Pháp luật >> 'Ông trùm' bất động sản Vũ 'Nhôm' bị công an điều tra

Vũ 'nhôm': 'Không ai làm từ thiện mà lại đi kể'

"Điều buồn nhất của bị cáo trong cáo trạng này là bị cáo có 8 phần đúng 2 phần sai thôi. Cuộc đời ai cũng có đúng có sai, bị cáo đã làm được nhiều điều tốt cho ngành", Vũ nói.

Chiều 28/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) và hai cựu thứ trưởng công an tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Bị cáo Vũ liên tiếp nhận được câu hỏi của thẩm phán, kiểm sát viên và các luật sư về cáo buộc thâu tóm hàng loạt dự án bất động sản, đất công ở Đà Nẵng và TP.HCM.

Phan Văn Anh Vũ: 'Bị cáo làm nhiều điều tốt cho ngành'

Vì sao Vũ "nhôm" rút đơn xin giao nộp tài sản?

Trả lời xét hỏi của luật sư, bị cáo Vũ dù không kêu oan nhưng mong muốn HĐXX nhìn nhận công tâm. “Bị cáo có 8 phần làm đúng, 2 phần làm sai thôi nhưng không ai ghi nhận cái đúng. Bị cáo đã làm được nhiều điều tốt cho ngành, cho Bộ Công an, cho xã hội nhưng không ai công nhận", Vũ nói và cho rằng sai phạm của mình chỉ có mức độ.

Bị cáo sinh năm 1975 phân trần "không ai làm từ thiện mà lại đi kể công" vì thế Vũ chỉ đề cập đến những việc làm tốt cho ngành, cho địa phương. "Khi tình trạng trộm cướp, mất an ninh trật tự xảy ra tại TP.HCM, lãnh đạo Bộ gọi xem thế nào thì bị cáo đã hỗ trợ 150 môtô tuần tra cho TP.HCM, 50 môtô tuần tra cho Đà Nẵng, 2 tỷ đồng cho văn phòng Bộ. Khi có thiên tai, lãnh đạo Bộ thương dân, thương người gọi thì bị cáo lập tức đáp ứng, tất cả đều có chứng từ đầy đủ”, Vũ khai.

Ngoài ra, khi Chủ tịch UBND Đà Nẵng xin hỗ trợ 100 tỷ hỗ trợ lắp camera giám sát, bị cáo cũng đồng ý mà không hề đặt vấn đề xin dự án khác.

Vũ 'nhôm': 'Không ai làm từ thiện mà lại đi kể'
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Ảnh: P.D.

Đáng chú ý, khi trả lời luật sư, Phan Văn Anh Vũ xác nhận có đơn xin không giao nộp tài sản đối với các bất động sản mà bị cáo từng xin tự nguyện giao nộp trước đó. Theo giải thích, một số dự án Vũ đang liên kết đầu tư với Novaland hoặc cho thuê để xây trường học. Việc thu hồi sẽ ảnh hưởng đến nhiều người.

Vũ đồng ý giao lại 2 bất động sản chưa sử dụng đến là số 319 Lê Duẩn và Vệt du lịch ven biển từ Vegas Resort đến khu du lịch Bến Thành Non Nước (Đà Nẵng).

Khai nhận trước tòa, Vũ nói lúc mới bị bắt, tinh thần ông ta hoảng loạn. Khi nghe nói nộp tài sản sẽ không bị xử lý hình sự, bị cáo đã làm đơn gửi cơ quan chức năng. Sau đó, Vũ thấy bản thân không làm sai nên có đơn xin nhận lại.

Tuy nhiên, thẩm phán Trương Việt Toàn sau đó đưa ra chứng cứ cho thấy Vũ bị khởi tố trước khi viết đơn xin giao nộp tài sản.

Ai bán dự án 129 Pasteur?

Đề cập đến lô đất công sản 129 Pasteur (TP.HCM), Phan Văn Anh Vũ khai công ty bình phong do ông ta điều hành chỉ chuyển nhượng dự án này khi có công văn chấp thuận cho phép chuyển nhượng. Việc TP.HCM ra quyết định chuyển nhượng chỉ là thủ tục hành chính, phải chờ rất lâu.

Thời điểm mua nhà đất công sản, theo Vũ, công ty bình phong gặp khó khăn về tài chính. Dự đoán giá mua lô đất chỉ từ 100-150 tỷ đồng nhưng khi giá bán được ấn định là 294 tỷ.

Cựu thượng tá tình báo nói công ty của ông ta bị lỗ dù bán lại dự án cho một doanh nghiệp tư nhân với giá 300 tỷ đồng.

Vũ 'nhôm': 'Không ai làm từ thiện mà lại đi kể' - 1
Bên trong phòng xử phiên sơ thẩm với Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm. Ảnh: P.D.

Tại sao bị cáo không báo cáo Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật từ chối mua? Việc từ chối mua có bị phạt không?

Trả lời thẩm phán, Vũ nói: "Việc bán này là do Tập đoàn Novaland, anh Bùi Cao Nhật Quân là Tổng giám đốc bán. Bị cáo là Chủ tịch HĐQT, còn người đại diện pháp luật, phát triển kinh doanh là Bùi Cao Nhật Quân. Tính toán bán bị cáo không rành, bị có giao hết cho Tổng giám đốc".

Tuy nhiên, chủ tọa Trương Việt Toàn đưa ra các con số có trong hồ sơ cho thấy ngày 25/1/2016, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật xác định lô đất công sản 129 Pasteur có giá 204 tỷ. Ngay ngày hôm sau, công ty của Vũ bán lại cho Công ty CP Đầu tư Peak View với bán 300 tỷ đồng. Sau đó, 3 ngày, phía mua đã hoàn tất việc chuyển tiền. "Con số đó nói lên bị cáo có lỗ hay không. Thôi bị cáo về chỗ đi", chủ tọa nói.

Xen kẽ phần trình bày trước tòa, Phan Văn Anh Vũ nhắc đến lô đất ở số 16 Bạch Đằng (Đà Nẵng). Đây vốn là đất công sản mà Vũ dự định xây căn hộ để phát triển tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, đầu năm 2017, mạng xã hội đăng tải các văn bản lộ bí mật liên quan đến Vũ nên các dự án phải dừng lại.

Còn việc chuyển tên trên “sổ đỏ” từ công ty bình phong sang cá nhân Vũ tại dự án 319 Lê Duân, Phan Văn Anh Vũ nói khi chấp thuận bán đất, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu phải nộp tiền 60 ngày, triển khai dự trong 12 tháng. Thời điểm đó, công ty bình phong đầu tư dàn trải nên Vũ đã cho vay tiền.

Hai bên làm hợp đồng vay mượn có nội dung công ty đồng ý để Vũ tạm thời đứng tên mảnh đất. Còn Phan Văn Anh Vũ chỉ được kinh doanh, không được cầm cố, thế chấp và hoàn tên khi công ty trả lại tiền. Bị cáo Vũ cho rằng việc sang tên chỉ để đảm bảo quyền lợi của bị cáo với khoản vay.

"Toàn bộ tiền đầu tư đều do bị cáo bỏ ra"

Tại phiên tòa chiều nay, Phan Văn Anh Vũ khai toàn bộ tiền đầu tư vào công ty bình phong do bị cáo bỏ ra. Tuy nhiên, trên đăng ký kinh doanh lại có tên cá nhân đại diện cho Tổng cục Tình báo và Phòng tình báo Công an TP Đà Nẵng lần lượt nắm giữ 20% và 10% vốn điều lệ.

Khi đại diện VKS chất vấn về việc này, Vũ đề nghị kiểm sát viên hỏi cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn.

Bị cáo đầu tư toàn bộ, vậy ai chỉ đạo ghi tỷ lệ % như trên? Vũ một lần nữa đề nghị xét hỏi ông Tuấn. "Bị cáo không quanh co, bị cáo làm bị cáo nhận. Trước tiên để anh Tuấn trả lời. Thời điểm đó anh Tuấn bảo sao, bị cáo làm vậy. Bị cáo chỉ làm kinh tế, thủ tục không rõ lắm", Vũ nói.

Theo lời Vũ, ban đầu ông Phan Hữu Tuấn gợi ý về việc Công ty CP Bắc Nam 79 góp vốn 70%, Tổng cục Tình báo góp 20%, còn Phòng tình báo Công an Đà Nẵng 10%. Nhưng sau đó, toàn bộ tiền đầu tư đều do bị cáo bỏ ra.

Cũng nhận được câu hỏi về tỷ lệ góp vốn ghi trên đăng ký kinh doanh của công ty bình phong, Nguyễn Hữu Bách (Phó cục trưởng B61 - Tổng cục Tình báo) nói mục đích của việc này nhằm thể hiện Tổng cục Tình báo và Phòng tình báo Công an Đà Nẵng có sự tham gia trên danh nghĩa của công ty bình phong. Ngoài ra, không có mục đích nào khác.

Xác nhận với luật sư, bị cáo Trần Việt Tân cho biết ông nhận trách nhiệm người đứng đầu phụ trách về mặt hành chính, không phải tư cách người đứng đầu về trách nhiệm hình sự. Nghe phần xét hỏi công khai, cựu thứ trưởng nói Tổng cục V là một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia. "Những vấn đề xét xử ở đây là xét xử công khai, nếu tất cả chúng ta đưa những vấn đề này ra liên quan đến góc độ nghiệp vụ, chúng tôi nghĩ là nhiệm vụ chính đặt ra cho Tổng cục V không hoàn thành. Nếu vì những tội lỗi liên quan đến những góc độ khác thì chúng tôi đề nghị chủ toạ phiên toà xem xét những câu hỏi nào liên quan trực tiếp vụ án, còn những cái về tổ chức, về mạng lưới, về quy chế hoạt động hay các quy định là bí mật",, cựu thứ trưởng công an nói.

Chủ tọa cho biết sẽ chấp nhận kiến nghị của bị báo. Những câu hỏi liên quan hoạt động nghiệp vụ, HĐXX sẽ cắt.

Trình bày trước HĐXX chiều nay, cựu Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành thừa nhận tội danh Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trong như cáo buộc của VKSND Tối cao.

"Tôi thừa nhận tội danh theo cáo trạng đã tuy tố. Tôi cũng đề nghị HĐXX xem xét thêm nguyên nhân, bối cảnh xảy ra vụ án, một số chi tiết nêu trong cáo trạng để có đường lối xử lý phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, bị cáo sinh năm 1958 nói và cho biết những chi tiết cụ thể sẽ được ông trình bày thêm trong phần tự bào chữa.

Theo Bá Chiêm (Tri Thức Trực Tuyến)