Pháp luật >> Ông Đinh La Thăng và hàng loạt 'sếp lớn' PVN bị khởi tố

Viện kiểm sát: Vụ án ông Đinh La Thăng PVN thiệt hại 119 tỉ

Video: Ông Đinh La Thăng nói về quy kết lợi ích nhóm của VKS

Tranh luận với các luật sư trong vụ án PVN - PVC, đại diện Viện kiểm sát nói tính toán thiệt hại đã xảy ra chứ không phải là thiệt hại trong tương lai.

Viện kiểm sát: Vụ án ông Đinh La Thăng PVN thiệt hại 119 tỉ
Đại diện Viện kiểm sát tại tòa

Đại diện Viện kiểm sát chiều nay 16-1 đã tranh luận với các luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ án "Cố ý làm trái" và "Tham ô tài sản" xảy ra ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Chính PVC thừa nhận không đủ năng lực

"Đối với cùng một vấn đề, chứng cứ thì có cách đặt vấn đề, tiếp cận và quan điểm khác nhau. Về tư tưởng và quan điểm mới của Bộ luật Hình sự mới, chúng tôi hiểu rõ những quy định cơ bản, và cũng đánh giá trên cơ sở tôn trọng với các chứng cứ, cân nhắc xem xét tài liệu mới có phù hợp với hồ sơ tài liệu không", đại diện VKS tranh luận việc định tội danh cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh - nguyên chủ tịch HĐQT PVC

Đại diện VKS tiếp tục khẳng định: Những hồ sơ, chứng cứ đủ để khẳng định các bị cáo thực hiện hành vi vi phạm.

Về năng lực kinh nghiệm của PVC, VKS cho rằng, vụ án này xuất phát điểm và xuyên suốt là việc chỉ định PVC làm tổng thầu. Ngay cáo trạng, hồ sơ và lời khai của các bị cáo cũng cho thấy PVN chỉ định thầu cho PVC là không đúng nghị quyết của HĐTV tập đoàn này.

"Chính PVC và ban điều hành đều thừa nhận thời điểm ký hợp đồng PVC không đủ năng lực theo quy định đối với dự án trọng điểm có nguồn vốn lớn. Các bị cáo phải chịu trách nhiệm về chỉ định thầu, còn về năng lực tài chính và năng lực kinh nghiệm chúng tôi đã nêu ra cụ thể", đại diện VKS nhấn mạnh.

VKS cũng dẫn báo cáo giải trình trong quá trình triển khai dự án, khi dự án bị kéo dài và chậm tiến độ, báo cáo của PVC, cho thấy PVC chưa lường hết được khó khăn trong quá trình thực hiện công việc. 

"Như vậy, bản thân PVC đã thừa nhận chưa đủ năng lực thực hiện dự án", đại diện VKS dẫn chứng.

Về vấn đề thiệt hại, đại diện VKS nói: "Các luật sư ở đây, có những luật sư là chuyên gia, cũng khẳng định có thiệt hại, nhưng không nhiều. Như vậy, do cách tính, do đánh giá, do lập luận về cách thức, phương thức. Do đó, kết luận giám định đưa ra là đúng, có cơ sở. Thiệt hại này là thiệt hại đã xảy ra chứ không phải là thiệt hại trong tương lai".

VKS: Luật sư nâng quan điểm!

Trong phần bào chữa trước đó, luật sư Trần Hồng Phúc có so sánh với việc ACB ủy thác gửi tiền bị khởi tố, còn ở đây không gửi cũng bị xử lý. 

Về vấn đề này, đại diện VKS cho rằng: "Luật sư đẩy lên một vấn đề về đường lối xét xử của các cơ quan tố tụng. Tôi nhắc lại ý này, vụ án ACB là do ngân hàng ACB ủy thác cho cá nhân gửi tiền VietinBank và bị chiếm đoạt. Ngân hàng Nhà nước không cấm gửi tiền, mà cấm ủy thác cho cá nhân gửi tiền".

Đồng thời, VKS nhắc luật sư: "Khi phát biểu, nâng lên thành quan điểm thì cần xem lại".

Về việc áp dụng luật dân sự để tính thiệt hại mà luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) nhận định là "lẫn lộn", đại diện VKS nhấn mạnh nếu Bộ luật Dân sự có quy định thì không được xử lý trái Bộ luật Dân sự. 

"Bộ luật Hình sự nhiều vấn đề phải dẫn chiếu đến Bộ luật Dân sự. Ở đây, phải áp dụng Bộ luật Dân sự để tính thiệt hại", đại diện VKS khẳng định.

Không tranh luận với luật sư về tội tham ô

Đối với tội "Tham ô tài sản" được cáo buộc cho ông Trịnh Xuân Thanh, đại diện VKS nói cơ quan này đã đưa ra ý kiến đánh giá khách quan và phù hợp với hồ sơ vụ án. Những vấn đề luật sư đưa ra tranh luận không mới, đã được VKS phân tích để khẳng định hành vi phạm tội. Do đó, VKS không tranh luận với luật sư.

Việc đánh giá chứng cứ thế nào là do HĐXX xem xét và đưa ra mức án phù hợp trên cơ sở kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Tương tự, đại diện VKS cũng không tranh luận về tội "Cố ý làm trái" được cáo buộc cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh vì "lý lẽ luật sư nêu ra không mới".

Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)