Pháp luật

Truy tố 6 bị can vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 bị thương

Theo cáo trạng, Công ty Long Sơn tự ý đưa người và phương tiện vào khu vực rẫy của người dân để san ủi nên dẫn đến vụ nổ súng. Vụ án có một phần trách nhiệm của địa phương.

Ngày 23/10, ông Ngô Đức Thọ, Chánh án TAND tỉnh Đắk Nông, cho biết đơn vị đã nhận được cáo trạng của VKSND Tối cao trong vụ tranh chấp đất dẫn đến nổ súng khiến 3 người chết, 13 người bị thương xảy ra ở xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) hồi tháng 10/2016.

Truy tố 6 bị can vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 bị thương
Cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi nạn nhân bị bắn tử vong trong vụ án. Ảnh: Minh Quý.

Công ty đưa máy móc đến san ủi cây của người dân

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn (gọi tắt là Công ty Long Sơn) thuê hơn 1.000 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực) để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp.

Đến tháng 6/2013, Nghiêm Xuân Thiên Sửu (55 tuổi, ngụ TP.HCM) và vợ nhận chuyển nhượng công ty này. Quá trình thực hiện dự án, một số hộ dân lấn chiếm đất để trồng điều, cà phê, cao su, sau đó chuyển nhượng cho người khác.

Ngày 15/10/2016, ông Sửu gọi Phạm Công Thiện (40 tuổi, Trưởng quản lý Công ty Long Sơn) cùng các tổ trưởng bảo vệ họp bàn bạc, chuẩn bị máy cày, xe ủi, áo giáp, lá chắn, gậy… để san ủi vườn cây do người dân lấn chiếm. Trong đó có gia đình ông Đặng Văn Hiến (41 tuổi, ngụ xã Quảng Trực) và ông Hoàng Văn Thắng.

Đến ngày 23/10/2016, ông Sửu cùng hơn 30 nhân viên Công ty Long Sơn chia thành 2 nhóm vào sản ủi, phá hủy cây điều, cà phê của gia đình ông Hiến, ông Thắng và ông Triệu Phụ Cao.

Theo thống kê có 287 cây điều, 45 cây cà phê của gia đình ông Hiến, ông Thắng và ông Cao bị san ủi gây hư hỏng. Các cây trồng bị san ủi được trồng khoảng 7-11 năm tuổi và thiệt hại hơn 73 triệu đồng.

Thấy nhân viên của Công ty Long Sơn bao vây nhà và nghe tiếng máy san ủi nên ông Hiến lấy súng ra khỏi nhà. Khi ông Hiến được khoảng 5 m thì người của Công ty Long Sơn cầm gậy, khiên chặn lại.

Lúc này, ông Hiến bắn chỉ thiên thì nhóm nhân viên công ty cầm đá ném nên ông Hiến lùi vào nhà rồi bắn 1 phát về phía người của công ty.

Ông Hiến lên gác nhà và được Hà Văn Trường (32 tuổi, người làm công cho ông Hiến) tiếp đạn để người này bắn về phía nhân viên Công ty Long Sơn.

Sau đó, ông Hiến cùng ông Ninh Viết Bình (hàng xóm của ông Hiến) cầm 2 cây súng đi lên khu vực san ủi rồi bắn nhiều phát về phía người của Công ty Long Sơn. Vụ việc khiến anh Điểu Vinh, Điểu Tào và Dương Văn Tiến tử vong, 13 người khác bị thương tích.

Theo kết quả giám định, 13 nạn nhân bị thương tổn hại sức khỏe từ 6% đến 54%.

Truy tố 6 bị can

Theo cáo trạng, sau khi gây án, Hiến và Trường bỏ trốn đến nhà ông Trần Văn Lập (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) và gặp Đoàn Văn Diện (37 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng).

Tại đây, Hiến kể cho mọi người nghe vụ việc thì ông Lập khuyên Hiến ra đầu thú. Hiến nhờ Diện cầm sim điện thoại của mình đi ra khu vực ngã ba Minh Hưng (huyện Bù Đăng) lắp vào máy gọi điện cho tổng đài nhằm để cơ quan điều tra không truy tìm ở khu vực này rồi tìm cách ra đầu thú.

Ngoài việc thực hiện theo yêu cầu của Hiến, khi Trường lo lắng muốn bỏ trốn xuống TP.HCM thì Diện bảo Trường ở lại nhà mình.

Truy tố 6 bị can vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 bị thương - 1
Khu vườn điều nhà ông Hiến bị nhân viên Công ty Long Sơn san ủi. Ảnh: Minh Quý.

Đến ngày 28/10/2016, Hiến và Trường đã đến cơ quan chức năng đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Do đó, VKSND Tối cao truy tố bị can Đặng Văn Hiến, Ninh Viết Bình, Hà Văn Trường cùng về tội Giết người; Đoàn Văn Diện về tội Che giấu tội phạm.

Ngoài ra, VKSND Tối cao còn truy tố Nghiêm Xuân Thiên Sửu và Phạm Công Thiện cùng về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Theo cáo trạng, các bị can thực hiện hành vi giết người trong bối cảnh có bức xúc về việc cây trồng bị người khác phá hủy. Các bị can và gia đình trong vụ án đã thành khẩn khai báo, bồi thường cho nạn nhân nên đây là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Cũng theo cáo trạng, cơ quan chức năng huyện Tuy Đức và tỉnh Đắk Nông, quản lý, nắm địa bàn chưa tốt nên dẫn đến người dân xâm canh, phá rừng trái phép.

“Về vấn đề này Chính phủ đã có chỉ đạo, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang giải quyết. Vì vậy, cơ quan điều tra đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục giải quyết nên không xem xét, xử lý trong vụ án này”, cáo trạng nêu.

Theo Tây Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)