Pháp luật

Vì sao các cán bộ Sơn La bị khởi tố?

Khai tăng diện tích đất so với thực tế, thay đổi loại đất… để nhận tiền bồi thường cao hơn. Những thủ đoạn rút ruột tiền tỷ của ngân sách nhà nước khiến 17 cán bộ của Sơn La vướng vòng lao lý.

Bí thư bản khai khống chục ha để nhận đền bù

Ngày 20/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã bắt tạm giam, khám xét nơi ở của bị can Đèo Văn Ban, 61 tuổi, nguyên cán bộ UBND huyện Mường La, bí thư chi bộ bản Co Chai, xã Mường Chùm để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. 

Vì sao các cán bộ Sơn La bị khởi tố?
Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sơn La khám xét nơi ở của Đèo Văn Ban (nguyên bí thư chi bộ bản Co Nha, xã Mường Chùm) ngày 20/11

Bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra xác định gia đình ông Ban có diện tích đất được đền bù trong dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Diện tích đất này đã được đền bù từ năm 2005.

Năm 2014, tỉnh Sơn La có chủ trương giao UBND huyện Mường La đo đạc bản đồ xem xét phần đã bồi thường và chưa bồi thường di dân tái định cư để lập phương án trình UBND tỉnh.

Lợi dụng chủ trương này, ông Ban đã cùng với nhóm cán bộ vừa bị khởi tố hợp thức hóa nhiều giấy tờ để nhận tiền đền bù gây thiệt hại cho Nhà nước hàng tỉ đồng.

Vì sao các cán bộ Sơn La bị khởi tố? - 1
Đèo Văn Ban được cho rằng đã nhận tiền đền bù của khoảng 10ha khai khống

Cụ thể, diện tích đất nhà ông Ban khoảng 5ha, tại thời điểm năm 2014 nhiều phần đất đã bị ngập nước không thể đo đạc được nhưng vẫn được lập hồ sơ đo đạc và nâng khống lên hơn 17ha để nhận tiền đền bù.

Tương tự, cùng với thủ đoạn trên, mặc dù thực tế diện tích đất của một số hộ dân là đất ngập nước không thể đo đạc, nhưng trên hồ sơ chi trả đền bù bổ sung vẫn đầy đủ bản vẽ . Các bị can đã dùng cách này để lập khống, làm tăng diện tích đất lên nhiều lần để rút ruột tiền ngân sách nhà nước.

Hơn 600 hộ được lập khống hồ sơ đất

Khai tăng diện tích đất so với thực tế, thay đổi loại đất, mục đích sử dụng đất... để nhận tiền bồi thường. Đó là những sai phạm của các đối tượng bị khởi tố trong vụ án: Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến bồi thường đất đai tại khu vực nhà máy Thuỷ điện Sơn La.

Cả huyện Mường La có tới hơn 600 hộ dân trong tình trạng hồ sơ đất đai được lập khống. Hộ thì tăng diện tích đất, hộ thì không đúng loại đất so với thực tế như đất rừng phòng hộ được “tráo” thành đất rừng sản xuất để nhận tiền bồi thường cao hơn...

Anh Sồng A Tếnh, người dân xã Tả Bú, huyện Mường La, bức xúc: Các trường hợp kê khai không đúng thực tế thì mong nhà nước xử lý nghiêm để tránh trường hợp công khai mà không đúng thì gây thất thoát tiền của nhà nước và không công bằng cho người dân ở đây.

Kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Sơn La cho thấy: UBND huyện Mường La đã ban hành kế hoạch đo đạc, lập bản đồ địa chính, thu hồi đất chi tiết sai quy định.  Đây là tiền đề dẫn tới hàng loạt sai phạm ở các khâu tiếp theo. Nghiêm trọng nhất ở khâu các cán bộ đo đạc đã lập khống các hồ sơ bản đồ địa chính.

Thượng tá Lù Văn Lịch, Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Sơn La cho biết: “Hành vi của các đối tượng được xác định là tác nhân gây ra hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng này, có thể nói từ khâu ban hành chính sách, tổ chức chỉ đạo cho đến đo đạc... các cán bộ này đã biên tập và số hoá các diện tích đất, loại đất dẫn đến sai phạm”.

Theo tìm hiểu, đã có tới 62 quyết định phê duyệt phương án thu hồi đất chi tiết, 46 quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ do UBND huyện Mường La ban hành sai quy định, cùng với đó là 16 bản đồ không được thẩm định được ký xác nhận bởi Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo Thái Bình (VietNamNet)