Pháp luật

Vụ bắt gỗ lậu ở Đắk Nông: Tài xế 'qua mặt' bao nhiêu trạm kiểm soát?

Theo biên bản được lập giữa các cơ quan, hai bên tuyến đường Quốc lộ 14 C hướng từ đồn BP 747 đi huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn) không có dấu vết khai thác gỗ, nhưng vẫn có một lượng lớn gỗ lậu được vận chuyển công khai.

Vụ bắt gỗ lậu ở Đắk Nông: Tài xế 'qua mặt' bao nhiêu trạm kiểm soát?
Ông trùm gỗ Phượng "râu"

Sau vụ việc, ông Phạm Tuấn Linh - Phó giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia (VQG) Yor Đôn cũng có báo gửi Tổng cục Lâm nghiệp và UBND tỉnh Đắk Lắk.

Báo cáo nêu, quá trình kiểm tra các tiểu khu dọc biên giới gần đồn BP 747 và hai bên tuyến đường Quốc lộ 14C hướng từ đồn BP 747 đi huyện Cư Jút không phát hiện dấu vết khai thác gỗ, cũng như tập kết gỗ. Kiểm tra tại tiểu khu 482 cách đồn BP 747 khoảng 900 m và ngay sát cạnh  biên giới (suối Đắk Đam) phát hiện có dấu xe đi từ phía Cam-pu-chia qua lâm phần của Vườn. 

Vậy thì, gỗ lậu của ông Phan Hữu Phượng (SN 1968-được xem là một ông trùm buôn gỗ “khét” tiếng ở huyện Cư Jút, với biệt danh là Phượng “râu”), bị các cơ quan Bộ Công an bắt giữ tại thị trấn Ea T’Ling (huyện Cư Jút) được “nhập” từ đâu, và xe của ông trùm này phải qua những địa phận, trạm kiểm soát nào của hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ? Bởi, những đối tượng bị bắt đã khai vận chuyển số gỗ lậu từ gần đồn BP 747.

Cho dù nguồn gỗ đó lấy từ đâu, thì các chuyến xe chở gỗ của Phượng Râu- ông trùm buôn gỗ khét tiếng huyện Cư Jút cũng đều đã chạy qua nhiều đơn vị biên phòng đóng chân trên quốc lộ 14 C mà không bị phát hiện, không bị xử lý!

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, quốc lộ 14 C đường đi lại rất thuận lợi. Nếu xuất phát từ đồn BP 747 đi ra Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), sẽ qua sự kiểm soát của các đồn BP Yok Đôn, rồi qua 4 đồn BP trực thuộc của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Nông quản lý. Tiếp đến là Hạt kiểm lâm huyện Đắk Mil, rồi di chuyển trên quốc lộ 14 đến địa phận cuối cùng là huyện Cư Jút.

Hướng thứ 2, cánh tài xế sau khi đưa gỗ lậu lên xe sẽ xuất phát ở khu vực đồn BP 747 di chuyển qua đồn BP Yok Đôn rồi đến đồn 1 (BĐBP tỉnh Đắk Nông) và rẽ vào địa phận các xã Đắk Wil, xã Ea Pô, xã Nam Dong (huyện Cư Jút), đến thị trấn Ea T’Ling. Chặng này cũng có rất nhiều trạm kiểm soát của kiểm lâm.

Thực tế cho thấy, dù xe chở gỗ lậu của Phượng Râu di chuyển ở tuyến nào cũng chẳng có cơ quan chức năng nào phát hiện kịp thời để xử lí. Mãi đến khi, các cơ quan trực thuộc của Bộ Công an bắt quả tang, lúc đó dư luận mới biết. Nhiều câu hỏi được đặt ra, liệu các cơ quan có trách nhiệm với vấn đề này tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có bao che. Hay, các chủ phương tiện di chuyển tinh vi đến mức, không ai phát hiện ?

Liên quan đến vụ việc nêu trên, đại tá Phạm Quang Hùng - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Đắk Lắk cho biết: trước thông tin báo chí về việc xuất hiện gỗ lậu tại gần Đồn BP 747 (Đồn Bo Heng), đơn vị đã cử lực lượng chức năng vào cuộc xác minh làm rõ thông tin nghi vấn về dấu hiệu tiêu cực xảy ra trong vụ việc này. “Hiện nay Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đang phối hợp kiểm tra, xác minh chính xác. Nếu thông tin việc vận chuyển gỗ qua đồn BP 747 là đúng, thì chúng tôi sẽ xử lí nghiêm”, đại tá Hùng cho biết.

Theo Vũ Long (Tiền Phong)