Pháp luật

Vụ CSGT gọi côn đồ đánh chết người: “Sao bị cáo tốt bụng thế?”

Đây là câu hỏi vị chủ tọa phiên tòa đưa ra khi bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (36 tuổi, nguyên thượng úy CSGT, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) khai nhận chỉ nhờ các bị cáo khác đến đưa người vi phạm giao thông về nhà chứ không nhờ đánh người.

Đây là câu hỏi vị chủ tọa phiên tòa đưa ra khi bị cáo Phạm Sỹ Hoài Như (36 tuổi, nguyên thượng úy CSGT, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM) khai nhận chỉ nhờ các bị cáo khác đến đưa người vi phạm giao thông về nhà chứ không nhờ đánh người.
vu csgt goi con do danh chet nguoi: “sao bi cao tot bung the?” hinh anh 1
Các bị cáo tại tòa, bị cáo Như mặc áo trắng đứng phía sau.

Tại tòa, bị cáo Chung khai nhận vào tối 25.6.2014 được Như gọi điện thoại đến đường Tân Kỳ Tân Quý có việc và Chung đã kêu thêm các bị cáo Hạnh, Vững (chở theo Vương) cùng đi. Đến nơi Như nói có người vi phạm giao thông chống đối (ông Chín - PV) nên nhờ Chung đánh mấy cái rồi đuổi đi. Chung khai nhận có dẫn ông Chín đi cách xa tổ CSGT để các bị cáo đánh dằn mặt, nhưng Chung không trực tiếp đánh. Các bị cáo Hạnh, Vững, Vương khai nhận lúc các bị cáo có mặt tại đường Tân Kỳ Tân Quý, CSGT Phạm Sỹ Hoài Như đã ra gặp Chung nói chuyện nhờ đánh ông Chín. Các bị cáo cho biết chỉ đánh dằn mặt ông Chín theo chỉ đạo.

Tuy nhiên, bị cáo Như cho rằng các lời khai trên không đúng vì bị cáo chỉ nhờ các bị khác đưa người vi phạm giao thông về nhà. Trước câu trả lời này, chủ tọa phiên tòa hỏi "tại sao bị cáo lại tốt bụng như vậy?". Theo chủ tọa phiên tòa, Như là tổ trưởng tổ tuần tra, đáng lý ra khi gặp người vi phạm giao thông chống đối, bị cáo phải gọi điện thoại nhờ công an phường, hoặc chủ tịch phường để hỗ trợ, nhưng bị cáo không làm như vậy. Ngược lại, bị cáo còn nhờ người khác đến đánh người vi phạm giao thông, đấy là vi phạm pháp luật.

Cũng trong phiên tòa sáng nay, gia đình bị hại đã yêu cầu các bị cáo phải có trách nhiệm dân sự bồi thường số tiền hơn 3,3 tỷ đồng. Số tiền này bao gồm chi phí bệnh viện, mai táng, tổn thất tinh thần, tiền đi lại tạm nghỉ việc của vợ bị hại, tiền cấp dưỡng con bị hại…

Theo gia đình bị hại, ông Chín khi đi làm thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng, là lao động chính của gia đình, do đó các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi gây ra. Trước yêu cầu này, HĐXX yêu cầu gia đình bị hại làm việc với luật sư để tính toán lại theo đúng quy định pháp luật.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục.

Khoảng 21h30 ngày 25.6.2014, tổ công tác của Đội CSGT Công an Q.Tân Bình gồm 7 người do thượng úy Phạm Sỹ Hoài Như (tổ trưởng) làm nhiệm vụ tại chốt trước Đài tưởng niệm liệt sĩ, ngã tư đường Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý (P.13, Q.Tân Bình). Đến 22h20, CSGT Lê Trường Giang phát hiện ông Nguyễn Văn Chín (ngụ Q.Gò Vấp) có nồng độ cồn vượt quy định nên đã lập biên bản tạm giữ phương tiện. Ông Chín không đồng ý ký vào biên bản và cự cãi với CSGT. Lúc này Phạm Sỹ Hoài Như giải quyết, nhưng ông Chín vẫn tiếp tục lớn tiếng chửi tổ công tác.

Thấy vậy Như điện thoại cho Nguyễn Minh Chung (24 tuổi, quê Quảng Ngãi) đến đánh dằn mặt anh Chín. Chung cùng Nguyễn Quốc Khánh đến ngã tư Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, đồng thời điện cho Phạm Thanh Kim Hạnh (18 tuổi, quê Đắk Nông), Ngô Thành Vương (19 tuổi, quê Hải Dương) và Trần Đức Vững  (19 tuổi, quê Quảng Ngãi) cùng đi. Khi được Như chỉ mặt, Chung dẫn anh Chín đi khỏi khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ rồi cùng Hạnh, Vương, Vững lao vào đánh ông Chín. Sau đó ông Chín được đưa đến bệnh viện điều trị và tử vong vào 4h05 ngày 27.6.2014.

Bản kết luận của Viện Pháp y Quốc gia - Phân viện tại TP.HCM cho thấy ông Chín bị phù phổi cấp, dị vật gây tắc các tiểu phế quản, vỡ ruột non đã được khâu, giập mạc treo ruột. Nguyên nhân và cơ chế tử vong của ông Chín là suy hô hấp cấp do dị vật làm tắc đường hô hấp trên bệnh nhân sau mổ khâu thủng ruột non, có thể do tai biến hậu phẫu trào ngược dịch dạ dày và thức ăn vào đường hô hấp dẫn đến tử vong.

 
Theo Hữu Ký (Dân Việt)