Pháp luật

Thực hư chuyện Chủ tịch xã tự ý di dời mộ liệt sĩ tập thể ở Hà Nội

Nhiều ngày qua, dư luận đang có nhiều ý kiến về việc một công dân tố Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội) tổ chức chuyển 60 ngôi mộ liệt sĩ trên địa bàn xã này mà không hề thông báo cho thân nhân các liệt sĩ. Trước thông tin này, chính quyền xã Thanh Liệt đã có những phản hồi chính thức.

Bỗng dưng mất mộ (?)

Chia sẻ với PV NTNN, chị Nguyễn Thị Thúy Ngần (SN 1978, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, sự việc xảy ra với gia đình chị quá bất ngờ và bức xúc, do đó chị đã lên mạng xã hội chia sẻ việc ngôi mộ tập thể 60 cán bộ, nhân dân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại nghĩa trang thôn Vực (xã Thanh Liệt) bỗng dưng “biến mất” một cách bất thường.

Theo lời chị Ngần, từ khi còn nhỏ, chị đã được bố kể lại trong ngôi mộ tập thể có ông nội của chị – cụ Nguyễn Văn Ái – liệt sỹ, hy sinh ngày 7.3.1949 trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (Theo quyết định số: 287/QĐ – TTg. Bằng số: GB 695 được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải ký).

Thực hư chuyện Chủ tịch xã tự ý di dời mộ liệt sĩ tập thể ở Hà Nội
Theo phản ánh của chị Ngần, ngôi mộ tập thể của 60 cán bộ, chiến sĩ tại địa bàn xã Thanh Liệt bị chủ tịch UBND xã này di chuyển mà không hề thông báo cho người thân các liệt sĩ khiến người dân bức xúc.

Hàng năm, gia đình chị Ngần vẫn đến ngôi mộ tập thể này để thắp hương cho người thân.

Về diễn biến vụ việc, chị cho biết, khoảng 10 giờ sáng ngày 21.12.2017, gia đình chị đến mộ thắp hương thì biết tin do nằm trong hành lang dự án làm đường, ngôi mộ sắp bị di chuyển để giải phóng mặt bằng.

Chiều cùng ngày, gia đình chị đã tới UBND xã Thanh Liệt để tìm hiểu thông tin. Tại đây, theo lời chị Ngần, Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt – ông Nguyễn Văn Phong cho rằng đây là mộ vô danh nên không cần thông báo (?)

Tới ngày 14.2.2018, gia đình chị Ngần đến ngôi mộ tập thể để thắp hương thì thấy ngôi mộ đã “biến mất”, chỉ còn lại đất đá, gạch đổ nát tại vị trí cũ. Một người quản trang đã thông báo ngôi mộ đã được di chuyển từ vài ngày trước.

“Chúng tôi rất bức xúc vì ngôi mộ tập thể chôn cất ông nội và nhiều đồng đội của ông bỗng dưng bị di chuyển mà chính quyền không thông báo gì. Chứng kiến cảnh tượng ngôi mộ bị đào tan hoang, vỡ nát gia đình chúng tôi vô cùng hoang mang” – chị Ngần nói.

Không có hồ sơ, tài liệu cụ thể về ngôi mộ tập thể

Chiều ngày 1.3, UBND xã Thanh Liệt đã có những thông tin phản hồi về vụ việc. Ông Nguyễn Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt cho biết, hiện tại UBND xã Thanh Liệt không có hồ sơ liên quan đến ngôi mộ tập thể.

Theo ông Phong, qua tham khảo ý kiến các cụ cao niên đang sinh sống trên địa bàn, giai đoạn 1948-1949 thực dân Pháp đưa người dân và các chiến sỹ cách mạng để xử bán, sau đó vứt xuống hào sâu và lấp đất chôn tập thể tại khu vực cầu Tó (thuộc cánh đồng thôn Vực, xã Thanh Liệt).

Đến khoảng 1953, một số cụ ở thôn Vực làm đơn gửi trường “Đồn Bốt” (Pháp quản lý) xin bốc hài cốt tại khu vực trên, sau đó nhân dân góp tiền mua tiểu, thuê người cải cát và chuyển. Tuy nhiên, khi chuyển lại để chồng xương cốt người này lên người kia… Mặt khác, do không có thông tin liên quan đến những người bị bắn nên tất cả các tiểu được chôn thành ngôi mộ tập thể.

Năm 1968, Trung đoàn 664 về xây dựng doanh trại, khi đào móng xây hội trường, do vướng mộ nên đã thống nhất với xã di chuyển toàn bộ hài cốt sang nghĩa trang Má Nhịa (thôn Vực). Từ đó đến nay, UBND xã Thanh Liệt trực tiếp quản lý. Năm 1995, do mộ nằm gần mương nước, bị sạt lở nên chính quyền đã báo cáo lên huyện xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, gắn bia tưởng niệm.

Thực hư chuyện Chủ tịch xã tự ý di dời mộ liệt sĩ tập thể ở Hà Nội - 1
Tại buổi thông tin chính thức về vụ việc, chị Ngần đã phản bác toàn bộ những lời giải thích của chính quyền xã Thanh Liệt cũng như khẳng định sẽ tiếp tục kêu cứu tới các cơ quan chức năng để tìm lại công bằng cho gia đình.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Phong chia sẻ, mộ chôn tập thể không xác định được thân nhân nên không biết gia đình nào để mời cụ thể. Những người thân của các liệt sỹ là do họ tự nhận và tự đến thắp hương, tự ý khắc tên các liệt sỹ lên bia tưởng niệm mà không thông qua xã.

“Trước khi di chuyển mộ, chúng tôi đã thông báo trên đài truyền thanh xã. Khi chuyển mộ có sự chứng kiến của đông đảo nhân dân. Quá trình di dời, chỉ có 59 tiểu chứ không phải 60 tiểu” – Chủ tịch UBND xã Thanh Liệt thông tin.

Được biết UBND TP.Hà Nội đã có quyết định cho Liên doanh các nhà đầu tư (Công ty CP Đầu tư phát triển Công nghệ điện tử viễn thông và Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì) thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, xây dựng dựng 4 tuyến đường cấp khu vực (có bề rộng mặt cắt ngang quy hoạch 13m, 17,5m, 30m) theo quy hoạch tại dự án, đảm bảo tuân thủ quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế và chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành (nối từ đường Kim Giang vào dự án The Eden Rose – PV).

Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư có trách nhiệm bàn giao lại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác theo quy định.

Theo Bách Thuận (Dân Việt)