Pháp luật

Vụ 245 tỉ đồng: Bà Bình tố Eximbank bất nhất, cố tình câu giờ

Bà Chu Thị Bình cho rằng Eximbank bất nhất, thiếu tôn trọng khách hàng và cố tình câu giờ nhằm né áp lực dư luận và cổ đông, đòi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các lãnh đạo ngân hàng này.

Sau gần một tháng kể từ khi xảy ra việc khởi tố 5 nhân viên Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) chi nhánh TP.HCM vì liên quan đến vụ mất 245 tỉ đồng, ngày 22-4, bà Chu Thị Bình đã tiếp tục thông tin liên quan đến diễn biến tiếp theo của việc giải quyết khiếu nại.

Người gửi tiền tố Eximbank cố tình câu giờ

Bà Bình cho biết mình cùng các luật sư đã có nhiều buổi làm việc trực tiếp với ông Lê Minh Quốc, Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc, cùng nhiều thành viên HĐQT khác.

Theo tinh thần thống nhất, Ngân hàng Eximbank đã thành lập tổ công tác để làm việc với phía bà Chu Thị Bình và ngày 16-4 hai bên đã có buổi làm việc để đối chiếu, kiểm tra dòng tiền cũng như các chứng từ gửi và rút tiền từ các tài khoản tiền gửi tiết kiệm của bà Bình mở tại Eximbank TP.HCM.

Tại buổi họp đó, hai bên đều có một cách hiểu thống nhất là vụ việc này chủ yếu liên quan tới 12 sổ tiết kiệm đứng tên bà Chu Thị Bình mở tại Eximbank TP.HCM.

Trao đổi với PV, luật sư Phan Trung Hoài, một trong hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Bình, cho biết với kết quả của buổi làm việc, phía bà Chu Thị Bình mong muốn Eximbank "có cái nhìn thấu đáo, toàn diện và đúng bản chất của vụ việc", làm rõ các vấn đề còn vướng mắc trên cơ sở các chứng từ do chính Eximbank quản giữ và cung cấp.

Tuy nhiên, tại cuối buổi làm việc ngày 16-4, mặc dù các bên thống nhất dự kiến ngày 21-4 sẽ trao đổi và tìm kiếm phương án có thể giải quyết sự việc nhưng cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và nhóm luật sư tư vấn và bảo vệ quyền lợi của Eximbank đã tìm nhiều lý do khác nhau, kéo lùi thời gian đối chiếu và chốt phương án giải quyết.

Vụ 245 tỉ đồng: Bà Bình tố Eximbank bất nhất, cố tình câu giờ
Liên quan đến vụ mất 245 tỉ đồng của bà Chu Thị Bình, 5 nhân viên Eximbank chi nhánh TP.HCM đã bị khởi tố, trong đó hai trường hợp bị bắt - Ảnh: HỮU THUẬN.

Đến ngày 18-4 Eximbank công bố thông tin bất thường trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM giữ nguyên quan điểm cho rằng vụ việc cần chờ phán quyết của tòa án.

"Hành động và việc làm của Eximbank là bất nhất, không tôn trọng chữ tín và thiếu chuẩn mực và cố tình câu giờ nhằm né tránh áp lực trước dư luận và các cổ đông đòi hỏi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các thành viên HĐQT và Ban lãnh đạo ngân hàng này", bà Bình nói.

Bà Chu Thị Bình cũng có nhiều văn bản kêu cứu và kiến nghị yêu cầu kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và "lỗ hổng về quản trị và trách nhiệm" của Eximbank trong vụ để mất 245 tỉ đồng này.

Ngày 6-4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình và có trả lời cho bà Bình và luật sư.

Eximbank: Chờ kết luận từ cơ quan điều tra

Phía bà Bình vẫn yêu cầu Eximbank trả ngay số tiền 245 tỉ mà không phải chờ phán quyết của Tòa án như quan điểm từ trước đến nay.

Trong khi đó, Eximbank cho hay, trong vụ của bà Chu Thị Bình có dấu hiệu về hành vi lừa đảo của ông Lê Nguyễn Hưng, nguyên phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM. 

Do cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra nên vậy ngân hàng này đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật chứ không đồng ý phương án trả ngay 245 tỉ đồng như yêu cầu của bà Chu Thị Bình.

Trước đó, Eximbank từng đề nghị tạm ứng cho bà Chu Thị Bình 14,8 tỉ đồng nhưng phía bà Bình không đồng ý với các điều kiện mà Eximbank đưa ra nên hai bên chưa đạt được thỏa thuận.

Vào ngày 27-4, Eximbank sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên trong đó dự kiến vụ mất 245 tỉ đồng cũng sẽ là một trong những "điểm nóng" của đại hội. 

Theo A.Hồng (Tuổi Trẻ)