Pháp luật

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ án oan 22 năm

Thủ tướng đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm với bị cáo Trần Văn Vót, được phản ánh có dấu hiệu oan sai.

Thủ tướng đề nghị Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao xem xét lại bản án hình sự phúc thẩm với bị cáo Trần Văn Vót, được phản ánh có dấu hiệu oan sai.

Thủ tướng nhận được thư của giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng phản ánh về bản án hình sự phúc thẩm số ngày 27/8/1994 của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội, đối với bị cáo Trần Văn Vót có dấu hiệu oan sai và kiến nghị xem xét lại.

Theo đó Thủ tướng đề nghị Viện trưởng VKS, Chánh án TAND Tối cao chỉ đạo xem xét, giải quyết phản ánh, kiến nghị của giáo sư, tiến sĩ đối với bản án phúc thẩm của bị cáo Trần Văn Vót theo quy định của pháp luật, thông báo cho Thủ tướng biết kết quả.

Thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ án Trần Văn Vót.

Giáo sư, tiến sĩ Dũng cho biết, trước khi nhận được phản hồi từ Thủ tướng, ông đã chuyển đơn kêu cứu của gia đình bị cáo Vót đến nhiều nơi nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, báo Nông nghiệp Việt Nam đã vào cuộc điều tra, bước đầu cho thấy vụ án có nhiều điểm chưa được làm rõ.

Đáng lưu ý, trong 22 năm qua, bị cáo Vót liên tục kêu oan và kiên quyết không ký vào bản nhận tội, cho rằng mình không có tội. Cũng chừng đó thời gian, bố nạn nhân vẫn kêu oan cho hung thủ.

Theo điều tra của báo Nông nghiệp Việt Nam, mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc) đã dẫn đến vụ ném lựu đạn vào ngày 29/11/1992, khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người bị thương.

Ngay sau đó, Công an huyện Lý Nhân đã khởi tố vụ án hình sự Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép, khởi tố bị can, truy nã toàn quốc Trần Văn Cự - khi đó đã bỏ trốn.

Tuy nhiên, ngày 23/2/1993, Trần Ngọc Thanh (sinh năm 1974), bị di lý về Công an tỉnh Nam Hà (nay là Hà Nam) để điều tra về hành vi Giết người.

Kế tiếp, ngày 27/5/1993, Trần Văn Vót - khi đó là Bí thư chi bộ xóm cũng bị bắt tại trụ sở UBND xã để phục vụ điều tra về hai hành vi Giết người và Tàng trữ trái phép vũ khí.

Kết luận điều tra của Công an tỉnh Nam Hà, Vót là người tàng trữ, đưa lựu đạn cho Thanh để ném vào đám đông bà con xã viên Nhân Phúc, gây nên cái chết cho anh Trần Văn Việt và làm bị thương 21 người.

Vót sau đó bị VKSND tỉnh Nam Hà truy tố về 4 tội Giết người, Tàng trữ trái phép vũ khí, Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội và Gây rối trật tự công cộng. Trần Ngọc Thanh bị truy tố về tội Giết người.

Ngày 26/2/1994, Vót bị TAND tỉnh Nam Hà tuyên phạt chung thân vì 4 tội trên, Thanh bị tuyên 15 năm tù. Tuy nhiên, các nhân chứng và 21 người dân xa Nhân Phúc bị thương không được triệu tập, thân nhân của những bị cáo cũng không được vào tòa.

Từ ngày 25 đến 27/8/1994, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội phúc thẩm lại vụ án trên, tuyên y án.

22 năm qua, cụ Trần Anh Điền (bố của nạn nhân Trần Văn Việt) liên tục kêu oan cho Vót và Thanh, với những chứng cứ như: Trần Ngọc Thanh không có mặt ở hiện trường khi xảy ra vụ án; 4 cán bộ công an huyện Lý Nhân có mặt ở hiện trường đã nhìn rõ lựu đạn ném từ phía người xã Thanh Nga sang phía người xã Nhân Phúc.

Gia đình Vót cũng liên tiếp gửi đơn khiếu nại đến nhiều nơi nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Bị cáo Vót là người có 18 năm quân ngũ, được tặng huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba, huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì, được Nhà nước Lào tặng thưởng huân chương chống Mỹ...

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)