Pháp luật

Vụ bạo hành ở Mầm Xanh: 'Bị cáo quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi mình gây ra'

"Bị cáo thấy quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi mình gây ra. Những ngày qua, bị cáo ăn không ngon ngủ không yên, luôn bị ám ảnh vì tội lỗi của mình. Bị cáo thành thật ngàn lần xin lỗi quý phụ huynh và các cháu nhỏ, mong gia đình, xã hội có cái nhìn tha thứ, bao dung với bị cáo và các bảo mẫu khác".

Vụ bạo hành ở Mầm Xanh: 'Bị cáo quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi mình gây ra'
Bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh thừa nhận tất cả hành vi phạm tội của mình.

Bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh, chủ lớp mẫu giáo Mầm Xanh (phường Hiệp Thành, quận 12) vừa khóc nức nở vừa nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án…

Nhiều hình thức hành hạ các cháu bé có một không hai

Theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm ba bảo mẫu của cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh (địa chỉ số 65N/2 tổ 28 khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12) bạo hành các trẻ, kéo dài từ sáng sớm vắt sang đầu giờ chiều 25-7, mới thấy Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân (TAND) quận 12 cũng như đại diện Viện KSND đã có phần nói giảm, nói tránh tội trạng, những hành vi của các bị cáo đối với các trẻ nhỏ ở cơ sở này nhằm tránh sự phẫn nộ, uất ức của gia đình các trẻ, nhất là các vị phụ huynh có con bị hành hạ, đánh đập được một số clip tư liệu của một tờ báo ghi lại được.

Tuy vậy, qua lời khai báo và thừa nhận các hành vi phạm tội của các bị cáo, người theo dõi cũng có thể hiểu được sự tàn nhẫn mà các bảo mẫu này "dành cho" những đứa trẻ không may bị gửi vào trông giữ tại cơ sở mầm non này.

Phiên tòa đã thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận và báo chí truyền thông. Ngay từ sáng sớm, đã có khá đông người dân đến trụ sở TAND quận 12 để theo dõi phiên xử.

Báo chí truyền thông cũng cử một lực lượng đông đảo phóng viên đến theo dõi đưa tin, phản ánh phiên xử. Mọi hoạt động diễn ra tại phiên tòa được lực lượng chức năng kiểm soát khá chặt chẽ và nghiêm túc.

Do phòng xử khá nhỏ và số lượng người đến theo dõi phiên xử khá đông nên phiên tòa được truyền trực tiếp ra phía ngoài sân của trụ sở tòa án qua màn hình lớn để người dân có thể theo dõi dễ hơn.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh (44 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) là chủ cơ sở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh.

Cơ sở này trước đó là Lớp mầm non tư thục Mầm Xanh được UBND phường Hiệp Thành, quận 12 cấp giấy phép hoạt động lần đầu theo quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 29-9-2014, đến ngày 14-10-2016 được UBND phường Hiệp Thành cho phép đổi loại hình hoạt động sang Lớp mẫu giáo Mầm Xanh theo Quyết định 768/QĐ-UBND.

Hàng tháng, lớp mẫu giáo này nhận trông giữ từ 30 đến 40 cháu bé từ 12 tháng tuổi đến dưới 6 tuổi. Trong quá trình hoạt động, đến tháng 11-2017, do số lượng trẻ đông nên Linh thuê Nguyễn Thị Đào (24 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Phạm Như Huỳnh (19 tuổi, quê Cà Mau) để dễ chăm sóc các bé.

Từ đó, Linh vừa là chủ cơ sở, là người quản lý, đồng thời là người trực tiếp đứng lớp cùng với hai bảo mẫu Đào và Huỳnh chăm sóc các cháu.

Tuy nhiên, trong quá trình trông giữ, chăm sóc các bé, do các cháu khóc, không chịu ăn uống, nên từ ngày 10-10 đến ngày 10-11-2017, ba bảo mẫu này đã dùng chân, tay, dao, bình nước rửa chén, muỗng inox, vung nồi, dép, ghế, khăn tay đánh vào nhiều vùng trên người nhiều cháu bé.

Cơ quan điều tra xác định ba bảo mẫu này có hành vi đánh đập, hành hạ khoảng 24 bé.

Trong đó, cháu K.Q (5 tuổi) bị Linh dùng vỏ bình nước rửa chén (loại bình 5 lít) đánh vào lưng, vai và đầu; cháu V.N (2 tuổi) bị Linh tát liên tiếp vào vai. Kết quả giám định pháp y thể hiện hai bé có tình trạng chậm phát triển tâm thần, vận động.

Tại phiên tòa, bị cáo Linh cho biết từng là giáo viên trường công lập trước khi đứng ra mở cơ sở Mầm Xanh. Đến năm 2016, bị cáo xin thay đổi loại hình hoạt động sang lớp mẫu giáo để được nhận trông giữ tối đa 40-50 bé.

Sau đó, Linh khai thuê Đào và Huỳnh vào làm nhưng không ký hợp đồng lao động.

Trong quá trình thẩm vấn các bị cáo, chủ tọa phiên tòa cho rằng, khi nhận bảo mẫu vào trường thì phải được đào tạo, có chứng chỉ, có kỹ năng chăm sóc trẻ em, nhưng bị cáo Linh không chú trọng vấn đề này.

Cụ thể, bị cáo Linh biết bị cáo Đào chưa có chứng chỉ kỹ năng chăm sóc trẻ, nhưng vẫn nhận bị cáo Đào vào chăm sóc các cháu.

Theo chủ tọa phiên tòa, trong số mấy chục cảnh bạo hành mà các clip tư liệu ghi lại có đến 30 cảnh được xác định do Linh thực hiện. Cụ thể, đối với trường hợp cháu K.Q, các cô bảo mẫu đang lau nhà thì cháu bò lên.

Linh chạy đến đánh bé K.Q. Trong các cháu bị Linh hành hạ, có cháu chỉ nói chuyện trong lớp cũng bị Linh đánh dã man. Đỉnh điểm ngày 10-11-2017, Linh dùng tay tát vào đầu và dùng tay nhấc cháu M.V.T (3 tuổi) ném vào góc tường…

Trong các cháu, thì cháu H.N.B (3 tuổi) có thể xem là bị hành hạ, đánh đập nhiều nhất. Cụ thể, ngày 10-10-2017, Linh dùng tay đánh vào đầu cháu; một ngày sau Linh tiếp tục dùng tay đánh liên tiếp 6 cái vào tay, vào mặt cháu.

Tiếp đó, đến ngày 24 và 25-10-2017, cháu B. lại bị Đào dùng muỗng múc canh và dép đánh vào đầu, vào mặt…

Hình thức dùng muỗng múc canh, dép, dùng tay để đánh vào đầu, mặt và vai các cháu liên tục được các bảo mẫu này sử dụng để hành hạ các cháu.

Cá biệt, cháu N.Q.K (5 tuổi) bị Linh đánh bằng tay, nắm chân cháu đập vào thành ghế đá, dùng roi nhựa đánh vào chân nhiều cái…

Cá biệt, theo bị cáo Linh khai nhận, các bảo mẫu còn sử dụng một hình thức "xử phạt" các cháu bé có lẽ là hiếm gặp từ trước đến nay, đó là bắt các cháu phải ngồi bô nhiều giờ liền, không cho các cháu đứng dậy chơi, chạy nhảy cùng các bạn khác.

Và bị cáo này vừa khóc vừa thừa nhận tất cả hành vi sai trái của mình trong nhiều ngày. "Bị cáo biết mình đã sai rồi", bị cáo Linh liên tục tỏ ra hối hận về hành vi phạm pháp của mình.

Còn bị cáo Huỳnh khai rằng mình chỉ tiện tay cầm dao dí vào mặt, bóp miệng cháu Đ.K.N (4 tuổi), mục đích là để dọa cho cháu không cắn bé kế bên nữa.

"Đang nấu ăn thì thấy hai bé cắn nhau nên bị cáo chạy lên xem, quên là mình đang cầm dao trên tay, chứ không muốn xâm phạm các bé", bị cáo Huỳnh giải thích.

Tuy nhiên, cáo trạng nêu rõ, ngày 27-10-2017 cháu Đ.K.N bị Linh dùng tay tát một cái vào mặt. Một tháng sau, cháu bé này bị Huỳnh cầm dao giơ lên dọa không cho cháu khóc.

Trong khi đó, bị cáo Đào cho biết cô "bạo hành các bé là làm theo yêu cầu của chủ cơ sở". Phản bác điều này, bị cáo Linh nói: "Bị cáo không đồng ý cho các cô đánh bé mà chỉ kêu các cô giữ lớp nề nếp, các bé phải học hành chăm ngoan".

Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa hỏi dồn: "Nếu bị cáo không đồng ý, làm sao họ có thể nhiều lần hành hạ các cháu?" thì bị cáo Linh cúi đầu thừa nhận.

Hành vi của các bị cáo mang tính bạo lực cao, gây hậu quả lớn cho trẻ

Đáng nói, bị cáo Linh khai nhận, theo giấy phép, cơ sở Mầm Xanh chỉ được nhận trẻ từ 3 đến 5 tuổi, nhưng trong quá trình hoạt động, Linh nhận luôn các trẻ dưới 3 tuổi. Đây là sai phạm, làm trái giấy phép được cấp cho cơ sở này.

Có một chi tiết mà chủ tọa phiên tòa đã gần như "truy hỏi" bị cáo Linh, đó là bên trong phòng trông giữ các trẻ, Linh đã cho treo nhiều cây nhôm trên các tường nhà.

Lúc đầu, bị cáo Linh cho rằng việc làm đó chỉ là cất đồ, để cho các bé không vất lung tung, gây xáo trộn đồ vật.

Tuy nhiên, khi bị vị chủ tọa phiên tòa hỏi dồn thì cuối cùng bị cáo Linh phải thừa nhận rằng để các cây nhôm như vậy chính là nhằm răn đe, dọa dẫm các cháu bé không được nghịch ngợm. Nếu các cháu hư sẽ bị các bảo mẫu dùng để đánh đập ngay tức khắc.

Vụ bạo hành ở Mầm Xanh: 'Bị cáo quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi mình gây ra' - 1
Ba bị cáo tại phiên tòa.

Giữ quyền công tố tại phiên tòa, xét thấy những hành vi phạm tội của các bị cáo khiến dư luận phẫn nộ; gây tổn thương nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe các cháu nhỏ và gia đình, đại diện Viện KSND quận 12 đã đề nghị mức hình phạt từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù giam cho bị cáo Linh về tội "Hành hạ người khác".

Riêng bị cáo Đào, ghi nhận tình tiết bị cáo này mới sinh con và cũng đã tự nghỉ việc sau khi nhận thấy hành vi hành hạ các cháu bé là sai trái, đại diện Viện KSND đề nghị mức án từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; và bị cáo Phạm Như Huỳnh (chưa đủ 17 tuổi khi bị phát hiện hành vi phạm tội) cũng bị đề nghị mức án như bị cáo Đào, cùng về tội "Hành hạ người khác".

Nói lời sau cùng, cả ba bị cáo đều tỏ ra hối hận về hành vi của mình và xin lỗi gia đình các cháu bé, mong được tha thứ và nhận mức án nhẹ để có cơ hội sửa sai.

"Bị cáo thấy quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi của mình gây ra. Những ngày qua, bị cáo ăn không ngon ngủ không yên, luôn bị ám ảnh vì tội lỗi của mình.

Bị cáo thành thật ngàn lần xin lỗi quý phụ huynh và các cháu nhỏ, mong gia đình, xã hội có cái nhìn tha thứ, bao dung với bị cáo và các bảo mẫu khác", bị cáo Linh vừa khóc nức nở vừa nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án.

Tại phiên tòa, đã có hai lần vị chủ tọa và một luật sư đã nhấn mạnh rằng Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20-2-1990.

Vậy mà các bị cáo làm bảo mẫu cho trẻ lại có hành vi đánh đập, hành hạ trẻ tàn nhẫn như vậy. Các bị cáo nghe vậy, cúi đầu bật khóc.

Vụ bạo hành ở Mầm Xanh: 'Bị cáo quá nhục nhã, đau đớn vì tội lỗi mình gây ra' - 2
Phiên tòa đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo đã phạm tội "Hành hạ người khác". Linh là chủ cơ sở, trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên, nhưng bị cáo đã làm sai quy định.

Bị cáo có hành vi bạo lực đe dọa, đánh trẻ. Hành vi của bị cáo này mang tính bạo lực cao, đánh vào các phần nguy hiểm trên thân thể trẻ.

Cùng với bị cáo Linh, hai bị cáo Đào và Huỳnh cũng có hành vi đánh đập, hành hạ khiến các cháu bé khiếp sợ. Các bé ở độ tuổi quá nhỏ, việc dùng bạo lực đã tạo nên sự đau đớn về thể xác và hoảng sợ về tinh thần.

Dù hành vi phạm tội của các bị cáo ít nghiêm trọng nhưng gây nên hậu quả lớn.

Tuy nhiên, các bị cáo đã ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo và có hoàn cảnh khó khăn.

Bị cáo Huỳnh phạm tội khi chưa đủ 18 tuổi, còn Đào phạm tội trong khi mang thai và sau đó mới sinh đôi con nhỏ nên tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã tuyên bị cáo Linh mức án kịch khung là 3 năm tù giam; bị cáo Huỳnh nhận mức án 1 năm 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; bị cáo Đào mức án 2 năm tù, cho hưởng án treo.

Ngoài ra, bị cáo Linh còn phải chịu khoản bồi thường dân sự lên tới hơn 800 triệu đồng cho gia đình các trẻ.

Kết thúc phiên tòa, một số vị phụ huynh tỏ ra không đồng tình với mức án mà các bị cáo phải nhận.

Họ cho rằng với hành vi tàn nhẫn, dã man đánh đập, hành hạ các cháu nhỏ chưa thể nào phản kháng lại, cần phải có một mức án nghiêm khắc hơn để làm gương cho những người khác.

Theo Phú Lữ (An Ninh Thế Giới)