Pháp luật

Vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn: Một là làm theo hai là nghỉ việc?

Luật sư cho rằng, bị cáo Hân thiếu hiểu biết pháp luật, non trẻ về các nhận thức của xã hội nên mức độ sai phạm cần được đánh giá đúng bản chất trong hoàn cảnh cụ thể.

Sáng 25/5, phiên xử bà Hứa Thị Phấn, cựu cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín cùng đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các luật sư.

Luật sư Chu Thị Trang Vân, tham gia vào chữa cho bị cáo Trần Điền Ngọc Hân, bị Viện kiểm sát (VKS) truy tố về Tội cố ý làm trái, có hành vi thực hiện yêu cầu của kiểm soát kế toán, ký tổng cộng 23 chứng từ thu khống 988 tỷ đồng với vai trò thủ quỹ, nhận định bị cáo giữ vai trò giúp sức cho bị cáo Phấn.

Luật sư Vân cho rằng, bị cáo Hân được tuyển dụng vào làm việc tại Ngân hàng Đại Tín CN Sài Gòn từ tháng 2/2009 trên cơ sở hợp đồng lao động, công việc là kiểm ngân. Theo đó, tham gia kiểm đếm tiền, phân biệt tiền thật giả, bó tiền, cột tiền… giúp cho bộ phận ngân quỹ.

Vụ xét xử bà Hứa Thị Phấn: Một là làm theo hai là nghỉ việc?
Luật sư Trang Vân, bào chữa cho bị cáo Hân tại tòa - Ảnh: Huyền Trâm.

Luật sư  nêu, tại thời điểm được tuyển dụng đó, bị cáo Hân mới 19 tuổi, vừa tốt nghiệp PTTH và chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trong công việc, hoàn toàn không có kiến thức chuyên môn, không biết gì về vấn đề tài chính, tín dụng, thị trường tiền tệ... Trong hợp đồng lao động cũng có điều khoản xác định, ngoài công việc được tuyển dụng, bị cáo Hân cũng phải chấp hành sự điều động công việc của người sử dụng lao động.

Trong quá trình làm việc tại CN Sài Gòn, bị cáo Hân không được tham gia đào tạo và qua một khóa tập huấn nghiệp vụ chính thức nào từ Ngân hàng Đại Tín mà hoàn toàn theo sự cầm tay chỉ việc của lãnh đạo và từ những người làm trước. Những công việc hằng ngày của bị cáo Hân được chỉ dẫn theo tính chất thị phạm từ các lãnh đạo trực tiếp hoặc từ đồng nghiệp khác…

Bản thân bị cáo Hân cũng không biết và không tiếp xúc với chủ doanh nghiệp mà chỉ thực hiện công việc theo hướng dẫn về nghiệp vụ kiểm ngân từ cấp trên trực tiếp tại bộ phận là bà Ngô Thị Ấm, Trưởng phòng Ngân quỹ và Ngô Thị Ngân, Thủ quỹ chính.

Việc hạch toán kế toán thu chi cấn trừ bị cáo Hân cũng hoàn toàn là được yêu cầu và hướng dẫn của kiểm soát kế toán là Vũ Thị Như Thảo, Trưởng phòng kế toán, Huỳnh Thị Băng Tâm, Phó trưởng phòng kế toán, Lâm Kim Thu, Phó trưởng phòng kế toán. Bị cáo Hân thời điểm đó chỉ nghĩ việc thu chi cấn trừ trên không làm chênh lệch tiền mặt tiền mặt trên sổ sách và tiền mặt thực tế, lại được hướng dẫn nên mới làm như trên.

“Trong quá trình làm việc, bị cáo Hân cũng được nhắc nhở là đối với khách hàng VIP thì chỉ cần làm theo hướng dẫn của lãnh đạo và yêu cầu của khách hàng sao cho cuối ngày quỹ tiền mặt không mất tiền là “em hết trách nhiệm” (Bút lục 54010, 54018)”, luật sư Vân cho biết.

Luật sư cũng nêu, về mặt nhận thức, do Ngân không có kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật, nhưng lại phân công làm việc trong một môi trường cần có kiến thức và nghiệp vụ chuyên môn sâu nên không thể phân biệt được đúng sai, do đó bị cáo thực hiện công việc mà không biết mình bị vi phạm pháp luật là điều dễ hiểu.

Theo luật sư, phương pháp hạch toán cấn trừ mà hội đồng xét xử (HĐXX) đang xem xét trong vụ án này mà bị coi là “khống” thì đối với bị cáo Hân đó là một cách thức làm việc của ngân hàng mà bị cáo được đào tạo mang tính nội bộ. Bản thân bị cáo cũng không thấy được thất thoát gì vì cuối ngày bị cáo kiểm đếm quỹ tiền mà mình quản lý khớp với chứng từ thu chi, có nghĩa là công việc của ngày hoàn thành. Hôm sau lại bắt đầu ngày làm việc mới.

“Cách làm đó là một lề lối, quy trình làm việc mà trong đó bị cáo Hân là một mắt xích, nó diễn ra hàng ngày, bị cáo nhìn thấy mọi người làm, từ lãnh đạo đến đồng nghiệp và cả guồng máy làm nên cũng nghĩ là không có vấn đề gì, không biết mình sai phạm”, luật sư Vân cho biết.

Về con số thiệt  hại 988 tỷ đồng, luật sư cho rằng con số này ít nhiều mang tính may, rủi. Các con số đối với các bị cáo khác trong vụ án là vấn đề rất quan trọng và mang nhiều ý nghĩa, nhưng đối với bị cáo Hân thì khi mà bị cáo không nhận thức sai phạm của mình lúc đó thì việc Hân ký 500 tỷ đồng hay 900 tỷ đồng không nằm trong tiềm thức của bị cáo, vì công việc hằng ngày Hân tham gia ký chứng từ theo một lề lối như vậy diễn ra mà bản thân bị cáo không bao giờ thấy trước được là việc mình ký như vậy có thể sẽ là thiệt hại của ngân hàng.

Luật sư cho rằng, bị cáo Hân thiếu hiểu biết pháp luật, non trẻ về các nhận thức của xã hội nên mức độ sai phạm cần được đánh giá đúng bản chất trong hoàn cảnh cụ thể.

Về vai trò đồng phạm, luật sư nêu, Ngân vì là một nhân viên lao động làm công việc kiểm ngân, làm công ăn lương, theo sự chỉ đạo của những cá nhân khác là cấp trên hoặc có trách nhiệm, hoàn toàn với thái độ, ý thức chủ quan thụ động, chấp hành. Nếu không phải là bị cáo Hân ở vị trí công việc ấy mà là một cá nhân làm công ăn lương khác thì luật sư cho rằng cũng sẽ có hành vi như bị cáo Hân đã thực hiện và không có lựa chọn khác. Bởi hoặc là làm việc theo quy trình chung của cơ quan, hoặc là nghỉ việc.

Luật sư Vân cũng nêu, hiện nay bị cáo Hân đang mang thai được 16 tuần tuổi. Sau 3 ngày xét xử đầu bị cáo Hân bị thai yếu và có nguy cơ xảy thai, phải cấp cứu nằm bệnh viện Từ Dũ và được HĐXX cho xét xử vắng mặt. Bị cáo Hân đã có một con trai 4 tuổi nhưng mắc bệnh tim bẩm sinh đã có can thiệp ngoại khoa.

Luật sư mong HĐXX xem xét và quyết định cho bị cáo Hân một hình phạt phù hợp, không buộc bị cáo Hân phải chịu một hình phạt tước tự do, chấp thuận để bị cáo được hưởng án treo như đề xuất của VKS hoặc chuyển sang một loại hình phạt nhẹ hơn là cải tạo không giam giữ, để bị cáo Hân có điều kiện ở ngoài xã hội thực hiện thiên chức làm mẹ, cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Theo Huyền Trâm (Bizlive.vn)