Pháp luật

Út 'trọc' khai nhà nghèo khổ, học ít, chữ xấu nên nhờ người khác viết hộ lý lịch Đảng

Video: Út 'trọc' hợp thức hàng chục xe công vụ để hưởng lợi ra sao?

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") cho rằng, do học hành ít, chữ xấu nên phải nhờ người khác viết hộ trong lý lịch Đảng và kê khai "nhầm" cả bằng Đại học Kinh tế quốc dân giả trong đó.

Út 'trọc' khai nhà nghèo khổ, học ít, chữ xấu nên nhờ người khác viết hộ lý lịch Đảng
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ. Ảnh: V.H

Chữ xấu nên phải nhờ người khác viết hộ lý lịch

Trong sáng 31/7, sau phần luận tội của Viện kiểm sát quân sự quân khu 7, phiên tòa xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") bước sang phần tranh tụng của các luật sự, bị cáo với đại diện VKS.

Trong phần tự bào chữa của mình, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng, liên quan đến thế chấp, cho thuê xe, bị cáo đều xin ý kiến Tổng công ty, HĐQT đồng ý mới dám quyết định việc cho thuê hay thế chấp. Hơn nữa, trong số xe cho thuê có cả xe có 80A biển trắng và biển 80M.

Bị cáo Hệ cho hay, khoản tiền hơn 6 tỷ đồng thu được là lấy tiền trước để cho thuê hạn 3 năm với 2 xe biển xanh 80A nhưng trên thực tế mới chỉ được 1 năm, 2 năm sau đó, các xe được chuyển qua biển trắng của địa phương.

Về việc cho mượn xe, bị cáo nói "bản thân sống rất tình nghĩa với mọi người trên dưới". Khi xin tờ trình, các cấp từ Tổng công ty đều xác nhận và khẳng định cấp xe để hoạt động kinh doanh, đối nội lẫn đối ngoại.

"Những người bị cáo cho mượn để đối ngoại đều có nhân thân tốt", bị cáo Hệ nói và cho biết, khi giao xe hay tiến hành thế chấp, trên Tổng công ty đã kiểm tra nhưng không có chỉ đạo hay góp ý gì.

Út 'trọc' khai nhà nghèo khổ, học ít, chữ xấu nên nhờ người khác viết hộ lý lịch Đảng - 1
Ảnh: TTXVN.

Về cáo buộc chỉ đạo hợp thức hóa lượng xăng kém chất lượng bị Quản lý thị trường Bình Dương phát hiện, xử lý, Út "trọc" nêu, trong suốt quá trình xử lý, ông ta không biết gì cho đến khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án và VKS công bố cáo trạng.

Đối với cáo buộc sử dụng bằng đại học Kinh tế quốc dân giả, Đinh Ngọc Hệ phân trần, bị cáo là nông dân, học hành, ở với anh trong Sài Gòn và sống trong đó, như người trong Nam Bộ, tình cảm gắn bó.

"Khi nghe anh em xã hội nói không cần học nên bị cáo nghĩ đơn giản như ở quê. Khi Ủy ban Kiểm tra vào bị cáo mới biết và đây là lỗi vô ý chứ không phải cố ý. Đến năm 2005 bị cáo đã không sử dụng bằng giả", bị cáo Hệ nói.

Theo trình bày của Đinh Ngọc Hệ, năm 2008 bị cáo đã vào một trường đại học nhưng vì điều kiện học tập trung nên không học được, sau đó, chuyển học Viện ĐH Mở từ xa.

"Bị cáo là nông dân, học hành ít, gia đình nghèo khổ cũng cố gắng học nhưng vì chuyện nọ, chuyện kia nên mới thế", bị cáo Hệ nói.

Về việc trong hồ sơ Đảng viên vẫn kê khai có bằng đại học Kinh tế quốc dân, bị cáo Hệ giải thích do "chữ xấu nên phải nhờ người khác viết hộ, bị cáo ký nhưng nghĩ chuyện xảy ra rồi thì bị cáo chấp nhận chịu trách nhiệm chứ không từ chối. Chỉ mong HĐXX xem xét tình tiết đó để thông cảm cho bị cáo".

Bị cáo này cho biết thêm, trong 8 năm làm ở công ty Thái Sơn, bị cáo làm và "không xài một cắc nào tiền rút ra từ tài khoản của công ty để xài cho cá nhân".

Chiều 31/7, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng, đối đáp của VKS

Chiều 31/7, đại diện Viện kiểm sát quân sự quân khu 7 đã đối đáp lại phần bào chữa của luật sư và bị cáo Đinh Ngọc Hệ Theo đại diện VKS, bị cáo Đinh Ngọc Hệ được bổ nhiệm thượng tá, chức vụ Phó Tổng GĐ, bị cáo ký các quyết định bổ nhiệm Trần Xuân Sơn, Trần Văn Lâm, hoạt động công vụ là có và bị cáo được cử xuống để bảo tồn vốn 20%. 

VKS nêu rõ, bị cáo nói không có động cơ cá nhân nhưng vì sao đặt tên Thái Sơn Bộ Q.P. Thực tế, việc đặt tên này gây hiểu lầm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín quân đội. Đại diện VKS nêu rõ, từ hành vi cho thuê xe trái pháp luật của bị cáo Hệ, dẫn đến các bị cáo thu được hơn 6 tỷ đồng và gây thiệt hại về danh dự, uy tín quân đội. 

"Cho mượn xe là giải quyết vấn đề tình cảm nhưng đối chiếu quy định pháp luật là vi phạm", đại diện VKS nhấn mạnh. Đối với vấn đề xăng dầu kém chất lượng, theo đại diện VKS, qua việc công bố các biên bản, quy định đánh giá thiệt hại của Cục QLTT, chi cục QLTT, lời khai của các bị cáo… đều chứng minh được bị cáo Hệ trực tiếp điện thoại cho ông Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương lúc đó, ông Tiệp để nhờ và Lâm là người thực hiện chỉ đạo. 

Chính từ việc nhờ, suy nghĩ đơn giản dẫn đến hàng loạt hành vi tiếp theo của các bị cáo Tiệp, Lâm, Sơn. Đồng thời, dẫn đến việc thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vấn đề bằng giả của bị cáo Hệ, đại diện KS nhấn mạnh, đã chứng minh bằng việc công bố các tài liệu và đều công chứng sau năm 2005. 

Bị cáo Hệ đã thừa nhận, do nhận thức chưa đúng về bằng giả. Việc sử dụng bằng giả nhiều lần bị cáo Hệ đã đưa vào hồ sơ trong những giai đoạn khác nhau. "Lỗi vô ý là không đúng. Bằng chính bị cáo giữ thì không thể một người mang đi photo công chứng khi không có ý kiến của bị cáo", VKS nêu. 

Về việc Bộ Quốc phong hủy quyết định xử lý hành chính chuyển sang xử lý trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hệ, đại diện VKS khẳng định là phù hợp. Cụ thể, thấy hậu quả gây ra lớn không thể xử lý hành chính phải xử lý hình sự nên việc hủy quyết định xử lý hành chính là đúng. Việc cơ quan tiến hành tố tụng truy tố bị cáo ra phiên tòa hôm nay là đúng, không vi phạm.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)