Pháp luật

Vụ tài xế 'đánh lái' cứu người: Hai cô gái có thể bị xử lý thế nào?

“Nếu cơ quan chức năng xác định thiệt hại của hai chiếc ô tô bị xe tải đâm hư hại do lỗi toàn bộ xuất phát từ hai cô gái kia thì chính họ sẽ phải đền bù tất cả và sẽ đối mặt với việc bị xử lý hình sự và dân sự” – Trưởng VP Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết.

Ngày 2.4, liên quan đến trách nhiệm của hai cô gái trong vụ tài xế đánh lái “cứu” người ở Hải Phòng. Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Nếu cơ quan chức năng xác định thiệt hại của hai chiếc ô tô bị xe tải đâm hư hại do lỗi toàn bộ xuất phát từ hai cô gái kia thì chính họ sẽ phải đền bù tất cả”.

Trước tình huống hai cô nữ sinh vội vàng bỏ đi sau vụ tai nạn, bỏ mặc tài xế xe tải khiến cư dân mạng bức xúc, luật sư Đặng Văn Cường đánh giá đây là hành vi đáng chê trách, kém văn hoá.

“Trong trường hợp này, dù hai cô gái có phải trực tiếp hay gián tiếp gây ra vụ tai nạn liên hoàn nói trên thì hành động vội vàng bỏ đi, mặc kệ tài xế xe tải như vậy cũng sẽ bị dư luận lên án kịch liệt” - Luật sư Cường bày tỏ.

Vụ tài xế 'đánh lái' cứu người: Hai cô gái có thể bị xử lý thế nào?
Hiện trường vụ tai nạn khi tài xế đánh lái tránh hai cô gái  trên đường 359C  - đoạn qua xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, Hài Phòng ngày 29.3.2018

Trưởng VP Luật sư Chính nhận định, việc tài xế xe tải đâm hỏng hai ô tô có thể dẫn tới thiệt hại hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng, lúc này chắc chắn công an sẽ vào cuộc và xác minh, điều tra làm rõ hai góc độ. 

Thứ nhất, phía người tài xế thời điểm trên có vi phạm các lỗi giao thông như phần đường, tốc độ hay sử dụng rượu bia khi lái xe không, v.v...“Nếu xác định đây là tình huống bất ngờ và tài xế xe tải chấp hành đúng các quy định về luật giao thông thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Cường phân tích.

Thứ hai, về phía hai cô nữ sinh, cơ quan chức năng cũng phải xác định tương tự như tài xế, nếu cũng rơi vào tình huống bất ngờ do người khác gây tai nạn hoặc nguyên nhân tai nạn ban đầu do lỗi hạ tầng giao thông, lỗi kỹ thuật của chiếc xe thì được miễn truy cứu, còn ngược lại, hai cô gái này sẽ đối mặt với việc bị xử lý hình sự và dân sự.

Nêu ý kiến pháp lý về vụ việc này, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là vụ việc khá đơn giản, trường hợp đánh lái của tài xế được pháp luật gọi là "tình thế cấp thiết", và được quy định trong cả Bộ luật Dân sự (Điều 171) và Bộ luật Hình sự (Điều 23).

"Có thể hiểu nôm na, tình thế cấp thiết là khi một người, nhằm tránh một thiệt hại lớn, mà gây ra thiệt hại nhỏ hơn" – ông Đức cho biết và khẳng định: “Trong vụ việc này, chắc chắn tài xế không chịu trách nhiệm hình sự theo đúng Điều 23 của Bộ luật hình sự”.

Vụ tài xế 'đánh lái' cứu người: Hai cô gái có thể bị xử lý thế nào? - 1
Vụ tai nạn khiến chiếc xe tải chở đá va chạm với 2 ô tô đỗ bên đường, gồm 1 chiếc Kia và 1 chiếc Toyota, trước khi bị lật ngang. Tài xế xe tải bị thương, gẫy 2 xương sườn.

Vụ tai nạn khiến chiếc xe tải chở đá va chạm với 2 ô tô đỗ bên đường, gồm 1 chiếc Kia và 1 chiếc Toyota, trước khi bị lật ngang. Tài xế xe tải bị thương, gẫy 2 xương sườn.

Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, ông Đức cho rằng, có một nguyên tắc cơ bản, đó là việc bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi chủ của 3 chiếc xe bị hư hỏng (hai xe đậu bên đường và xe tải) đòi. Còn nếu ai đó, vì lý do nào đó, mà không đòi thì không đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại.

“Tài xế (hoặc chủ xe tải) không phải bồi thường cả 3 thiệt hại trên. Theo Điều 171 Bộ luật Dân sự, người gây ra thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải bồi thường. Người có nghĩa vụ bồi thường là hai người phụ nữ (hoặc chỉ là người cầm lái) của chiếc xe máy đã ngã ra đường. Theo Điều 595 Bộ luật Dân sự, người nào gây ra tình thế cấp thiết thì người đó phải bồi thường" - ông Đức phân tích.

Về vấn đề bảo hiểm, ông Nguyễn Minh Đức cũng cho biết bên bảo hiểm chỉ phải chịu trách nhiệm theo đúng nội dung hợp đồng bảo hiểm.

"Tôi chưa được xem hợp đồng bảo hiểm nên không thể nói gì hơn. Bất kỳ ai có ý kiến nào đề cập đến trách nhiệm của bảo hiểm, mà chưa xem hợp đồng bảo hiểm giữa các bên, đều là chỉ là võ đoán", ông Đức thông tin thêm.

Trước đó, như Dân Việt đưa tin, khoảng 13 giờ ngày 29.3, trên đường 359C (đoạn qua xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng), khi tài xế Đỗ Văn Tiến (SN 1977, trú tại huyện Thuỷ Nguyên) đang điều khiển xe tải mang BKS 15C-010.14 chở đá theo hướng quốc lộ 10 về thị trấn Núi Đèo.

Đúng lúc xe chạy đến trước cửa nhà nghỉ Đức Việt (đường 359C, xã Hòa Bình) thì bất ngờ 2 nữ sinh đi trên xe máy đã va chạm một phương tiện khác, ngã ra làn đường ô tô, ngay trước đầu xe tải do tài xế Tiến điều khiển. Dù quá bất ngờ, song tài xế Tiến vẫn kịp đánh lái tránh 2 nữ sinh ngã trên làn đường ô tô.

Tuy nhiên, cú đánh lái quá gấp đã khiến chiếc xe tải chở đá va chạm với 2 ô tô đỗ bên đường, gồm 1 chiếc Kia và 1 chiếc Toyota, trước khi bị lật ngang. Tài xế Đỗ Văn Tiến cũng bị thương, gẫy 2 xương sườn.

Điều 23 Bộ luật hình sự 2015. Tình thế cấp thiết

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa. Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điều 601 Bộ luật dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Theo Thành An (Dân Việt)