Pháp luật

Tướng công an lý giải về việc quy tội giết người với Trần Văn Vót

"Anh Thanh vào bộ đội, đơn vị không ai biết anh từng phạm tội ở địa phương để từ đấy có việc tra tấn, bức cung, nhục hình, việc anh Thanh khai nhận hành vi ném lựu đạn là hoàn toàn tự nguyện" - Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Cục trưởng C44 (Bộ Công an) nói.

"Anh Thanh vào bộ đội, đơn vị không ai biết anh từng phạm tội ở địa phương để từ đấy có việc tra tấn, bức cung, nhục hình, việc anh Thanh khai nhận hành vi ném lựu đạn là hoàn toàn tự nguyện" - Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Cục trưởng C44 (Bộ Công an) nói.

Tại buổi họp báo của TAND Tối cao, về việc liên ngành tố tụng T.Ư công bố kết luận vụ án Trần Văn Vót (Hà Nam) sáng 19.10, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Cục trưởng C44 (Bộ Công an) cho biết, vụ án Trần Văn Vót xảy ra từ năm 1992. Sau khi có nhiều đơn khiếu nại bản án, lãnh đạo liên ngành tố tụng T.Ư đã quyết định thành lập Tổ chuyên viên liên ngành.

tuong cong an ly giai ve viec quy toi giet nguoi voi tran van vot hinh anh 1
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng.

Lý giải việc ban đầu cơ quan tố tụng khởi tố, truy nã Trần Văn Cự (thôn Thanh Nga) tội Giết người nhưng sau đó lại thay đổi tội danh cho người này, còn tội Giết người lại quy cho ông Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh, Thiếu tướng Hưng cho biết: Khi xảy ra vụ án bên Nhân Phúc và Thanh Nga (cùng xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đánh nhau, rồi xảy ra ném lựu đạn làm 1 người bên Nhân Phúc tử vong, 21 người bị thương. Theo suy luận thông thường không thể tự người bên Nhân Phúc gây thương tích cho mình mà phải bên Thanh Nga. Trong dự đoán, trong phương án để điều tra thời gian đó cơ quan công an cũng có nhiều nhận định phải là người của bên Thanh Nga ném lựu đạn. Vấn đề thứ hai là có những tài liệu cho thấy Trần Văn Cự có mặt ở hiện trường và ném gạch đá sang bên Nhân Phúc. Thứ ba khi cơ quan công an triệu tập thì Trần Văn Cự lại bỏ trốn. Vì như thế mới xác định đây là người gây án.

Theo Thiếu tướng Hưng, sau khi Trần Ngọc Thanh bị bắt thì anh này đã khai nhận hành vi phạm tội, thấy có đủ căn cứ xác định Thanh là người ném lựu gây ra vụ Giết người nên cơ quan tố tụng đã thay đổi tội danh cho Trần Văn Cự từ tội Giết người sang Gây rối trật tự công cộng.

Lý giải việc tại sao Trần Ngọc Thanh lại ném lựu đạn vào phía người làng mình, Tổ công tác liên ngành cho rằng, do anh Thanh mất bình tĩnh, lại chưa ném lựu đạn bao giờ nên khi ném thì tốp người của làng Thanh Nga đã vượt qua chỗ anh Thanh đã định, còn tốp người của làng Nhân Phúc lại vừa đến đó (hai tốp đuổi đánh nhau) và lựu đạn phát nổ.

Theo Thiếu tướng Hưng, sau khi gây ra vụ ném lựu đạn, Trần Ngọc Thanh vào quân đội. Trong quá trình xác minh, thẩm định vụ án, Tổ liên ngành có gặp anh Dương là tiểu đội trưởng phụ trách anh Thanh thời anh này vào bộ đội. Trong lời khai của anh Dương trước đây và cả mới đây, anh này đều khẳng định, trong một lần đơn vị tập hợp thì không thấy anh Thanh xuống. Anh Dương có lên gặp hỏi tại sao không xuống, anh Thanh buồn khóc và tâm sự là đã gây ra việc ném lựu đạn làm chết và bị thương nhiều người ở quê nhà. Thấy vậy anh Dương báo cáo lên trung đội trưởng, khi người trung đội trưởng gặp anh Thanh cũng khai như vậy. Vụ việc được báo lên cấp tiểu đoàn. Thấy đây là vụ việc phạm tội rất nghiêm trọng nên những người có trách nhiệm trong đơn vị anh Thanh đã làm biên bản ghi lời khai tự thú của anh này, rồi chuyển cho cơ quan điều tra.

"Tôi đã gặp trực tiếp anh Chất, nguyên là Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, trước thời kỳ năm 1992 anh này là Phó trưởng Phòng PC16, Công an tỉnh Hà Nam Ninh. Anh Chất có nói, thực sự ngay ban đầu do dự đoán đối tượng gây án phải là người của Thanh Nga nên không ai nghĩ đến việc Trần Ngọc Thanh (người làng Nhân Phúc) là đối tượng ném lựu đạn. Anh Thanh vào bộ đội, đơn vị không ai biết anh từng phạm tội ở địa phương để từ đấy có việc tra tấn, bức cung, nhục hình, việc anh Thanh khai nhận là hoàn toàn tự nguyện. Đến khi đơn vị quân đội bàn giao anh Thanh cho Công an huyện Lý Nhân thì Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vẫn chưa biết. Khi được Công an huyện Lý Nhân báo, Công an tỉnh nhận đối tượng về mới thấy rằng mình suy đoán và nhận định về vụ án có điểm chưa chính xác" - Thiếu tướng Hưng cho biết.

Theo đại diện các cơ quan tố tụng, lời khai của Trần Ngọc Thanh là căn cứ quan trọng để xác định hành vi phạm tội của anh này và Trần Văn Vót.

Bố bị hại kêu oan cho ông Vót

Có mặt tại buổi họp báo, sau khi nghe kết luận của các cơ quan tố tụng T.Ư, GS.TS Nguyễn Lân Dũng (Hà Nội; người đã tham gia đề nghị xem xét lại vụ án của ông Trần Văn Vót) đã có ý kiến với đại diện các cơ quan tố tụng. GS Dũng cho hay, với tư cách là đại biểu Quốc hội 3 khóa, ông thấy một người như ông Vót từng tham gia quân đội, đi chiến đấu có nhiều huân chương, khi về quê là một Bí thư chi bộ, đến nay sau hơn 20 năm ở tù, giờ mắt đã mờ, tai đã điếc, đặc biệt là hiện nay ông Vót đang bị vi khuẩn lao kháng thuốc nếu chịu án chung thân quá nặng nề.

Ông Trần Văn Vót nói chuyện với gia đình (ảnh do gia đình cung cấp).

"Với bệnh lao kháng thuốc, tôi lo ngại ông Vót sẽ chết trong tù, mà như vậy rất thương tâm. Đề nghị xem xét có hình thức thế nào để chữa bệnh cho Trần Văn Vót trong thời gian thụ án không. Trong vụ án này, người ném lựu đạn đã được ra tù năm 2004, nhưng người đưa lựu đạn vẫn thụ án, trong trường hợp ốm đau bệnh tật như vậy thì có hợp lý hay không? Vụ án này có điều chưa bao giờ thấy là bố của người bị chết (bị hại) lại ra sức kêu oan cho ông Vót. Đây là điều rất là lạ từ trước tới nay. Ông cụ này năm nay đã 85 tuổi, hôm nay có đứng ở cổng tòa nhưng không được dự" - GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Về vấn đề sức khỏe của ông Trần Văn Vót, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết sẽ tiếp tục thu ý kiến của GS Nguyễn Lân Dũng, sau đó sẽ bàn bạc với các cơ quan tiến hành tố tụng để có giải pháp phù hợp.

Theo Lương Kết (Dân Việt)