Pháp luật >> Ông Đinh La Thăng và hàng loạt 'sếp lớn' PVN bị khởi tố

Luật sư của ông Đinh La Thăng: VKS áp dụng lẫn lộn luật

VKS bất ngờ đề nghị đề nghị tòa giảm hình phạt với 6 bị cáo

Nội dung tranh luận sáng nay của ba công tố viên bị luật sư bảo vệ ông Đinh La Thăng cho rằng thể hiện việc quy kết, suy đoán thiếu căn cứ.

Luật sư của ông Đinh La Thăng: VKS áp dụng lẫn lộn luật
Ba công tố viên tại phiên tòa. Ảnh: Nhân Dân

Đầu phiên làm việc chiều 15/1, tiếp tục phần tranh tụng, công tố viên cho hay trong 22 bị cáo có người tham gia vào toàn bộ sai phạm của vụ án, có người chỉ tiếp nhận sự chỉ đạo mà làm sai, có người là đồng phạm...

Qua một tuần diễn ra phiên xử, VKS thấy cần thiết phải bổ sung một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt với 6 bị cáo. Trong đó, VKS ghi nhận bị cáo Bùi Mạnh Hiển (cựu chánh văn phòng PVC), Phạm Tiến Đạt (cựu kế toán trưởng PVC) đã "tích cực hợp tác", bị cáo Nguyễn Lý Hải (cựu trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch) có thành tích xuất sắc.

Bị cáo Hiển, Đạt, Lương Văn Hòa (cựu giám đốc Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Lê Đình Mậu (cựu phó trưởng ban kế toán - kiểm toán PVN), Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó Chủ tịch HĐQT PVC) có thêm nhiều tình tiết mới, bên cạnh việc tích cực hợp tác điều tra.

"Đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt cho các bị cáo trên..., không yêu cầu bị cáo Quý, Mậu, Tiến, Đạt phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại hơn 119 tỷ đồng từ hành vi cố ý làm trái", công tố viên nói và cho hay các vấn đề khác vẫn giữ nguyên quan điểm của bản luận tội.


*VKS bất ngờ đề nghị tòa giảm hình phạt với 6 bị cáo

Bốn ngày trước, trong phần luận tội, VKS đề nghị phạt bị cáo Phạm Tiến Đạt: 6-7 năm; Bùi Mạnh Hiển: 13-14 năm; Lê Đình Mậu: 7-8 năm; Nguyễn Ngọc Quý: 8-9 năm; Nguyễn Lý Hải: 30-36 tháng tù treo; Lương Văn Hòa: 13-14 năm.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp: VKS áp dụng lẫn lộn luật

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) cho rằng VKS đã "cẩn trọng" khi đối đáp vào sáng nay nhưng chỉ tranh luận được "về mặt hình thức". "Nội dung tranh luận thể hiện việc quy kết, suy đoán, thiếu căn cứ và vi phạm nguyên tắc cá thể hóa", ông Thiệp nêu.

Luật sư cho rằng VKS áp dụng điều 608 Bộ luật Dân sự để tính thiệt hại trong việc sử dụng sai mục đích 1.115 tỷ đồng tạm ứng tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là có sự lẫn lộn trong việc áp dụng bộ luật, bởi "ở đây không phải tranh chấp" mà là "đánh giá thiệt hại dựa trên hành vi phạm tội hình sự".


Ông Nguyễn Huy Thiệp luật sư bào chữa cho Đinh La Thăng đối đáp với VKS.

Trước việc sáng nay VKS nhận định ông Thăng có lợi ích nhóm khi chỉ định thầu với PVC, luật sư cho rằng điều này là "không có căn cứ". "VKS đã thiếu thuyết phục khi dẫn chứng rằng ông Vũ Đức Thuận (cựu tổng giám đốc PVC), Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT PVC) do ông Thăng cất nhắc nên có ưu ái, chỉ định thầu và vì thế ở đây có lợi ích nhóm... Vậy căn cứ nào thể hiện lợi ích nhóm?", luật sư đối đáp.

Luật sư Thiệp nói trong vụ án này có việc áp dụng "tư duy lạc hậu" khi đánh giá bởi không nhất nhất bất kỳ việc gì cũng cần ông Chủ tịch HĐQT, ông tổng giám đốc phải biết và chỉ đạo sát sao. Bên cạnh đó, lời khai của cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn về việc bị ông Thăng gọi vào phòng mắng ép phải chi tiền tạm ứng cho PVC, theo luật sư cần được "xác minh ngay", tránh việc có thể ông Sơn nhớ đâu đó tản mạn mà khai.

Đánh giá như VKS thì đã không có cầu Chương Dương

Cùng bào chữa cho ông Thăng, luật sư Đào Hữu Đăng cho rằng VKS dành nhiều thời gian để chứng minh PVC không đủ năng lực để làm tổng thầu tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD, song lại chỉ dựa trên tiêu chí PVC chưa từng làm tổng thầu một dự án lớn như vậy. 

"Nếu với quan điểm như vậy, có lẽ đã không có cầu Chương Dương vì trước khi xây cầu không có ai đủ năng lực cả, cũng không thể đưa Việt Nam vào hàng một số nước làm được giàn khoan nổi, cũng không có nhà máy thủy điện Sơn La hay Lai Châu…", luật sư trình bày.

Theo luật sư, nếu không giao cho doanh nghiệp Việt Nam những dự án lớn thì họ chỉ mãi mãi làm những dự án nhỏ, là những nhà thầu phụ. "Giữa quan điểm bất biến và quan điểm phát triển thì cái nào quan trọng hơn?’, luật sư đặt câu hỏi với đại diện VKS.

Ông Đăng dẫn chứng tới nay PVC vẫn là tổng thầu ở Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và đã hoàn thành gần xong dự án. "Khó khăn về tài chính do tập đoàn tái cơ cấu không phải là nguyên nhân khiến PVC không đủ năng lực, bởi dự án xây dựng bằng vốn ngân sách", luật sư Đăng đối đáp.

Muốn được tranh luận đến cùng 

Viện dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc "đối đáp đến cùng" và không hạn chế nội dung, luật sư Hoàng Huy Được (bảo vệ cựu tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực) mong được công tố viên làm sáng tỏ hàng loạt vấn đề.

Luật sư của ông Đinh La Thăng: VKS áp dụng lẫn lộn luật - 1
Bị cáo Thực có hai năm làm tổng giám đốc, hai năm làm chủ tịch PVN.  Ảnh: TTXVN

Luật sư cho rằng ở vụ án này có nhiều bị cáo cùng là lãnh đạo tập đoàn nên gây ra cách hiểu có sự bàn bạc, thống nhất nhưng thực tế không phải vậy. Luật sư đã giao nộp 12 trang tài liệu không có trong hồ sơ và đề nghị VKS xem xét lại để "không gắn cho ông Thực câu 'buộc phải biết' về các sai phạm tại dự án này".

Cho rằng chưa nhận được đối đáp về cáo buộc "ông Thực cùng ông Đinh La Thăng chỉ định thầu cho PVC", luật sư đề nghị được đối đáp và dẫn chứng cụ thể hơn chứ không thể chung chung. Luật sư nói lời khai của cựu phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh tại cơ quan điều tra chưa được thẩm tra tại phiên tòa và cũng chưa đủ căn cứ, nhưng khi tranh tụng công tố viên lại nêu ra làm căn cứ để trả lời.

Cuối phần trình bày, luật sư Được muốn làm rõ hơn nội dung ông Thực "có thành khẩn khai báo hay không?". Luật sư cho rằng thân chủ đã trung thực, chính xác khi khai báo nhưng như thế không có nghĩa là không thành khẩn. Hơn nữa, ông Thực nhận trách nhiệm chứ không "đổ trách nhiệm cho cấp dưới như VKS quy kết.


Ông Đinh Anh Tuấn luật sư bào chữa cho ông Phùng Đình Thực đối đáp với luật sư

Theo Bảo Hà (VnExpress.net)