Pháp luật

Xử lý hình sự vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018

Các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018 của VTV có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xử lý hình sự vi phạm bản quyền truyền thông World Cup 2018

Mới đây, Đài truyền hình Việt Nam đã có công văn gửi Bộ TTTT xin chỉ đạo về việc phối hợp, hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm quy định của FIFA về bản quyền World Cup 2018. Bởi lẽ, chỉ trong 3 ngày từ khi World Cup 2018 khai mạc, VTV đã phát hiện hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng giải đấu này trên hệ thống Internet.

Theo LS Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, việc VTV giám sát vấn đề bản quyền World Cup 2018 một cách chặt chẽ là điều có thể hiểu được khi đơn vị này phải chi một khoản tiền lớn để mua bản quyền.

Theo khoản 1, Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm điện ảnh, các chương trình truyền hình, phim nói chung và Chương trình phát sóng World Cup 2018 nói riêng… là đối tượng bảo hộ về bản quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.

Có 4 hành vi được cho là vi phạm bản quyền World Cup theo quy định của FIFA là: Đài truyền hình địa phương, truyền hình trả tiền tiếp sóng các chương trình truyền hình World Cup 2018 của VTV mà không được sự đồng ý của FIFA và VTV; Các website, các ứng dụng dùng để truyền dẫn các chương trình đó bất chấp tiếp sóng VTV hay sóng của đài truyền hình nào đó tiếp sóng của VTV; Các ứng dụng OTT, nhà mạng truyền dẫn phát sóng các trận đấu trên mạng di động mà chưa có sự đồng ý của VTV và FIFA; Website, báo điện tử trích dẫn các trận đấu, cắt các clip bàn thắng đăng tải…

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, tùy theo mức độ vi phạm, các đơn vị, cá nhân vi phạm bản quyền có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải bồi thường thiệt hại và bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như dỡ bỏ bản sao chương trình phát sóng, hoàn trả cho chủ sở hữu quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm”.

Từ trước đến nay, không hiếm các trường hợp một khán giả bất kì “cao hứng”... livestream trận đấu bóng đá đang phát trên các kênh truyền hình lên trên các trang mạng xã hội. Đặt trong bối cảnh mùa World Cup thì đây là hành động vi phạm bản quyền làm tín hiệu chương trình từ Việt Nam bị tràn sang nước ngoài, khi đó FIFA có toàn quyền dừng sóng bất cứ lúc nào. Bởi vậy, những người yêu bóng đá cũng nên nâng cao ý thức về vấn đề xem có trách nhiệm để tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ.

Còn việc trình chiếu các trận đấu ở nơi công cộng, quán cafe thì VTV không có quyền cấp phép mà việc này thuộc quyền của FIFA vì khi ký hợp đồng cung cấp bản quyền với VTV, FIFA đã giữ lại quyền cho phép trình chiếu các trận đấu của World Cup 2018 tại các địa điểm công cộng. Tuy nhiên, việc VTV thông báo về vấn đề bản quyền chỉ 1 ngày trước trận khai mạc World Cup 2018 đặt các bên liên quan, nhất là những tụ điểm cafe bóng đá trước những thách thức không nhỏ, và gây khó khăn cho những đơn vị muốn xin phép và việc chấp nhận hoặc không chấp nhận.

Theo Thiên Bình (Lao Động)