Pháp luật

Vụ Phạm Công Danh: Ngân hàng CB đòi 3 ngân hàng trả 6.126 tỷ nhưng bị từ chối

Video: Ông Trần Bắc Hà đã rời Việt Nam?

Tại phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm sáng nay (26.1), đại diện VKS, Ngân hàng CB (tiền thân là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) đề nghị thu hồi số tiền thiệt hại 6.126 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng cho rằng, việc đề nghị thu hồi này là không có căn cứ và từ chối thẳng.

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi kết thúc phần xét hỏi các bị cáo trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng các đồng phạm về các hành vi gây thiệt hại cho VNCB 6.126 tỷ đồng, đại diện Ngân hàng CB đã đề nghị HĐXX tuyên buộc các ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank (Ngân hàng Tiên Phong) phải hoàn trả lại số tiền này.

Ngoài ra, 46 bị cáo trong vụ án cùng các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả các cá nhân gây thiệt hại cho VNCB nhưng không bị xử lý hình sự, cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường một phần trong số 6.126 tỷ cho ngân hàng này.

Trong phần trách nhiệm dân sự, đề nghị thu hồi 6.126 tỷ đồng từ các ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank đã cho VNCB vay để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, đề nghị HĐXX xem xét buộc bị cáo Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh có trách nhiệm bồi hoàn lại hơn 6.126 tỷ đồng cho 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank.

Trong phiên xử sáng nay, sau khi kết thúc phần tranh tụng của các luật sư bào chữa cho các bị cáo, đại diện các ngân hàng liên quan trong vụ án một lần nữa lên tiếng về việc thu hồi 6.126 tỷ đồng. Đại diện Sacombank cho rằng, Ngân hàng CB đề nghị 3 ngân hàng phải trả 6.126 tỷ đồng (riêng Sacombank bị đề nghị thu hồi hơn 1.800 tỷ đồng) là không có cơ sở.

Vụ Phạm Công Danh: Ngân hàng CB đòi 3 ngân hàng trả 6.126 tỷ nhưng bị từ chối
Bị cáo Phạm Công Danh.

Đại diện Sacombank trình bày, ngày 26.4.2014 hai ngân hàng đã hoàn tất các giao dịch trước khi vụ án xảy ra. Giao dịch của hai bên không phát sinh vấn đề, theo đúng quy định của pháp luật và Luật Tổ chức tín dụng, cũng như các nghị định, quy định khác của Chính phủ. Ngân hàng Đại Tín (sau là VNCB và nay là CB) không có ý kiến gì. Việc gửi tiền gửi thanh toán tại Sacombank đã được đại diện tổ giám sát phê duyệt trên tờ trình. Đến nay, đã quá 3 năm, các yêu cầu bồi thường là quá thời hạn. Việc đề nghị thu hồi tiền của VNCB là không có cơ sở. Ngân hàng Đại Tín phải kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của ngân hàng cũ.

Đại diện Sacombank cho biết thêm, tại phần xét hỏi, bào chữa đã thể hiện Ngân hàng Đại Tín dùng tài sản ngân hàng là tiền gửi để bảo lãnh cho các khoản vay tại Sacombank dẫn tới thiệt hại cho VNCB, đó là lỗi của Đại Tín (nay là CB). 

Nay CB có 100% vốn sở hữu của Nhà nước, theo quy định, mọi tổ chức kinh tế có quyền lợi ngang nhau, mà một ngân hàng của Nhà nước như vậy lại yêu cầu bồi thường cho việc mà do VNCB gây ra là tiền lệ xấu, gây hậu quả khôn lường.

Đại diện TPBank cho rằng, giao dịch giữa TPBank và VNCB là hợp pháp và kết luận giám định đã nêu hợp đồng cầm cố đúng quy định. Việc trích tiền gửi của VNCB tại TPBank để thu hồi nợ là hợp pháp. Kết luận giám định nêu rõ, khoản tiền 1.740 tỷ mà TPBank cấn trừ nợ của VNCB gửi là hợp pháp, không gây thiệt hại cho TPBank.

TPBank cho rằng, việc đề nghị thu hồi tiền của VNCB là vô lý. Các ngân hàng không thể đi tìm hiểu nguồn tiền gửi có từ đâu và việc cấn trừ, như đã trình bày là hợp lý. Do đó, đại diện TPBank đề nghị với HĐXX không yêu cầu thu hồi 1.740 tỷ của VNCB từng gửi tại TPBank vì đó là khoản giao dịch hợp pháp.

Đáng chú ý, liên quan vấn đề này, mới đây Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) Việt Nam đã gửi đơn khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan. HHNH Việt Nam nhận định, đề nghị của VKS khiến các tổ chức tín dụng là thành viên HHNH nói chung và 3 ngân hàng nêu trên nói riêng rất hoang mang, lo ngại về tác động tiêu cực đối với hoạt động. HHNH Việt Nam nêu: "Tại Kết luận giám định số 1637/KLGĐ-NHNN ngày 16.3.2017 của tổ giám định độc lập của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: 3 ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank đã thực hiện việc thu hồi nợ vay của khách hàng đúng quy định và thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng (HĐTD) đã ký, không có thiệt hại xảy ra tại 3 ngân hàng này. Việc thực hiện như kiến nghị trên của đại diện VKS sẽ tạo tiền lệ bất lợi, gây khó khăn, cản trở cho hoạt động của các ngân hàng. Đó là, theo pháp luật hiện hành, các ngân hàng cho vay không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản của bên vay trước khi thu nợ".

Bên cạnh đó nếu buộc ngân hàng phải xác minh về nguồn gốc số tiền thu nợ thì sẽ phát sinh rất nhiều khó khăn, thủ tục hành chính và chi phí cho các ngân hàng và khách hàng, các ngân hàng không đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện việc xác minh này. Giao dịch phát sinh từ các HĐTD của các ngân hàng với khách hàng là giao dịch hợp pháp thì việc thu nợ từ tài khoản của bên có nghĩa vụ là ngay tình và được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, HHNH Việt Nam còn đưa ra lý do cho rằng nếu thực hiện theo đề nghị của VKS sẽ làm xáo trộn hoạt động các tổ chức tín dụng.

Theo Hữu Ký (Dân Việt)