Pháp luật

Vụ lừa đảo tại Cần Thơ: Số tiền chiếm đoạt không dừng lại ở 258 tỷ

Cơ quan chức năng xác định vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam là nghiêm trọng, phức tạp, liên quan nhiều đối tượng và số tiền chiếm đoạt không dừng lại ở mức 258 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng xác định vụ án xảy ra tại Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam là nghiêm trọng, phức tạp, liên quan nhiều đối tượng và số tiền chiếm đoạt không dừng lại ở mức 258 tỷ đồng.

Công an TP.Cần Thơ cho biết, chiều 16.6 vừa qua, đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam và Phạm Tường Thi (cùng 36 tuổi) - nguyên Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến và 2 đối tượng khác có liên quan.

Bị can Nhân bị Công an TP.Cần Thơ bắt vào ngày 16.6.

Trước đó, Công an TP.Cần Thơ cũng đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại một ngân hàng có chi nhánh tại TP.Cần Thơ.

Theo Cơ quan điều tra, năm 2010 Chính phủ đã ban hành Quyết định 63 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản. Theo đó, các doanh nghiệp có ký và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản và dịch vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với nông dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu và 50% từ năm thứ 3 trở đi.

Lợi dụng chính sách trên, năm 2011, Công ty Tây Nam lập dự án hệ thống thiết bị bảo quản sau thu hoạch nông, thủy, hải sản... để vay vốn ưu đãi. Để có tài sản thế chấp cho ngân hàng, Công ty Tây Nam tham gia mua và trúng đấu giá khu đất lớn ở đường Nguyễn Trãi (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) với giá hơn 100 tỷ đồng.

Sau đó, khu đất của Công ty Tây Nam được định giá trên 330 tỷ đồng rồi mang thế chấp cho một ngân hàng ở TP.Cần Thơ. Sau đó, ngân hàng giải ngân gần 258 tỷ đồng cho Công ty TNHH Tân Tiến theo hợp đồng cung cấp thiết bị được ký kết giữa Công ty Tây Nam với liên doanh gồm Công ty Tân Tiến và hai công ty khác ở TP.HCM.

Sau khi được giải ngân, Công ty Tân Tiến đã gửi tiết kiệm ngược lại chính ngân hàng đó gần 190 tỷ đồng để hưởng lãi suất thương mại. Tuy nhiên, Công an TP.Cần Thơ xác định Công ty Tây Nam và Công ty Tân Tiến thực chất chỉ là một và do Nhân đứng ra điều hành.

Ngoài ra, qua quá trình điều tra, công an còn phát hiện Nhân đã thành lập 7 công ty con và thuê người làm giám đốc. Đồng thời, chỉ đạo các công ty này nâng khống tài sản để làm thủ tục vay tiền ngân hàng mặc dù các công ty không hoạt động kinh doanh. Sau khi vay tiền thành công, 7 công ty con này đưa tiền cho Nhân để chiếm đoạt.

Đại tá Bùi Trọng Thế - Phó Giám đốc Công an TP.Cần Thơ - thông tin tại buổi họp báo: “Vụ án kinh tế trên rất phức tạp, nghiêm trọng và liên quan nhiều đối tượng khác. Số tiền chiếm đoạt là rất lớn, không dừng lại ở 258 tỷ đồng. Chúng tôi đang tiếp tục làm rõ thêm”.

Cũng theo đại tá Thế, trong quá trình khám xét nơi ở của Nhân và nơi làm việc, lực lượng công an đã thu giữ nhiều tài liệu, chứng cớ liên quan đến vụ án. Đặc biệt có thu giữ 1 bộ trang phục lực lượng an ninh nhân dân, 1 cặp quân hàm cấp trung tá, 1 cặp cành tùng cấp tướng, 1 đèn hiệu ưu tiên và 1 cây roi điện.

Từ khi bắt tạm giam đến nay, Nhân thiếu sự hợp tác và cho rằng mình không có tội. Phía công an cũng đã cho Nhân làm việc với luật sư theo quy định.

Hiện Công an TP.Cần Thơ đã đề nghị và được Viện KSND cùng cấp cho gia hạn thời gian thời gian tạm giam và điều tra 4 tháng đối với Nhân và Thi.

Theo Huỳnh Xây (Dân Việt)