Pháp luật

Vụ tạt axit lực lượng cưỡng chế: Tạm giữ 7 người

Theo UBND huyện Thạnh Hóa (Long An), ba hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng, UBND huyện đã hỗ trợ tháo dỡ nhà, nhưng sau đó ba hộ bị xúi giục nên chiếm lại đất.

Theo UBND huyện Thạnh Hóa (Long An), ba hộ dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng, UBND huyện đã hỗ trợ tháo dỡ nhà, nhưng sau đó ba hộ bị xúi giục nên chiếm lại đất.
Chiều 15-4, UBND huyện Thạnh Hóa, Long An đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về vụ cưỡng chế làm nhiều người bị thương vào ngày 14-4.
 
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tạo - chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - cho biết UBND huyện Thạnh Hóa được giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án này từ 2007. Dự án cũng bao gồm hạng mục Đê bao đoạn 1 (cặp kênh Dương Văn Dương - sông Vàm Cỏ Tây) do Ban quản lý dự án thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Long An làm chủ đầu tư, có chiều dài 500m, với tổng diện tích thu hồi 11.427,2 m2 để làm dự án. Có 109 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng từ dự án.
 

Khu vực cưỡng chế đã được cơ quan chức năng rào lại để chuẩn bị thi công đê bao - Ảnh: Sơn Lâm

Đến khoảng giữ năm 2012, 106 hộ trong số này đã bàn giao mặt bằng cho nhà nước, chỉ còn 3 hộ gia đình ông Nguyễn Trung Can, ông Nguyễn Trung Tài và bà Nguyễn Thị Nhanh là không chấp nhận thỏa thuận đền bù giải tỏa.

Ngày 13-4, Ban thực hiện cưỡng chế đã ban hành thông báo cưỡng chế (vào lúc 9g ngày 14-4) đến ba hộ dân trên.

Kể lại diễn biến quá trình cưỡng chế, ông Tạo cho biết vào sáng 14-4, nhiều ngươi thân trong gia đình ba hộ trên đã tập trung đông đủ quanh khu vực cưỡng chế, cố thủ bằng cách dùng loa tay la hét, chửi bới, chuẩn bị sẵn axit, dao, kéo….

Đúng 9g, đoàn cưỡng chế phân công Tổ vận động tiếp cận để vận động các thành viên trong ba hộ dân trước. Theo ông Tạo, dù lúc đó mới chỉ vận động nhưng những người dân trong ba hộ trên đã chủ động tấn công vào lực lượng cưỡng chế.

“Họ để bình ga trong một cái lu rồi cho xăng vào đốt. Lửa bốc cháy cả nhà ông Can, nhưng lực lượng phòng cháy đã nhanh chóng xử lý để bình ga không phát nổ. Rồi họ hắt  axit đã chuẩn bị sẵn vào đoàn cưỡng chế, làm anh Nguyễn Văn Thủy - trưởng công an xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa - bị bỏng. Hai cán bộ công an khác cũng bị họ dùng dao tấn công làm chấn thương phần mềm ở vai, tay. Lực lượng cưỡng chế đã phải khống chế 14 người đưa về trụ sở Công an huyện”, ông Tạo kể.

Sau khi khống chế những người quá kích động, đoàn công tác tiếp tục thực hiện việc cưỡng chế.

Sau cuộc họp liên ngành giữa công an, viện kiểm sát và tòa án huyện, cơ quan chức năng trước mắt tạm giữ 7 người để điều tra tội chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Những người còn lại bị buộc làm cam kết rồi cho về.

Bị xúi giục

Theo báo cáo của UBND huyện Thạnh Hóa, diện tích đất bị thu hồi của ông Can là 75,5m2, ông Tài là 65,3m2 và bà Nhanh là 46,5m2. Từ năm 2009, Ban vận động giải tỏa mặt bằng của dự án này đã đến từng nhà để vận động. Đến tháng 4-2011, ba hộ dân trên đã đồng ý bàn giao mặt bằng và UBND huyện đã hỗ trợ lực lượng tháo dỡ nhà cùng các tài sản khác bàn giao mặt bằng.

Tuy nhiên, theo ông Tạo, 3 hộ này sau đó đã bị các đối tượng xấu xúi giục nên đã chiếm lại đất ngay trên phần đất cũ bị thu hồi để dựng lều, nhà để ở.

“Nguyên nhân chủ yếu là do họ không đồng ý với mức giá bồi thường, ban đầu là 80 ngàn đồng/m2. Sau đó, UBND tỉnh Long An đã nâng mức giá lên 300 ngàn đồng/m2, đúng mức giá đền bù của nhà nước theo từng giai đoạn đã được quy định nhưng họ cũng không chịu. Đồng thời họ cũng cho rằng diện tích mà các bản đồ trích đo là không chích xác và không đủ diện tích đất thực của họ. Chúng tôi đã vận động, giải thích rõ nhiều lần họ vẫn không chịu. Họ đã ở trên diện tích đất ấy mấy chục năm nhưng do khu vực trên là đất công nên cả ba hộ dân đều chưa có giấy chủ quyền”, ông tạo nói. 

Ông Tạo còn cho biết, tuy cả ba hộ dân trên không thống nhất chọn phương án tái định cư nhưng huyện cũng ban hành quyết định giao nền tái định cư cho cả 3 hộ. Cả 3 hộ không nhận.

Suốt quá trình từ năm 2009 đến nay, ông Can đã có 5 lần khiếu nại, ông Tài có 3 lần khiếu nại và bà Nhanh có 1 lần khiếu nại, UBND huyện đều giải quyết theo đúng quy định.

Được biết đây cũng đã là lần thứ 3 UBND huyện ra quyết định cưỡng chế đối với ba hộ dân trên. “Hai lần trước, họ phản đối dữ, ban công tác đến để vận động cưỡng chế nhưng thấy chưa phù hợp nên phải trở về”, ông Tạo nói.
 
>> Bị kiểm tra, tài xế nằm "ăn vạ" dưới gầm xe cứu hộ 
>> Ôm bom xăng “cố thủ” trong nhà đang bị cưỡng chế

Theo Sơn Lâm (Tuổi Trẻ)