Pháp luật

VKSND Tối cao xem xét lại vụ "chai nước ngọt có ruồi"

Hồ sơ vụ án "đổi" chai nước ngọt có ruồi của Tân Hiệp Phát lấy 500 triệu đồng vừa được chuyển cho VKS Tối cao xem xét lại.

Hồ sơ vụ án "đổi" chai nước ngọt có ruồi của Tân Hiệp Phát lấy 500 triệu đồng vừa được chuyển cho VKS Tối cao xem xét lại.

Động thái này, theo một kiểm sát viên cao cấp, là theo quy định chứ không có nghĩa vụ án "có vấn đề". Ông giải thích, sau khi xử phúc thẩm, nếu bản án bị khiếu nại, kháng nghị hoặc VKSND Tối cao tự thấy cần thiết phải xem xét lại vụ án thì lấy lên nghiên cứu.

"Nếu thấy vi phạm tố tụng hay phát hiện tình tiết mới làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án thì Viện kiến nghị hủy án. Còn bản án đã tuyên là đúng pháp luật, phù hợp thì sẽ có văn bản trả lời khiếu nại luật sư", kiểm sát viên nói.

vksnd-toi-cao-xem-xet-lai-vu-chai-nuoc-ngot-co-ruoi

Tại phiên phúc thẩm, Minh vẫn kêu oan. Ảnh: H. D. 

Trong đơn khiếu nại, luật sư nêu, Minh bị cáo buộc dùng thủ đoạn đe dọa đưa thông tin lên báo chí, mạng xã hội, rải tờ rơi... nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, quá trình điều tra và thẩm vấn tại tòa, Minh khẳng định không quen báo chí, truyền hình, không in ấn tờ rơi cũng không biết mạng xã hội hay điện thoại thông minh... Bị cáo cũng không có đủ điều kiện, kỹ năng để thực hiện việc đó.

Mặt khác, Tân Hiệp Phát không bị uy hiếp tinh thần, bởi sau khi nhận được yêu cầu của Minh công ty này đã nhiều lần thương lượng mà không báo công an ngay. Quá trình xử lý sự cố truyền thông, điều tra, truy tố, xét xử, công ty đều khẳng định "100% chai nước có ruồi không phải của mình" nhưng lại đi thương lượng với Minh.

"Minh không có ý thức phạm tội mà chỉ nghĩ rằng việc đổi chai nước có ruồi cho công ty để lấy tiền. Thậm chí Minh còn vô tư ký vào biên bản thỏa thuận và nhận tiền của công ty", luật sư phân tích.

Ngoài ra, tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND Tối cao nêu quan điểm "đáng lẽ hành vi của bị cáo chỉ đáng 2-3 năm tù nhưng vì bị cáo kêu oan nên đề nghị y án sơ thẩm". Theo luật sư Hưng, pháp luật không có quy định nào thể hiện nếu kêu oan thì không được giảm án.

"Điều đó nói lên rằng, không chỉ dư luận mà chính nội tâm những người tiến hành tố tụng cũng nhìn thấy cần chọn một mức xử lý phù hợp với Minh, việc cách ly Minh ra khỏi xã hội trong một thời gian quá dài là không cần thiết", ông nêu và cho rằng bản án tuyên Võ Văn Minh 7 năm tù là chưa có cơ sở vững chắc, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi.

Theo bản án phúc thẩm, ngày 3/12/2014, trong lúc lấy chai nước ngọt Number 1 bán cho khách, Minh phát hiện bên trong có con ruồi nên liên lạc với Tân Hiệp Phát yêu cầu đổi chai nước ngọt này lấy một tỷ đồng, sau đó xuống giá 500 triệu.

Cuối năm 2015, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm tuyên phạt Minh mức án 7 năm tù, bị cáo kêu oan. Hồi tháng 9 năm ngoái, TAND Cấp cao tại TP HCM xử phúc thẩm giữ nguyên phán quyết.

Theo HĐXX, biên bản phạm tội quả tang cho thấy hành vi của bị cáo đủ căn cứ cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản. Sau khi tòa sơ thẩm tuyên phạt, bị cáo không xin xem xét giảm nhẹ hình phạt mà kêu oan nên HĐXX không có căn cứ chấp nhận.

Theo H.Duyên (VnExpress.net)