình. Sau khi bị thương ở trận Bryansk, trung sĩ xe tăng Mikhail Kalashnikov đã chuyển hướng sang lĩnh vực thiết kế vũ khí và cho ra mắt một mẫu súng trường tấn công hoàn toàn mới.

Giống khẩu StG-44, mẫu súng mới của Kalashnikov sử dụng đạn 7,62x39 mm, nhỏ hơn mẫu 7,62x54 mm của súng trường chiến đấu, trang bị hộp tiếp đạn 30 viên. Vũ khí này được đưa vào biên chế của quân đội Liên Xô năm 1947 với định danh AK - súng trường tự động Kalashnikov.

Dù không phải là súng trường tấn công đầu tiên trên thế giới, AK-47 lại là vũ khí có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Loại đạn 7,62x39 mm giúp xạ thủ dễ kiểm soát súng ở chế độ bắn tự động. Thiết kế đơn giản, sử dụng những chi tiết dễ sản xuất cho phép những quốc gia có nền công nghiệp kém phát triển cũng có thể chế tạo các biến thể AK của riêng mình.

Thiết kế đơn giản và độ tin cậy cao khiến AK trở thành vũ khí ưa chuộng khắp thế giới với số lượng hơn 100 triệu khẩu được sử dụng. Quân đội Nga vẫn biên chế các biến thể đời sau như AK-74M hay AK-12, dựa trên mẫu súng nguyên bản ra đời từ năm 1947.

Súng máy tự động MG 34/42

MG 34 là súng máy hạng nhẹ sử dụng dây tiếp đạn đầu tiên trên thế giới, được nhà thiết kế Mauser phát triển để tái vũ trang cho quân đội Đức trong thập niên 1930.

Do quân đội Đức thời đó bị giới hạn quy mô, súng máy MG 34 được sản xuất với số lượng tương đối nhỏ, cho phép các nhà máy hiệu chỉnh độ chính xác của súng tới mức tối đa. Kết quả là MG 34 được chế tạo tỉ mỉ như một chiếc đồng hồ, mỗi khẩu mất hơn 100 giờ công để sản xuất.

4 mẫu súng bộ binh làm thay đổi chiến trường thế kỷ 20 - 1
Tổ hỏa lực Đức trang bị súng máy MG 34. Ảnh: Wikipedia.

MG 34 có một số đặc điểm được coi là cuộc cách mạng trong súng máy, như có nòng dự trữ để nhanh chóng thay thế trong chiến đấu, dễ tháo lắp để vệ sinh và sửa chữa, làm mát bằng không khí để giảm khối lượng và có tốc độ khai hỏa 800-900 phát/phút.

Súng MG 34 sử dụng dây đạn 50 viên, binh sĩ có thể nối các dây đạn với nhau để tạo thành một dây 250 viên, hay sử dụng hộp tiếp đạn hình trống chứa 50 viên hoặc 750 viên. MG 34 chỉ nặng gần 12 kg so với mức 20 kg của mẫu MG 08 mà nó thay thế.

Mỗi tiểu đội bộ binh Đức được trang bị một khẩu MG 34 để chế áp hỏa lực khi tấn công hoặc tăng cường phòng thủ. Phe Đồng minh không sở hữu vũ khí cấp tiểu đội nào có uy lực tương đương MG 34.

Tuy nhiên, do MG 34 có giá thành khá đắt đỏ và mất nhiều thời gian sản xuất, quân đội Đức muốn sở hữu loại súng bắn nhanh như MG 34, nhưng dễ chế tạo với chi phí rẻ hơn. Biến thể MG 42 ra đời để đáp ứng yêu cầu này, sử dụng đạn 7,92 mm với dây đạn 50 hoặc 250 viên. Loại súng này sử dụng các bộ phận thép dập và hàn với nhau theo kỹ thuật mới, giúp giảm 35% thời gian sản xuất.

MG 42 có tầm bắn hiệu quả lên tới 700 m. Một kíp xạ thủ có thể thay nòng của nó trong tích tắc. Nhiều sử gia quân sự cho rằng MG 42 là khẩu súng máy đa năng tốt nhất từng được chế tạo. Một số biến thể có tốc độ bắn lên tới 1.800 phát/phút, gấp gần hai lần so với các súng tự động của mọi quân đội ở thời điểm đó.

M1 Garand

M1 Garand là súng trường bán tự động đầu tiên trên thế giới trang bị cho cấp tiểu đội bộ binh, sử dụng đạn cỡ 7,62x63 mm với hộp tiếp đạn 8 viên lắp ở phía trên thân súng. Khi hết đạn, hộp tiếp đạn tự động bị hất ra. M1 Garand áp dụng hệ thống trích khí dài tương tự súng AK của Liên Xô sau này.

4 mẫu súng bộ binh làm thay đổi chiến trường thế kỷ 20 - 2
Súng M1 Garand với băng đạn 8 viên. Ảnh: Wikipedia.

Súng trường M1 Garand giúp lính Mỹ sở hữu ưu thế hỏa lực trong các trận đánh giáp lá cà với phe Trục. Một tiểu đội bộ binh Mỹ có thể bắn ra 80 viên đạn trước khi phải nạp đạn, trong khi lính Đức và Nhật chỉ có thể chạm mức 50 viên. Ưu thế này giúp lính Mỹ có lợi thế tác chiến và nâng cao tinh thần trong chiến đấu.

Theo Duy Sơn (VnExpress.net)