Pháp luật

Vì sao ông Nguyễn Thanh Hóa không bị khởi tố về hành vi rửa tiền?

Video: Đường dây đánh bạc nghìn tỷ hoạt động ra sao?

Công an tỉnh Phú Thọ đang tích cực điều tra mở rộng vụ án Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành.

Liên quan đến đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng, tính đến ngày 12.3, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố 74 bị can, trong đó tạm giam hơn 30 bị can để điều tra vụ án sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.

Để rửa nguồn tiền thu lợi bất chính từ đánh bạc qua mạng, nhóm cầm đầu đã sử dụng một công ty kinh doanh trò chơi để chuyển hóa thành lợi nhuận kinh doanh, thu lợi bất chính.

Trong số những bị can, có ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát công nghệ cao đã bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc. Xoay quanh vụ việc trên, dư luận đặt ra, liệu với việc có liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng và các đối tượng cầm đầu đường dây, ông Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu của hành vi rửa tiền không?

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tại Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010, Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Còn Tổ chức đánh bạc được hiểu là hành vi chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia đánh bạc trái phép.

Vì sao ông Nguyễn Thanh Hóa không bị khởi tố về hành vi rửa tiền?
Ông Nguyễn Thanh Hóa bị khởi tố về tội Tổ chức đánh bạc.

Đồng thời, rửa tiền là một trong các hành vi như sau: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

“Theo các quy định trên, việc làm của ông Nguyễn Thanh Hóa mà báo chí nhắc đến phù hợp với hành vi tổ chức đánh bạc chứ không phải hành vi rửa tiền. Còn nếu họ có hành vi rửa tiền, đó sẽ là hành vi độc lập khác với hành vi tổ chức đánh bạc. Theo quy định của pháp luật, nếu bị xử lý về tội Tổ chức đánh bạc, mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù”, ông Giang Hồng Thanh cho biết thêm.

Theo Khánh Ngân (Nguoiduatin.vn)