Pháp luật

Tý "điên" và đồng bọn phủ nhận bảo kê ở bến xe Miền Đông

Trong phiên xét xử chiều 12/7, Nguyễn Trọng Ngôn (tức Tý "điên") cùng một số bị cáo chối bỏ việc sở hữu vũ khí và hành vi bảo kê tại bến xe Miền Đông.

Trong phiên xét xử chiều 12/7, Nguyễn Trọng Ngôn (tức Tý "điên") cùng một số bị cáo chối bỏ việc sở hữu vũ khí và hành vi bảo kê tại bến xe Miền Đông.

Trong phần trả lời xét hỏi của luật sư Nguyễn Văn Quynh, Nguyễn Trọng Ngôn (tức Tý "điên") cùng các bị cáo khác phủ nhận việc bảo kê ở bến xe miền Đông. "Tôi không hề thu tiền của nhà xe nào thì làm gì có chuyện bảo kê", Tý "điên" nói.

Tuy nhiên, tội danh Cưỡng đoạt tài sản của các bị cáo cũng đã được HĐXX đình chỉ trong phiên xét xử lần này.

Khi được hỏi về số vũ khí thu được tại nhà bị cáo Nguyễn Quốc Mạnh (50 tuổi), bị cáo Mạnh và Nguyễn Trọng Ngôn (em trai Mạnh) cho rằng đó là vũ khí được người khác gửi. Số vũ khí trên gồm 1 súng hơi, 9 mô hình đao bằng sắt, 1 roi điện cùng một số đạn chì.

Theo bị cáo Mạnh, mô hình đao là dụng cụ để tập dưỡng sinh. Đao đó làm bằng sắt nhưng không bén.

Trước lời giải thích trên, chủ tọa Vũ Thanh Lâm đặt câu hỏi: "Nhà bị cáo có bao nhiêu người tập dưỡng sinh mà lại nhiều mô hình đao như vậy?"

Ty 'dien' va dong bon phu nhan bao ke o ben xe Mien Dong hinh anh 1

 Bị cáo Ngôn và đồng bọn phủ nhận hành vi bảo kê tại bến xe miền Đông. Ảnh: Hoài Thanh.

Sau khi HĐXX thẩm vấn, các luật sư lần lượt tham gia xét hỏi. Ngoại trừ bị cáo Hồ Sỹ Quý thừa nhận hành vi gây thương tích cho ông Nguyễn Hữu Bình, 5 bị cáo còn lại (bao gồm Nguyễn Trọng Ngôn, Nguyễn Quốc Mạnh, Ngô Quang Đồng, Dương Văn Lành, Đinh Trọng Quý) đều phủ nhận cáo trạng.

Đặc biệt, trong phần trả lời xét hỏi của luật sư Nguyễn Văn Quynh, bị hại Nguyễn Hữu Bình khai rằng một trong những lời khai trước đó với cơ quan điều tra là không đúng sự thật. Ông Bình nhắc đến việc điều tra viên tên Khoa có dấu hiệu ghi nhận khác với những gì ông trình bày.

Tại phiên xử, HĐXX cũng triệu tập người làm chứng Đặng Quốc Xí. Ông Xí chính là người gọi điện cho bị cáo Ngôn vào thời điểm xảy ra vụ ẩu đả.

Người này khai: "Ngay sau khi nghe tin có vụ đánh nhau giữa hai nhà xe Hoàng Long và An Sinh, tôi liền gọi điện cho anh Tý để tìm hiểu thông tin. Anh Tý nói rằng anh đang ở nhà và không hề biết gì về vụ ẩu đả đó".

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng lời khai của ông Xí không thể chứng minh việc bị cáo Ngôn có đang ở nhà thật không nên không xác định ông Xí là người làm chứng của vụ án.

Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra ngày mai, 13/7.

Theo cáo trạng, từ năm 2010, Ngôn đứng ra thành lập băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen tại khu vực bến xe Miền Đông (TP.HCM). Nhóm này sẵn sàng đánh bất cứ người nào mâu thuẫn với mình để dằn mặt và tạo uy tín tại khu vực bến xe trên.

Đồng thời, Ngôn chỉ đạo các đàn em trong nhóm gây sức ép trực tiếp bằng cách gặp các nhà xe yêu cầu chi tiền bảo kê. Nếu không chấp nhận, Ngôn cho người gây khó khăn và đe dọa nhân viên nhà xe. Từ đó, các nhà xe buộc đến gặp Ngôn để được bảo kê.

Từ năm 2010 đến khi bị bắt giữ, Ngôn và đồng phạm đã gây ra 3 vụ cố ý gây thương tích.

Theo Hoài Thanh - Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)